Thời gian qua, các ngành: Y tế, Công thương, NN và PTNT đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức phong phú như thông qua các buổi nói chuyện, tập huấn, hội thảo, truyền thông lưu động, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, phát tờ gấp, băng đĩa hình, băng đĩa âm, pa-nô… Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, các mô hình, hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: HACCP (ISO 22000), GMP, GHP, VietGAP; hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; giám sát việc thực hiện điều kiện cơ sở, kiến thức và sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm… Trong đó, Sở Y tế đã mở nhiều lớp tập huấn cho các cơ quan liên quan, mạng lưới y tế tuyến huyện, xã, các chủ doanh nghiệp và các đối tượng tham gia sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm thực hiện đúng, nghiêm túc đối với các quy định của pháp luật về công tác ATTP. Các cơ quan: Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, Sở GD và ĐT, Ban quản lý các KCN tỉnh… cũng tích cực “vào cuộc” tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP…
Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP Trung ương kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại Cty TNHH Youngone Nam Định (KCN Hòa Xá, TP Nam Định). |
Trong 5 tháng đầu năm 2014, các ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức 180 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP cho 6.500 lượt người; tổ chức 30 buổi tập huấn cho 1.547 người; 5 buổi hội thảo cho 250 người; 3.198 buổi phát thanh xung quanh các vấn đề về ATTP. Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh đã cung cấp 399 băng rôn, khẩu hiệu, 3.000 tờ áp phích, 30 nghìn tờ gấp, 10 băng, đĩa hình, 239 băng, đĩa ghi âm, tổ chức 10 buổi tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh về công tác ATTP. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn được đẩy mạnh thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, thông qua đội ngũ cán bộ y tế, NN và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể như MTTQ, Hội CTĐ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, lực lượng vũ trang, CTV y tế thôn… bằng các hình thức như hướng dẫn thực hành theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi quần chúng, hội thi CTV tuyên truyền về VSATTP. Công tác tuyên truyền được tập trung cao độ vào các thời điểm trước và trong Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các huyện, thành phố phối hợp với đài phát thanh các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường các buổi phát thanh tuyên truyền các quy định của pháp luật, kiến thức về ATVSTP, nâng cao nhận thức về đảm bảo VSATTP, chấp hành các quy định của pháp luật về VSATTP. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP, ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và của người tiêu dùng thực phẩm đã được nâng lên. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chú ý cải tạo, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, tỷ lệ các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị ô nhiễm bởi môi trường xung quanh đã giảm từ 54% (cuối năm 2012) xuống còn 14% hiện nay. Số người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu biết các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP được nâng lên, các lỗi vi phạm chỉ còn ở một số cơ sở nhỏ lẻ. Qua điều tra kiến thức thực hành về ATTP của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cho thấy số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, người trực tiếp chế biến thực phẩm vi phạm các quy định ATTP đã giảm từ 72% xuống còn 5%; tỷ lệ sử dụng riêng biệt dụng cụ cho thực phẩm sống và chín đã tăng; từ 40% trước đây lên 63% hiện nay. Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành cho thấy đa số các cơ sở đều chấp hành các quy định pháp luật về VSATTP, cơ sở vi phạm đã chấp nhận việc xử lý những sai phạm và sửa chữa khắc phục các lỗi về vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.
Để tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về ATTP, thời gian tới, các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, đặc biệt là Luật ATTP và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật; phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, ngành trong lĩnh vực ATTP. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ATTP đang được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, góp phần kiểm soát có hiệu quả quá trình sản xuất, lưu thông và đảm bảo ATTP trong các khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố./.
Bài và ảnh: Minh Thuận