Chính quyền quan tâm bảo đảm an sinh xã hội đi đôi với bảo vệ an ninh trật tự địa bàn

07:07, 04/07/2014

Từ năm 2002, UBND xã Nam Hồng và UBND huyện Nam Trực đã có tờ trình UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư xây dựng CCN tập trung Nam Hồng. Quyết định đề xuất xây dựng CCN Nam Hồng xuất phát từ chủ trương quy hoạch và xây dựng CCN tập trung để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp ở các làng nghề cơ khí, chế biến nông sản, lâm sản, tẩy nhuộm… có quy mô sản xuất lớn, gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư di chuyển ra, đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Khu đất được lựa chọn để xây dựng CCN Nam Hồng vốn là đất thùng đào ven đê và đất trồng lúa kém hiệu quả; sát Quốc lộ 21 và liền kề hệ thống giao thông đường thủy, thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa. Theo báo cáo số 42 ngày 27-6-2014 của UBND huyện Nam Trực về tình hình thu hồi đất GPMB, thực hiện dự án xây dựng CCN tập trung huyện Nam Trực tại xã Nam Hồng, quá trình thu hồi đất, lập phương án GPMB được thực hiện theo đúng trình tự quy định. Ban GPMB huyện đã phối hợp với UBND xã Nam Hồng và cơ sở xóm có đất bị thu hồi thống kê diện tích đất thu hồi theo vị trí tờ, thửa, lên phương án đền bù, hỗ trợ và phương án chi tiết của các hộ có đất bị thu hồi. Các hộ đã ký nhận vào kết quả thống kê diện tích đất bị thu hồi và phương án đền bù, hỗ trợ. Đến ngày 30-12-2003, chỉ sau 10 ngày công bố Quyết định thu hồi đất số 3508/2003/QĐ-UB đã có 151 hộ nhận hết tiền đền bù với tổng số tiền là 2.315.369.700 đồng. Từ ngày 7-1-2004 đến ngày 10-3-2004, có 74 hộ dân tiếp tục nhận tiền đền bù với tổng số tiền là 332.874.800 đồng; chỉ còn lại 10 hộ chưa nhận tiền. Căn cứ vào Công văn số 240/CV-UB ngày 1-10-2004 của UBND huyện về việc đồng ý phương án đổi đất cho các hộ không nhận tiền đền bù, ngày 8-10-2004, UBND xã Nam Hồng đã có Thông báo số 14/TB-UB cho 10 hộ đến UBND xã để thống nhất việc nhận tiền hay nhận ruộng, nhưng các hộ không đến. Sau đó, vào các năm 2005, 2006, đã có 6 trong 10 hộ tiếp tục nhận tiền với tổng số tiền là 50.146.400 đồng. Đến tháng 12-2006 chỉ còn 4 hộ chưa nhận tiền, bao gồm hộ các ông: Trần Văn Đạt, Ngô Xuân Hải, Ngô Trường Sơn, Ngô Sỹ Truật và 2 hộ nhận một nửa số tiền, gồm các hộ, ông Ngô Văn Kim và ông Đặng Văn Điền. Trong 4 hộ không nhận tiền có hộ ông Ngô Xuân Hải đã đồng ý phương án đổi đất; 3 hộ còn lại trên thực tế đã sử dụng diện tích đất thu hồi nằm ngoài tường bao CCN với diện tích lớn hơn diện tích bị thu hồi và canh tác từ đó đến nay. Việc chi trả tiền đền bù cho các hộ dân thực hiện theo hình thức chi trả trực tiếp; có lập phiếu chi, giấy biên nhận tiền và bản cam kết về việc nhận tiền bồi thường. Nội dung bản cam kết nêu rõ, sau khi đã được phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước khi thu hồi đất, phương án bồi thường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các hộ dân nhận tiền bồi thường sẽ bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án. Sau khi nhận bàn giao mặt bằng của các hộ có đất bị thu hồi, Ban quản lý dự án đã tiến hành xác định mốc giới, xây dựng tường bao và san lấp mặt bằng. Tháng 1-2006 nhà thầu tiến hành san lấp và bàn giao mặt bằng CCN cho huyện. Mặc dù huyện đã mời gọi các hộ, doanh nghiệp trong làng nghề vào CCN, hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất và BVMT cho khu dân cư, nhưng không có nhà đầu tư nào của địa phương đăng ký nộp hồ sơ cho Ban quản lý dự án. Đến cuối năm 2006, Cty CP Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Hoàng Anh (thuộc Tập đoàn CNTT VINASHIN) đã đăng ký đầu tư và đã được UBND huyện bàn giao mặt bằng và các giá trị hạng mục đầu tư CCN vào ngày 8-1-2007. Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao mặt bằng, từ năm 2007 đến năm 2011, Cty CP CNTT Hoàng Anh gặp nhiều khó khăn, không thể triển khai đầu tư nên đã chủ động có tờ trình và được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi ngành nghề sang xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông và các sản phẩm công nghiệp khác. Sau đó, Cty tiếp tục báo cáo UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng một phần diện tích trong dự án cho Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) thuê lại. Ngày 10-7-2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-UBND thu hồi 78.147m2 trong tổng số diện tích giao cho Cty CP CNTT Hoàng Anh để cho Cty TNHH Yamani Dynasty thuê với hình thức không phải trả tiền thuê đất. Như vậy, Cty TNHH Yamani Dynasty chỉ là nhà đầu tư thứ cấp, không liên quan đến trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ GPMB để xây dựng CCN Nam Hồng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở TN và MT: Việc thu hồi đất để xây dựng CCN Nam Hồng được áp dụng theo Luật Đất đai 1993 và Nghị định 22 của Chính phủ; đây là dự án Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế nên theo quy định pháp luật, Nhà nước thu hồi vĩnh viễn chứ không phải chỉ đến năm 2013 như cách hiểu của người dân và cũng không quy định có hỗ trợ tái định cư.

Công ty TNHH Yamani tại cụm công nghiệp Nam Hồng.
Công ty TNHH Yamani tại cụm công nghiệp Nam Hồng.

Suốt trong quá trình thu hồi đất, thực hiện bồi thường hỗ trợ GPMB để xây dựng CCN Nam Hồng và kêu gọi đầu tư cho đến năm 2013, người dân địa phương không có ý kiến khiếu nại, kiến nghị. Đến ngày 19-1-2014, UBND huyện Nam Trực nhận được đơn của các hộ dân xóm Đông Trung Thắng, xã Nam Hồng đề nghị được Nhà nước tiếp tục đền bù, hỗ trợ sau năm 2013 cho diện tích đã thu hồi. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện rà soát và tham mưu cho huyện giải quyết. Sau đó, lần lượt các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Viết Hưng đã tiến hành đối thoại, lắng nghe kiến nghị của người dân xóm Đông Trung Thắng, giải đáp các kiến nghị. Tuy nhiên các hộ dân vẫn không đồng tình. Tại cuộc đối thoại lần 2 ngày 28-5-2014 của đồng chí Vũ Đức Hạnh, Chủ tịch UBND huyện với người dân xóm Đông Trung Thắng đã kết luận: “Giao cho các phòng chuyên môn cùng UBND xã Nam Hồng rà soát, đánh giá lại thực trạng đời sống, việc làm của các hộ dân trong diện thu hồi đất, cơ sở hạ tầng NTM và tình hình đất đai, môi trường của xóm Đông Trung Thắng, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, xây dựng phương án hỗ trợ an sinh xã hội, cải tạo cơ sở hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để đến ngày 10-6-2014 sẽ tiếp tục đối thoại với các hộ dân xóm Đông Trung Thắng”. Nội dung kết luận này đã được các hộ dân dự đối thoại nhất trí. Sau đó UBND huyện đã làm việc với các Sở: TN và MT, LĐ-TB và XH, Tài chính để tham vấn phương án giải quyết. Thực hiện kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 11/TB-UBND ngày 9-6-2014,  UBND huyện tổ chức đối thoại lần 3 với đại diện nhân dân xóm Đông Trung Thắng. Tại đây, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã khẳng định: Về các thủ tục, quá trình thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng CCN Nam Hồng huyện đã thực hiện đúng quy định; hầu hết các hộ dân đã nhận tiền đền bù thu hồi đất, cam kết bàn giao mặt bằng và không có ý kiến gì khác. Theo quy định pháp luật, thời hiệu khiếu nại về việc đền bù thu hồi đất đã hết (Điều 38, Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ). Xét điều kiện kinh tế - xã hội của xóm Đông Trung Thắng, UBND huyện nhận thấy: Trong giai đoạn đầu thu hồi đất, tuy đất sản xuất nông nghiệp của người dân giảm đi gần một nửa, song khi nhận tiền đền bù với mức 6 triệu 949 nghìn đồng/sào, người dân có điều kiện đầu tư một phần cho sản xuất hoặc đầu tư các loại hình sản xuất, kinh doanh khác; có hộ lựa chọn phương thức gửi tiết kiệm (lãi suất ngân hàng thời điểm năm 2003 là 7%/năm), tiền lãi được hưởng cũng tương đương và cao hơn lợi nhuận thu được từ việc canh tác trên cùng diện tích (năng suất bình quân 180kg/sào, giá thị trường 2.000 đồng/kg, trừ các khoản đầu tư thì lợi nhuận đạt 40%). Tuy nhiên, đến nay, do hệ thống thủy lợi xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, mặt khác ảnh hưởng của nước thải CCN dẫn đến đời sống của nhân dân xóm Đông Trung Thắng gặp khó khăn. Do vậy, UBND huyện đã nghiên cứu, vận dụng cơ chế chính sách, báo cáo UBND tỉnh cho phép xây dựng phương án hỗ trợ an sinh xã hội nhằm cải thiện đời sống nhân dân, bao gồm: Hỗ trợ kinh phí học nghề cho những người còn trong độ tuổi lao động, có nhu cầu; đối với người ngoài độ tuổi lao động thì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Hỗ trợ xây dựng một số hạng mục cơ sở hạ tầng chính như thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng NTM. Đối với những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, huyện định hướng cho phép chuyển đổi sản xuất nhằm nâng cao giá trị, song phải theo quy hoạch, người dân phải có phương án cụ thể được cấp chính quyền phê duyệt trước khi triển khai. Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện: Trước đó, trong quá trình họp dân triển khai việc thu hồi đất, phương án bồi thường, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, huyện đã thống nhất xếp cùng một hạng đất và áp dụng mức bồi thường cao nhất nên các hộ dân cơ bản đồng tình cao. Mới đây, phát hiện việc xã Nam Hồng sử dụng các nguồn vốn từ tiền thuê đất, tiền hỗ trợ xây dựng NTM để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, phúc lợi của xã chưa thật sự phù hợp, trong đó chưa ưu tiên cho xóm Đông Trung Thắng bị thu hồi nhiều đất nông nghiệp, UBND huyện đã nhắc nhở lãnh đạo xã và yêu cầu xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của huyện về sử dụng nguồn kinh phí này đầu tư phát triển hạ tầng cho xóm Đông Trung Thắng. Song còn một số vấn đề như chuyển đổi diện tích kém hiệu quả, hay đầu tư các công trình phúc lợi khác thì phải do chính người dân xóm bàn bạc thống nhất, xây dựng phương án trình thì mới có cơ sở để xã triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đại diện các hộ dân xóm Đông Trung Thắng đã không nhất trí với các phương án hỗ trợ an sinh xã hội như kế hoạch của huyện và phản đối bằng hình thức tụ tập đông người tại cổng Cty TNHH Yamani Dynasty (CCN Nam Hồng), ngăn cản công nhân đến làm việc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, UBND xã Nam Hồng thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Nhìn chung, đến nay tình hình an ninh trật tự tại khu vực được giữ vững, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được đảm bảo ổn định. Đồng chí Vũ Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, các khiếu nại của người dân xóm Đông Trung Thắng là những khiếu nại liên quan đến công tác thực hiện quy hoạch, GPMB, bồi thường hỗ trợ xây dựng CCN Nam Hồng, và việc thực hiện các chế độ an sinh xã hội thuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền, không phải của doanh nghiệp, cụ thể là Cty TNHH Yamani Dynasty. Mặt khác, Cty TNHH Yamani Dynasty đầu tư vào CCN này đã tháo gỡ khó khăn cho Cty CP CNTT Hoàng Anh, tránh được lãng phí khi đầu tư CCN; đến nay Cty luôn bảo đảm ổn định việc làm cho 3.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng, các lao động kỹ thuật chuyên môn cao được trả 4,5 triệu đồng/người/tháng. Cty cũng thực hiện đầy đủ các điều kiện lao động, BVMT. Việc gây rối doanh nghiệp để đòi các yêu sách của một số người dân xóm Đông Trung Thắng là không đúng, đặc biệt gây hậu quả không tốt, làm mất uy tín về môi trường đầu tư, giảm sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của huyện. Điều này tác động trực tiếp đến các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng NTM của địa phương, trong đó có xóm Đông Trung Thắng. Do vậy, huyện Nam Trực sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án hỗ trợ an sinh xã hội; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng nắm chắc kịp thời tình hình diễn biến các sự việc để có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Cty TNHH Yamani Dynasty hoạt động bình thường. Đồng thời xem xét và có thái độ kiên quyết với những đối tượng cố tình có hành vi quá khích, lôi kéo, xúi giục người dân tham gia các hoạt động gây rối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Đối với người dân thực hiện quyền dân chủ phải bảo đảm tuân thủ theo pháp luật, hết sức tỉnh táo tránh để bị đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục, dẫn đến vi phạm pháp luật./.

Nhóm PV Nội chính
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com