Là địa phương có hệ thống sông, kênh nhiều nên tỉnh ta cũng có nhiều cầu đường bộ. Đầu tư cầu rất lớn nên những năm qua, mặc dù được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, xử lý cầu yếu song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hằng năm, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai sửa chữa, khắc phục sự cố, hư hỏng, cắm biển hạn chế tải trọng để đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, hiện nay trên hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn vẫn còn tồn tại một số cầu được xây dựng và khai thác nhiều năm đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Sửa chữa cầu Ốc trên tuyến Quốc lộ 21. |
Để bảo đảm ATGT cho hệ thống giao thông, nhất là những tuyến có cầu yếu, tháng 3-2014, Sở GTVT đã yêu cầu Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định, các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương kiểm tra, rà soát hiện trạng hệ thống cầu yếu nhằm phát hiện sự cố, chủ động khắc phục hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để có hướng giải quyết. Đối với các tuyến quốc lộ được giao ủy thác quản lý, Sở GTVT tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá thực trạng kỹ thuật của các cầu đang cắm biển hạn chế tải trọng bằng cách kiểm định, thử tải tình trạng kỹ thuật cầu hiện tại để phát hiện những điểm bất hợp lý cần điều chỉnh. Đối với các cầu không cắm biển hạn chế tải trọng, nếu qua rà soát, đánh giá cầu có hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình thì Sở GTVT sẽ đề xuất giải pháp đảm bảo quản lý, khai thác cầu bình thường như: sửa chữa cục bộ để khôi phục năng lực khai thác của công trình, hoặc kiểm định làm cơ sở xác định tải trọng khai thác để điều chỉnh lại biển báo tải trọng phù hợp. Qua kiểm tra, Sở GTVT đã đề xuất sửa chữa cầu Lương Thực tại Km15+00 trên tỉnh lộ 488 thuộc địa phận xã Trực Nội (Trực Ninh) do mố trụ đã bị xô lệch, hư hỏng hết sức nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ sập cầu, mất ATGT. Sở đã giao Phòng Công thương huyện Trực Ninh kiểm tra, rà soát hiện trạng (mố, trụ, mặt bản…) hệ thống cầu yếu được ủy thác quản lý trên địa bàn và trên các tuyến đường giao thông nông thôn, nhằm kịp thời phát hiện sự cố hư hỏng để có biện pháp giải quyết sớm, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Sở đã đề nghị UBND huyện chỉ đạo Phòng Công thương, các lực lượng chức năng của huyện, UBND xã Trực Nội thực hiện ngay việc cắm biển cấm và có biện pháp kiểm soát triệt để không cho ô tô qua cầu, chỉ cho phép xe mô tô, xe máy, xe thô sơ và người đi bộ qua cầu để đảm bảo ATGT (có thể dùng biện pháp khống chế chiều cao và chiều ngang cầu); kiểm tra mố, trụ cầu, gia cố, chêm chèn rọ đá; kiểm tra, xem xét, đề xuất phương án khắc phục, sửa chữa kịp thời; xây dựng phương án phân luồng giao thông khi tiến hành sửa chữa cầu. Cầu Ốc trên Quốc lộ 21 địa phận xã Lộc Hòa (TP Nam Định) cũng đã xuống cấp, hạn chế an toàn kỹ thuật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn nguy hiểm nên Sở GTVT đã đề xuất sửa chữa; dự kiến đến cuối tháng 9-2014, dự án sẽ hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bảo đảm an toàn, thuận tiện. Đồng thời với việc rà soát khắc phục cầu yếu, tháng 5-2014, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn. Kết quả cho thấy toàn tỉnh có 484 cầu dân sinh cần đầu tư xây dựng do lòng cầu hẹp, đã hư hỏng nặng, lún nứt lớn... Cụ thể, tại Thành phố Nam Định có 15 cầu dân sinh tại các xã Nam Vân, Nam Phong cần đầu tư xây dựng; huyện Vụ Bản có 5 cầu trên đường trục huyện và 25 cầu trên đường trục xã, thôn, xóm cần đầu tư xây dựng; huyện Ý Yên có 4 cầu qua đường trục huyện và 27 cầu trên đường trục xã, thôn, xóm... Ngoài ra, các địa phương còn đề xuất Sở GTVT báo cáo với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, hỗ trợ, kinh phí cho các địa phương sớm tu sửa, cải tạo hệ thống cầu dân sinh đã xuống cấp, hư hỏng. Dự tính, những cầu yếu cần khắc phục cấp bách sẽ được ưu tiên bố trí vốn khắc phục trước; các cầu quá yếu cũng sẽ được Tổng cục bố trí mức vốn duy tu, bảo dưỡng cao hơn. Mặt khác, Sở GTVT tăng cường công tác quản lý Nhà nước về GTVT trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình giao thông đường bộ, bổ sung biển báo đầy đủ; làm tốt công tác duy tu, sửa chữa để khai thác, sử dụng hiệu quả các cầu, chống xuống cấp, ngăn ngừa nguy cơ sập cầu. Từ ngày 15-6-2014, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị chuyên môn trong ngành tiến hành quản lý, vận hành khai thác cầu trên hệ thống đường giao thông nông thôn theo Thông tư số 12-2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT, bảo đảm ATGT, an toàn cho công trình cầu và công trình khác trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ của cầu, phòng chống cháy nổ và BVMT. Tất cả các cầu khi đưa vào vận hành khai thác chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng công trình theo quy định; lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu, bảng hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu và các công trình thiết bị an toàn theo quy định… Khi bàn giao cầu phải tiến hành kiểm tra, rà soát các hạng mục công trình (kết cấu nhịp dầm, dàn, khung, vòm cầu, hệ mặt cầu, trụ, mố cầu, đường dẫn hai đầu cầu…). Trường hợp có khiếm khuyết, tồn tại về chất lượng thì phải khắc phục ngay đảm bảo quy định thiết kế mới được tổ chức bàn giao. Trong quá trình khai thác, sử dụng cầu, mọi tổ chức, cá nhân không được tự ý tháo, lắp hoặc có hành vi phá hoại các bộ phận, hạng mục của công trình cầu và đường hai đầu cầu; viết vẽ các nội dung không phù hợp hoặc xóa biển báo hiệu; phá hủy, che khuất biển báo hiệu, lấn chiếm, sử dụng trái phép, vi phạm hành lang an toàn đường bộ của cầu; vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn của cầu, tốc độ cho phép khi đi trên cầu… Thực hiện nghiêm công tác tuần tra, theo dõi tình trạng cầu định kỳ theo yêu cầu của từng loại cầu, nhưng không ít hơn 1 lần/tuần đối với cầu đưa vào khai thác dưới 5 năm, 2 lần/tuần đối với cầu đã khai thác từ 5 năm trở lên; 1 lần/ngày đối với tất cả các cầu trong những ngày có bão, lũ, lụt. Khi phát hiện các hư hỏng công trình, bộ phận công trình cầu, tổ chức, cá nhân tuần tra theo dõi cầu phải tổ chức sửa chữa, khắc phục ngay để đảm bảo ATGT. Ngoài ra, Sở GTVT yêu cầu lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát tải trọng phương tiện, ngăn chặn xe quá tải qua cầu, phòng ngừa nguy cơ gây sập cầu; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các đơn vị vận tải, lái xe chấp hành đúng biển báo giao thông trên cầu, các quy định về tốc độ, tải trọng khi đi qua cầu yếu./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý