Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trong dịp hè

09:07, 25/07/2014

Từ đầu kỳ nghỉ hè đến nay, việc tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh ở các cấp học diễn ra tràn lan ở các địa phương trong tỉnh gây áp lực về thời gian, ảnh hưởng tới sức khỏe, hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi của học sinh, gây bức xúc trong dư luận và phụ huynh học sinh.

Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các quy định về quản lý việc dạy thêm, học thêm. Ngoài việc bám sát quy định của Bộ GD và ĐT thì ngành GD và ĐT và các địa phương cũng có cách quản lý riêng đối với lĩnh vực này. Theo quy định, việc học thêm hay không học thêm là quyền của người học; mọi tổ chức, cá nhân không ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Học sinh học thêm có đơn xin học thêm và phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu... Tuy nhiên, trên thực tế phụ huynh ít có sự lựa chọn việc từ chối cho con đi học thêm. Chị Thu có con đang học tại một trường tiểu học ở Thành phố Nam Định cho biết: Dù biết có quy định cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học, nhưng biết thầy, cô giáo đang hoặc chuẩn bị dạy lớp con mình mở lớp dạy thêm tại nhà nếu phụ huynh không cho con đi học thêm thì thế nào cũng có chuyện (?!). Chị kể, năm trước con chị đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp trường. Vì tin vào khả năng học tập của cháu cùng với việc muốn cho cháu có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn trong hè nên gia đình không cho cháu đi học thêm. Ai ngờ khi bước vào năm học mới, thầy giáo giao bài tập cháu không làm được, thầy “trách” trước lớp “Tưởng giỏi thế nào chứ, chắc đoạt giải nhất do chép bài của bạn” khiến cháu tủi thân khóc ngay ở trên lớp. Khi gia đình tìm hiểu, hóa ra trong dịp hè, cả lớp chỉ có duy nhất mình cháu không đi học thêm (!). Điều đáng buồn là các dạng bài tập thầy giao, các bạn trong lớp đã được học thêm từ trong hè, khi vào năm học mới thầy không giảng lại mà chỉ cho học sinh làm bài. Từng “thấm thía” với việc không đồng ý cho con đi học thêm, anh Minh cho biết: “Tôi từng cương quyết không cho con đi học thêm và hậu quả là thằng nhỏ nhà tôi liên tục bị điểm kém, không theo kịp kiến thức trên lớp. Hiện tượng này chỉ kết thúc khi tôi đến gặp cô và đồng ý cho con đến lớp học thêm cô dạy tại nhà”.

Cô và trò Trường Tiểu học Hợp Hưng (Vụ Bản) trong một giờ học hát.
Cô và trò Trường Tiểu học Hợp Hưng (Vụ Bản) trong một giờ học hát.

Theo đánh giá của nhiều phụ huynh thì có nhiều “chiêu thức” để người thầy buộc học sinh phải “tự nguyện” học thêm. Có thầy trên lớp vẫn dạy “nhiệt tình” nhưng không tung hết các “bí quyết” ra, mà chỉ có đi học thêm thì mới làm hết bài tập và bài thi đạt điểm cao. Nhiều phụ huynh đã phải “nể” cách dạy của thầy để “tình nguyện” cho con đi học thêm, kể cả trong thời gian nghỉ hè hay trong năm học. Ở một vài trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định có hiện tượng, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, giáo viên được phân công dạy lớp mới (chẳng hạn học sinh lớp 3 chuẩn bị lên lớp 4) sẽ đến lớp để tranh thủ thông báo lịch học thêm, địa chỉ nhà và cả số điện thoại để phụ huynh dễ liên hệ. Hầu hết phụ huynh khi nhận được lịch học đều tìm địa chỉ lớp dạy thêm của giáo viên để cho con đến học. Thông thường, các lớp học thêm sẽ bắt đầu từ ngày 15-6, tuần học 4 buổi, thậm chí có lớp học tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ bảy và chủ nhật. Như vậy, các em học sinh chỉ được nghỉ hè vẻn vẹn có 2 tuần. Không được nghỉ hè nhiều như quy định đã đành, phụ huynh lại phải gánh một khoản phí không nhỏ, với 35-50 nghìn đồng/buổi (vào năm học mới, các em học sinh ở một số trường còn tiếp tục phải đi học thêm vào các ngày thứ bảy và chủ nhật với mức học phí 70 nghìn đồng/buổi do thầy tăng giờ dạy lên thêm một tiếng). Không chỉ học sinh tiểu học mà học sinh ở các cấp THCS, THPT trên địa bàn thành phố cũng phải đi học thêm. Em Tâm học tại Trường THPT N bắt đầu đi học thêm từ ngày 20-6 vào tất cả các buổi chiều tối (từ 5h đến 7h) trong tuần. Lịch học do cô giáo chủ nhiệm thông báo trong buổi tổng kết năm học, với 3 môn học chính là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tâm cho biết, với những học sinh có học lực “đuối” thì việc học thêm sẽ giúp củng cố kiến thức, học sinh khá hơn thì có thể làm các dạng bài nâng cao bởi thầy, cô cũng có sự dạy phân hóa cho học sinh. Tuy nhiên, do đang trong thời gian nghỉ hè nên nhiều bạn đến lớp không chú ý học tập, việc đi muộn, nhắn tin trên điện thoại, nói chuyện riêng trong lớp rất phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến việc học tập. Em nghĩ, thời gian nghỉ hè, nếu bạn nào có ý thức thì song song với việc chơi vẫn có thể ôn tập, củng cố kiến thức tại nhà chứ không nhất thiết phải đến lớp học thêm. Thầy, cô cũng nên để cho học sinh tự nguyện đi học thêm chứ không nên có những “biện pháp” để kéo học sinh đến lớp như hiện nay.

Tuy không dạy thêm, học thêm tràn lan như ở thành phố, ở các thị trấn và một số xã, nhiều trẻ cũng phải đi “học hè” tại những lớp được mở nhỏ lẻ của các thầy, cô giáo theo yêu cầu của bố mẹ, hoặc qua sự gợi ý của thầy cô. Mặc dù cường độ học tập trong hè của các em ít hơn nhưng do vừa trải qua một năm học căng thẳng nên hầu như các em đều không cảm thấy thoải mái và thiếu chủ động trong việc học. Nhưng, do thầy cô mở lớp dạy thêm tại nhà và tâm lý của các bậc phụ huynh sợ trong quãng thời gian nghỉ hè nếu lơ là với việc ôn tập lại kiến thức, các em sẽ quên và khó vào “nếp” khi bước vào năm học mới. Mặt khác, nhiều phụ huynh dù cũng muốn con được thoải mái vui chơi nhưng thấy các gia đình khác cho con đi học thêm, học trước chương trình nên cũng không yên tâm để con ở nhà. Đặc biệt, với các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, việc cho con học trước chương trình không chỉ gây áp lực cho trẻ trước khi chập chững cắp sách tới trường mà còn phản khoa học, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trẻ đã lên lớp mẫu giáo lớn, nhất là khi đã học hết nửa năm học, thì phải được học viết, học đọc, học làm tính để chuẩn bị bước vào lớp 1. Bên cạnh đó, cách dạy và thi hiện nay chưa thực sự hiệu quả khi phần nhiều học sinh vẫn có thói quen chỉ học thuộc lòng chứ chưa có ý thức tự học…

Để giảm tình trạng dạy thêm tràn lan trước hết cần thay đổi nhận thức, quan niệm học tập đó là học để chiếm lĩnh tri thức, học để làm người chứ không chỉ đơn giản học để thi. Có nhận thức được như vậy, người học mới nỗ lực, phát huy tối đa tiềm năng tự học của bản thân. Ngành GD và ĐT cần tiếp tục cải tiến các kỳ thi, tăng cường giáo dục cho học sinh ý thức về phương pháp tự học. Mặt khác, các nhà trường phải có trách nhiệm giải quyết hiện tượng dạy thêm ngoài giờ của giáo viên trong trường. Các cấp chính quyền ở các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép cho các lớp dạy thêm trên địa bàn phụ trách. Để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức của mỗi giáo viên; nâng cao hiểu biết của mỗi gia đình và học sinh về dạy thêm, học thêm. Mặt khác, ngành GD và ĐT cũng cần tiếp tục nâng cao công tác quản lý chất lượng giảng dạy, học tập ở mỗi nhà trường./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com