Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai đáp ứng nhu cầu dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ

07:06, 05/06/2014

Hiện nay, nước ta đang ở trong thời kỳ “dân số vàng” nên nhu cầu dịch vụ KHHGĐ gia tăng do số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ và số người có nhu cầu sử dụng dịch vụ này ngày càng tăng. Bởi vậy đẩy mạnh tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai (PTTT) đang được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số - KHHGĐ nhằm đa dạng hóa các phương thức đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ KHHGĐ của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu điều chỉnh mức sinh phù hợp, đảm bảo tính bền vững của các chương trình dân số - KHHGĐ.

Cán bộ dân số xã Xuân Tiến (Xuân Trường) tuyên truyền về dân số - KHHGĐ cho người dân.
Cán bộ dân số xã Xuân Tiến (Xuân Trường) tuyên truyền về dân số - KHHGĐ cho người dân.

Tỉnh ta đã đạt được mức sinh thay thế vào năm 2005, nhưng những năm gần đây, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có xu hướng tăng trở lại. Bên cạnh đó, quan niệm về vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân của xã hội cởi mở hơn khiến tỷ lệ sử dụng các PTTT của đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình cũng tăng. Nếu không thực hiện tốt TTXH các PTTT, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn tăng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trực tiếp (là sức khoẻ sinh sản), tăng chi phí sử dụng các dịch vụ y tế. Trước thực tế này, những năm qua, việc TTXH các PTTT đã được triển khai trong toàn ngành Dân số - KHHGĐ tỉnh. Mục tiêu của chương trình nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện các PTTT có chất lượng cho các đối tượng sử dụng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm nạo phá thai, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Hằng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đều xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện tiếp nhận các loại PTTT để tiếp thị; phân bổ chỉ tiêu thực hiện cho các đơn vị. Chương trình TTXH các PTTT được triển khai tại 229 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã thiết lập kênh phân phối cộng đồng thực hiện tiếp thị từ tỉnh đến cơ sở. Tại tỉnh, Chi cục là đầu mối tiếp nhận và cung cấp các sản phẩm TTXH các PTTT theo yêu cầu của cấp huyện; giám sát và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai TTXH; hằng năm tổ chức sơ kết các hoạt động TTXH. Tại huyện, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện là đầu mối tiếp nhận và cung cấp các sản phẩm TTXH các PTTT theo yêu cầu của cấp xã; giám sát và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai TTXH; báo cáo Chi cục kết quả và những kiến nghị trong quá trình triển khai. Tại xã, Ban Dân số xã là đầu mối tiếp nhận và cung cấp các sản phẩm TTXH các PTTT theo yêu cầu nhân viên bán hàng (CTV dân số, y tế thôn đội, cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên); báo cáo Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện kết quả và những kiến nghị trong quá trình triển khai. Chi cục cũng hướng dẫn Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố thực hiện định mức chi phí phân phối sản phẩm TTXH, phương thức thanh toán kinh phí và các phương án truyền thông tăng cường tại địa bàn TTXH. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, CTV dân số ở cơ sở đã chủ động khảo sát, thống kê, lập danh sách và phân loại đối tượng để trực tiếp giới thiệu, tuyên truyền, vận động, tư vấn và cung cấp các sản phẩm TTXH các PTTT cho đối tượng có nhu cầu sử dụng. Thời kỳ đầu công tác TTXH gặp không ít khó khăn do từ trước đến nay người dân vẫn quen được cung cấp miễn phí các PTTT. Sản phẩm tiếp thị bao cao su và viên uống tránh thai nhãn hiệu Night Happy lại là nhãn hàng mới lưu thông trên thị trường, chưa tạo được sự tin tưởng của người dân. Vì vậy, Chi cục đã đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm, vận động người dân tham gia chương trình TTXH dưới nhiều hình thức để thay đổi thói quen, thái độ, hành vi và chấp nhận chi trả khi sử dụng các PTTT.

Việc đẩy mạnh TTXH các PTTT đã tăng cường khả năng tiếp cận, tạo cơ hội cho người dân lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, sử dụng thường xuyên và đúng cách; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu PTTT ngày càng cao về số lượng và chất lượng; hướng tới xã hội hóa trong dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Nhiều người đã chuyển thói quen từ nhận miễn phí sang tự chi trả một phần chi phí vì quyền lợi của cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội. Nhờ đó, số người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 80.080 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ năm 2013, ngành Dân số - KHHGĐ tỉnh đã cấp phát được 9.062/9.083 vỉ thuốc tránh thai, chỉ tiêu về cấp bao cao su đã vượt kế hoạch, nhưng kết quả TTXH các PTTT trong đó có thuốc uống và bao cao su còn hạn chế. Theo kế hoạch năm 2014, toàn tỉnh thực hiện TTXH 16 nghìn vỉ thuốc tránh thai và 300 nghìn bao cao su; góp phần hoàn thành chỉ tiêu 56.230 người mới thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com