Đổi mới cách đánh giá chất lượng học sinh tiểu học

09:07, 21/07/2014

Hiện nay, ở các trường tiểu học trong toàn tỉnh đều có tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi tăng nhiều so với các năm học trước. Trong khi các em vui vì đạt được thành tích cao thì có không ít bậc phụ huynh tỏ ra hoang mang, bởi danh hiệu học sinh giỏi không hẳn đã phản ánh đúng năng lực học tập của con em mình (?).

Chị Lan có con học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định cho biết: Lớp con tôi có 35 học sinh thì cả 35 cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lẽ ra, khi thấy con học giỏi thì vui, nhưng với gia đình tôi, việc cháu đạt loại giỏi lại thấy lo lắng, bởi con tôi rất hiếu động, chữ viết xấu và hay quên. Thậm chí, trong năm học cô giáo phải mời gia đình đến để trao đổi vì con tôi hay nói chuyện riêng, không tập trung trong giờ học. Không phải năm nay cháu mới “giỏi” mà những năm học trước cháu cũng đạt thành tích này. Tôi lo ở lứa tuổi của cháu chưa tự ý thức được về bản thân mình nên thấy điểm giỏi là các cháu nghĩ mình giỏi, trong khi đó cháu còn phải tiếp tục học lên các lớp cao hơn, nếu kết quả học tập không phản ánh đúng năng lực học tập sẽ khiến các cháu có tâm lý chủ quan và thiếu động lực để phấn đấu trong học tập. Cùng tâm trạng với chị Lan, chị Nga có con học cùng trường chia sẻ: “Năm nào con cũng có giấy khen đạt danh hiệu học sinh giỏi, quả thật gia đình tôi rất mừng. Chỉ khi có người họ hàng làm giáo viên dạy tiểu học ở xa về chơi, kiểm tra môn Toán lớp 4 cháu vừa học, có 10 bài, cháu chỉ làm được 6 bài, trong đó có 2 bài làm sai. Điều đó cho thấy, ở trên lớp có thể cháu chỉ quen học dập khuôn, máy móc, học thuộc các dạng đề, nên khi bài chỉ đổi câu chữ một chút là cháu đã làm sai do hiểu sai đề bài”.

Các em học sinh giỏi bậc tiểu học trong tỉnh đoạt giải chung cuộc tại Cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh (Vô địch TOEFL Primary) do Sở GD và ĐT phối hợp với IIG Việt Nam - Đại diện chính thức và duy nhất của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tại Việt Nam tổ chức.
Các em học sinh giỏi bậc tiểu học trong tỉnh đoạt giải chung cuộc tại Cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh (Vô địch TOEFL Primary) do Sở GD và ĐT phối hợp với IIG Việt Nam - Đại diện chính thức và duy nhất của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tại Việt Nam tổ chức.

Theo các giáo viên dạy tiểu học, việc có nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi trong những năm gần đây là do cách đánh giá xếp loại học sinh hiện nay chỉ dựa vào kết quả bài kiểm tra cuối năm của một số môn là nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh giỏi tăng đột biến. Một số giáo viên cho biết, bài kiểm tra cuối năm dành cho học sinh đại trà nên ở nhiều trường, đề kiểm tra không có nhiều câu hỏi mang tính phân loại nên học sinh dễ dàng đạt điểm giỏi. Vì vậy, tổng kết cuối năm ở một số trường, có lớp có tới 98-100% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hơn nữa, ở các nhà trường, nhất là những trường có chất lượng, ngay từ đầu năm học ban giám hiệu đã giao chỉ tiêu cho các lớp A (lớp chọn) có 98-100% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, các lớp B, C… (lớp đại trà) được giao chỉ tiêu có 30% đạt danh hiệu học sinh giỏi, 40-50% đạt danh hiệu học sinh khá, còn lại là học sinh có học lực trung bình. Trong khi đó, học sinh ở các lớp A không hẳn đã có 98-100% học sinh giỏi (?). Tuy nhiên, hiện nay hầu như trường tiểu học nào cũng bị ép về chỉ tiêu học sinh giỏi, vì số lượng học sinh giỏi ảnh hưởng trực tiếp đến danh hiệu của nhà trường.

Theo Thông tư 32 quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Bộ GD và ĐT, trong năm học giáo viên vẫn tiến hành chấm bài, cho học sinh làm kiểm tra định kỳ nhưng không lấy điểm để đánh giá học lực học sinh mà chỉ nhằm thu nhận thông tin để điều chỉnh quá trình dạy học; thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp động viên, giúp đỡ học sinh trong học tập. Điểm nổi bật của quy định mới này là điểm học lực của học sinh tiểu học, chỉ được tính bằng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm duy nhất, chứ không tính điểm bình quân của cả 2 học kỳ như trước đây. Quy định cũng chỉ rõ, học sinh tiểu học có điểm kiểm tra định kỳ bất thường so với kết quả học tập hằng ngày, hoặc không đủ số điểm kiểm tra định kỳ, đều được kiểm tra bổ sung. Bên cạnh đó, việc kiểm tra bổ sung cho những học sinh chưa đạt điểm trung bình ở bài kiểm tra định kỳ (nhiều nhất là 3 lần) theo thông tư là tạo cơ hội giúp các em ôn tập, để đạt được yêu cầu chất lượng và được lên lớp một cách xứng đáng, nhưng đây cũng là “kẽ hở” để nhiều học sinh đạt được danh hiệu học sinh giỏi vào cuối năm học, nhất ở các khối lớp 1, 2, 3, khi điểm kiểm tra lên lớp chỉ tính ở hai môn Tiếng Việt và Toán (các khối 4, 5, ngoài 2 môn Tiếng Việt và Toán còn tính điểm ở các môn: Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học). Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải đánh giá cả quá trình. Nếu chỉ dựa vào một kỳ thi cuối cùng sẽ không đánh giá được toàn diện sức học của học sinh. Đó là chưa kể sẽ gây cho học sinh tâm lý xao nhãng trong năm học, sau đó mới “chạy nước rút”. Ban đầu những người làm chương trình cũng như xây dựng phương pháp đánh giá học sinh tiểu học, cũng mong muốn đánh giá một cách thoáng hơn để các con ở lứa tuổi nhỏ không bị áp lực học hành cũng như thành tích. Nhưng khi đi vào triển khai, dường như giáo viên và các nhà trường đã chú trọng nhiều vào thành tích. Giáo viên chủ nhiệm lớp mà có nhiều học sinh giỏi và ít học sinh xếp loại tiên tiến thì sẽ được các danh hiệu như chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến… Vì vậy, các giáo viên sẽ “dễ dãi” hơn trong việc chấm điểm cho học sinh. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh có con học tiểu học cũng “góp phần” vào kết quả học tập của con em mình khi cố cho con có quyển học bạ đẹp để có cơ hội được thi tuyển, xét tuyển vào các trường THCS chất lượng cao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá học sinh tiểu học có nhiều cách, hoặc nhận xét theo dõi các em hằng ngày hoặc đánh giá qua điểm. Nhưng cách đánh giá nào cũng phải có sự công bằng và có khả năng phân loại học sinh. Vì vậy, chuyện ở 1 lớp tiểu học có tới 98-100% học sinh giỏi thì không còn thể hiện được mục đích của việc phân loại và làm mất đi tính công bằng trong nhà trường.

Dự kiến năm học mới 2014-2015, Bộ GD và ĐT sẽ triển khai, áp dụng không chấm điểm cho học sinh tiểu học nhằm đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục đích giáo dục tiểu học; kết hợp với đánh giá của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh; đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh. Hy vọng, với những thay đổi trong cách đánh giá, xếp loại sẽ tạo sự công bằng và phản ánh đúng năng lực cho các em học sinh tiểu học./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com