Xây dựng mô hình "Trường học gia đình"

07:06, 27/06/2014

Được mời tham dự lớp tập huấn, hỗ trợ giáo dục sớm cho cha mẹ có con từ 0-6 tuổi tại Trường Mầm non tư thục Linh Chi (TP Nam Định), chị Trần Thanh Hoài, mẹ cháu Hoàng Tuấn, đang học lớp 3 tuổi của trường cảm thấy thật bổ ích. Tại lớp tập huấn, chị và trên 50 phụ huynh khác được tìm hiểu, hướng dẫn về các kỹ năng nuôi, dạy con từ khi đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ, đến từng giai đoạn phát triển của trẻ. Chị Hoài cho biết, việc biết cách để có thể “làm bạn, làm thầy” của con sẽ là một phương pháp giáo dục trẻ tại gia đình tốt nhất. Qua lớp tập huấn, chị đã biết cách dạy con nhận biết các màu sắc cũng như sự thay đổi màu sắc dưới những ánh sáng khác nhau; dạy con biết phân biệt hình khối; dạy con ngửi các loại hương vị, nếm các mùi vị, cho con sờ vào các đồ vật có trong gia đình, các vật cứng, mềm, nóng, lạnh, nhẵn mịn, thô ráp và mở rộng dần phạm vi khi có điều kiện tiếp xúc bên ngoài nơi trẻ sinh sống; dạy con biết phân biệt lớn - nhỏ, dài - ngắn, dày - mỏng; mát xa và tập luyện 10 ngón tay, thực hiện các trò chơi sâu chuỗi đồ vật để trẻ có thể rèn khả năng điều khiển tay. Ngoài ra, chị và các phụ huynh cũng được tìm hiểu và học tập các kỹ năng giúp con phát triển vận động và độ dẻo dai của cơ thể, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, giúp con nói tốt và tự tin, cho con đời sống giải trí phong phú, cho con tham gia các trò chơi trí tuệ…

Lớp tập huấn là một trong các khóa học do Thạc sĩ Nguyễn Bích Hạnh, nguyên chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD và ĐT) là chủ đề tài xây dựng mô hình “Trường học gia đình” thực hiện. Để thực hiện thành công mô hình, chị Hạnh và các cộng sự đã thành lập Phòng tư vấn, hỗ trợ và giáo dục sớm gia đình. Mục tiêu của mô hình là truyền thông về giá trị đạo đức gia đình, các kiến thức phổ thông về lĩnh vực giáo dục gia đình; hướng dẫn luyện tập thực hành kỹ năng sống cho các thành viên trong gia đình như: ông, bà, cha mẹ, con cái, đồng thời tổ chức các buổi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc của những người thành đạt; hội thảo khoa học về phương pháp nuôi dạy con, chăm sóc gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em…; giao lưu liên kết huấn luyện thực hành kỹ năng sống với các tổ chức đào tạo phát triển tiềm năng con người và giới thiệu, quảng bá giá trị truyền thống văn hóa gia đình. Với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục và hiện là Phó trưởng phòng công tác Hội đồng (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh) chị Nguyễn Bích Hạnh có cơ hội thường xuyên được tiếp xúc, liên kết với chính quyền, đoàn thể, cơ sở giáo dục để tổ chức hội thảo, truyền thông giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho cha mẹ, thanh, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và hỗ trợ giáo dục sớm cha mẹ có con từ 0 đến 6 tuổi, đồng thời liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc huấn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và thực hành phát triển bản thân cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng với các buổi truyền thông, hội thảo khoa học về “Hạnh phúc gia đình và dạy con nên người”, từ năm 2012 đến nay đã thu hút hơn 5.000 người tham dự, trong đó có trên 2.000 người thuộc các sở, ban, ngành trong tỉnh tham dự. Với những giá trị tích cực từ các buổi hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề giữ gìn hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con nên người, hàng nghìn phụ nữ thuộc Hội Phụ nữ các cấp và các trường học đã đăng ký tham gia các khóa truyền thông, tập huấn. Bên cạnh đó, các vấn đề có liên quan đến mỗi gia đình còn được các cơ quan, trường học và xã hội quan tâm thông qua các hoạt động như: tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức về nghệ thuật giao tiếp và nghệ thuật thuyết trình, truyền thông về phẩm chất người phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước, tập huấn kỹ năng sống cho giáo viên và học sinh trong các nhà trường, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Mặc dù mô hình “Trường học gia đình” mới hoạt động vào các buổi tối trong tuần và các ngày thứ bảy, chủ nhật nhưng đến nay, chị Hạnh và các cộng sự đã mở được 115 buổi học cho hơn 500 bậc cha mẹ có con từ 0 đến 6 tuổi về phương pháp giáo dục sớm cho con, đồng thời tư vấn và hỗ trợ cho hơn 50 gia đình có con dưới 6 tuổi chậm nói và mắc chứng tự kỷ. Ngoài ra, Phòng tư vấn, hỗ trợ và giáo dục sớm gia đình đã tổ chức khảo sát nhu cầu bồi dưỡng kiến thức của các bậc cha mẹ về phương pháp dạy con cho hơn 1.000 người. Hiện tại đang có nhiều phụ huynh đăng ký tham gia các lớp học. Chị Nguyễn Thị X ở Thành phố Nam Định có con 4 tuổi mắc bệnh tự kỷ cho biết, bé nhà em nói chậm và bị ngọng, thường cười, chơi một mình, thích chơi với đồ chơi nhưng hay quăng quật, ném, chạy, la hét; không tập trung, ít để ý đến yêu cầu của người khác. Gia đình chưa biết bắt đầu cho con như thế nào thì được Phòng tư vấn, hỗ trợ và giáo dục sớm gia đình tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ miễn phí, cung cấp tài liệu, hướng dẫn cách dạy con, trong đó có việc tập trung dạy và yêu thương con đúng cách… Hiện tại, bé đã có những bước tiến triển tốt.

Mô hình “Trường học gia đình” mới được xây dựng nhưng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo các bậc phụ huynh trong tỉnh. Đây là mô hình cần được xã hội nhìn nhận và phát huy một cách đúng đắn, để mỗi trẻ khi sinh ra sẽ được giáo dục sớm, đúng phương pháp để bảo đảm phát triển toàn diện về trí tuệ, sức khỏe và phẩm chất./.

Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com