Với chức năng quản lý và tổ chức thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực lao động, người có công và các vấn đề xã hội trên địa bàn tỉnh, những năm qua, cán bộ, CNVC ngành LĐ-TB và XH đã vượt qua những khó khăn thách thức, không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bám sát chương trình, kế hoạch công tác, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hằng năm Sở LĐ-TB và XH đều tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực lao động - việc làm và các vấn đề xã hội. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng gặp khó khăn, tác động đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều lao động bị mất việc làm. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho người lao động như: Thực hiện hỗ trợ lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án Xuất khẩu lao động giai đoạn 2009-2015… Những năm qua, trung bình mỗi năm, Quỹ Quốc gia về việc làm giải ngân trên 30 tỷ đồng cho gần 1.000 dự án, tạo việc làm mới cho trên 2.000 lao động. Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay đã có 84.919 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với kinh phí 929 tỷ 411 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Sàn Giao dịch việc làm tỉnh duy trì nền nếp các phiên giao dịch việc làm hằng tháng thu hút hàng vạn người tham gia và đã giúp 6.648 lao động tìm được việc làm. Thực hiện Đề án xuất khẩu lao động, đến nay đã có 9.410 lao động đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề từng bước được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn. Là 1 trong 11 tỉnh của toàn quốc triển khai thực hiện thí điểm Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020” gắn với chương trình xây dựng NTM, được Chính phủ đánh giá cao sự đột phá về công tác đào tạo nghề. Sau 3 năm triển khai, toàn tỉnh có trên 16.530 lao động nông thôn được thụ hưởng từ chính sách dạy nghề. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH tham mưu với UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án Xã hội hóa dạy nghề, khuyến khích các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 38 cơ sở dạy nghề, với tổng quy mô tuyển sinh trên địa bàn tỉnh đạt hơn 30 nghìn người/năm. Từ năm 2010 đến năm 2013 đã đào tạo hơn 120.200 lao động cả 3 cấp trình độ nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2013 toàn tỉnh đạt 37,8%; riêng 5 tháng đầu năm 2014, đào tạo nghề cho 11.240 lao động. Bằng các giải pháp hiệu quả, thiết thực, trong 5 năm qua toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 220.805 lượt lao động; 5 tháng đầu năm nay giải quyết việc làm mới cho hơn 13 nghìn lao động, góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Công tác quản lý Nhà nước về an toàn - vệ sinh lao động được tăng cường thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, huấn luyện về công tác an toàn lao động, nhất là các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động, góp phần từng bước làm giảm các nguy cơ gây tai nạn lao động, giảm số vụ tai nạn lao động. Sở LĐ-TB và XH thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, cải thiện điều kiện lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh trao tặng quà cho người có công tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Nhận thức việc thực hiện chế độ chính sách cho người có công vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công và đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta có gần 3,6 vạn liệt sĩ, trên 35 nghìn thương, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, 1.240 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 170 nghìn người hoạt động kháng chiến - giải phóng dân tộc có huân, huy chương... Những năm qua, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xét duyệt hồ sơ người có công và thân nhân người có công. Năm 2013 giải quyết trên 127 nghìn hồ sơ, 5 tháng đầu năm 2014, giải quyết 20.820 hồ sơ người có công và thân nhân người có công được thụ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Hiện nay toàn tỉnh có trên 51 nghìn đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí trên 57 tỷ đồng/tháng. Việc chi trả trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời, đến tận tay đối tượng. Các ngành, các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng người có công như: nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng sổ tiết kiệm; tổ chức đi thăm, tặng quà đối tượng người có công vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ; xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; quan tâm xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng Nhà Tình nghĩa, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng khó khăn… Công tác chăm sóc người có công được xã hội hóa, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu đã huy động được nguồn lực trong cộng đồng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Đến nay cả 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đạt tiêu chuẩn nâng cao mức sống an toàn nhà ở và thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
Các lĩnh vực công tác khác của ngành như: Bảo vệ chăm sóc trẻ em, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, phòng chống các tệ nạn xã hội cũng đạt được những kết quả quan trọng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đảm bảo 100% số hộ nghèo, người nghèo có nhu cầu được hỗ trợ, trợ giúp theo các chính sách, dự án đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Cùng với thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 68 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và các chính sách hỗ trợ như tiền điện, cấp thẻ BHYT, Sở LĐ-TB và XH phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận nhanh và hiệu quả các chính sách ưu đãi giúp họ vươn lên thoát nghèo. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,44% năm 2005 xuống 6,72% vào năm 2009 (theo chuẩn cũ) và từ 9,95% vào năm 2010 xuống còn 5,33% vào năm 2013 (theo chuẩn mới). Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, toàn tỉnh đã vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Bảo trợ trẻ em tỉnh” với số tiền và hiện vật trị giá khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, tạo nguồn lực chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Với những kết quả đạt được trong công tác quản lý và thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Sở LĐ-TB và XH đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB và XH đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: nhiều lần được tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ LĐ-TB và XH và của UBND tỉnh. Năm 1997, Sở LĐ-TB và XH đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2008, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 2013, ngành đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì./.
Minh Tân