Khó khăn trong xã hội hóa chương trình điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone

07:07, 17/07/2014

Sau 4 năm triển khai, chương trình điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone tại tỉnh ta đã mang lại hiệu quả tích cực cho bản thân, gia đình người nghiện, góp phần giữ gìn trật tự xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ sở điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone với 1.174 bệnh nhân. Trong đó cơ sở Methadone tại Thành phố Nam Định có 475 bệnh nhân, tại huyện Xuân Trường có 199 bệnh nhân, tại huyện Giao Thủy có 259 bệnh nhân, tại huyện Trực Ninh có 152 bệnh nhân và tại huyện Hải Hậu có 89 bệnh nhân. Trong số các bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone có khoảng 77,3% bệnh nhân từ 30 tuổi trở lên, 22,2% bệnh nhân từ 20-24 tuổi, chỉ có 0,5% dưới 20 tuổi.

Bác sĩ Vũ Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, phụ trách cơ sở điều trị Methadone Thành phố Nam Định cho biết: “Chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cả về mặt điều trị và xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện ma túy và cộng đồng. Kết quả điều trị tại các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy số người sử dụng ma túy giảm xuống còn 17% sau 3 tháng điều trị, xuống 5% sau 6 tháng điều trị và 2,5% sau 9 tháng điều trị; sau 12 tháng điều trị hầu hết bệnh nhân không còn sử dụng hê-rô-in. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt”. Điều trị Methadone là phương pháp hiệu quả, chi phí rẻ. Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai, độ bao phủ của chương trình điều trị Methadone tại tỉnh ta còn hạn chế, trong khi nhu cầu tham gia điều trị của người nghiện chích ma tuý ngày càng cao. Hiện nay, việc điều trị đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu Methadone do các tổ chức quốc tế và Trung ương cắt giảm thuốc cũng như kinh phí hỗ trợ. Từ tháng 3-2011 đến nay, cơ sở điều trị Methadone tại Thành phố Nam Định hoạt động với sự tài trợ của Dự án Life GAP (nay là Dự án hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC). Cơ sở điều trị Methadone ở Giao Thủy và Xuân Trường được tài trợ từ tháng 7-2011 đến tháng 5-2012 từ Dự án World Bank và từ tháng 6-2012 đến nay, được tài trợ từ Dự án Quỹ Toàn cầu cùng với cơ sở điều trị ở Trực Ninh (hoạt động từ tháng 10-2012), cơ sở ở Hải Hậu (hoạt động từ tháng 10-2013). Trong điều kiện các dự án tài trợ chuẩn bị kết thúc để đảm bảo quá trình điều trị của bệnh nhân được liên tục, lâu dài, từ tháng 1-2014 tỉnh ta đã triển khai xã hội hoá chương trình Methadone, vừa giúp cơ sở có kinh phí để tiếp tục duy trì hoạt động, đảm bảo tính bền vững của chương trình vừa giảm gánh nặng chi tiêu ngân sách cho Nhà nước, đồng thời tăng cường trách nhiệm của bệnh nhân và gia đình người bệnh trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, trong quá trình xã hội hóa công tác điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone, khó khăn đặt ra là phần lớn bệnh nhân nghiện ma túy đều thuộc diện nghèo, khó có khả năng chi trả chi phí thuốc men. Hiện tỉnh ta đang triển khai nhân rộng mô hình xã hội hóa Methadone ở các cơ sở điều trị với mức thu một phần chi phí là 10 nghìn đồng/người bệnh nhân/ngày, như vậy mức thu trong 1 tháng là 300 nghìn đồng, chỉ chiếm khoảng 1/3 so với tổng chi phí điều trị nhưng đa số bệnh nhân đóng dàn trải; thậm chí có bệnh nhân còn gây sự với cán bộ khi phải nộp tiền... Đó là chưa kể chi phí cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 1-7-2014, phụ cấp chi cho cán bộ tại các cơ sở điều trị Methadone bị cắt, trong khi họ thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân và có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm như lao, HIV, viêm gan…; nhiều người không muốn gắn bó lâu dài với công việc. Ngoài ra, do khó khăn về kinh phí, cơ quan chức năng chưa tổ chức được các cuộc hội thảo, tuyên truyền về xã hội hóa công tác điều trị Methadone xuống cơ sở, nên nhận thức của các cấp chính quyền cũng như người dân về xã hội hoá điều trị Methadone còn hạn chế… Để tiếp tục duy trì các hoạt động của chương trình điều trị Methadone, giúp người nghiện ma túy có cơ hội cai nghiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần tích cực “vào cuộc”, tăng cường công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực trong xã hội; trong đó kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ của các doanh nghiệp, giúp người nghiện ma túy có cơ hội cai nghiện, tái hoà nhập cộng đồng./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com