Chị Nguyễn Ngọc Thụy, sinh năm 1988, quê xã Minh Tân (Vụ Bản) đã làm việc tại Cty TNHH Youngone Nam Định được 7 năm. Sau 3 tháng thử việc, chị chính thức ký hợp đồng và được Cty thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN. Hiện, chị Thụy có 2 con, cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ mới 13 tháng tuổi. Chị cho biết: Chị mới đi làm 8 tiếng được 1 tháng trở lại đây còn trong thời kỳ mang thai, ở tháng thứ 7 đến khi con được 12 tháng tuổi, chị được giảm 1 giờ làm mỗi ngày mà vẫn hưởng đủ lương. Chị cũng được Cty tạo điều kiện nghỉ đi khám thai theo định kỳ và thanh toán chế độ thai sản theo đúng quy định. Chị Bùi Thị Phương, sinh năm 1992, quê xã Nam Hồng (Nam Trực) công nhân Cty TNHH Vina Denim (KCN Hòa Xá) với mức thu nhập bình quân khoảng gần 3 triệu đồng/tháng lại được Cty đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ và hỗ trợ bữa ăn trưa, bữa ăn tăng ca đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Nếu không may bị ốm, công nhân sẽ được Cty tạo điều kiện nghỉ ngơi đến khi khỏe hẳn; đồng thời, cử người đại diện đến tận phòng trọ thăm hỏi, động viên. Mới làm được khoảng 6 tháng nhưng Tết Nguyên đán 2014, chị cũng được thưởng 400 nghìn đồng. Chị hài lòng với công việc và muốn gắn bó lâu dài với Cty.
Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng được may mắn như trường hợp chị Thụy và chị Phương khi được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho lao động nữ theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ chưa quan tâm việc thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách cho lao động nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể như: việc bố trí lao động nữ có thai đến tháng thứ 7 chuyển sang làm công việc khác nhẹ nhàng hơn hoặc giảm 1 giờ làm việc trong thời gian nuôi con nhỏ theo Luật Lao động là tương đối khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất theo dây chuyền như may mặc; nhiều doanh nghiệp không có địa điểm vui chơi giải trí, đời sống tinh thần của công nhân lao động nữ nghèo nàn; vẫn còn tình trạng nợ đọng hoặc chậm đóng BHXH cho lao động nữ. Hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện được việc khám chuyên khoa định kỳ cho lao động nữ. Chế độ làm tăng ca dài ngày, cường độ lao động lớn, điều kiện lao động chưa được đảm bảo… càng tăng thêm nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khi tiếp nhận đã bắt lao động nữ cam kết không sinh con trong 2 đến 3 năm đầu. Điều này vô hình chung đã tước đi quyền có việc làm của lao động nữ trong Bộ Luật Lao động. Nguyên nhân của những bất cập trên là do nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế mà chưa thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật, nhất là các văn bản, chính sách pháp luật đối với lao động nữ. Làm việc với Ban Nữ công (LĐLĐ tỉnh) về vấn đề này, chúng tôi được biết, việc kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động của LĐLĐ tỉnh chủ yếu là do Ban Chính sách pháp luật đảm nhiệm, Ban Nữ công thường không được tham gia. Do đó, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của lao động nữ; đồng thời bảo vệ quyền lợi cho nữ công nhân lao động của Ban Nữ công còn hạn chế. Hoạt động công đoàn ở một số doanh nghiệp vẫn còn mang tính hình thức. Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người lao động gặp khó khăn do họ phải thường xuyên làm tăng ca, cường độ lao động căng thẳng. Bên cạnh đó, hầu hết người lao động làm việc trong các Cty trình độ nhận thức còn hạn chế nên khi ký kết hợp đồng lao động chỉ quan tâm đến thu nhập mà không mấy quan tâm đến quyền lợi của người lao động mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện. Chính sự thiếu hiểu biết pháp luật của lao động nữ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các chủ doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người lao động.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chế độ, chính sách pháp luật đối với lao động nữ; tổ chức các lớp tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ công đoàn và cán bộ nữ công các cấp, lao động nữ và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp về chế độ thai sản, nuôi con bằng sữa mẹ và thăm khám sức khỏe cho hàng nghìn lượt nữ công nhân lao động tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ…; tham gia cùng với chuyên môn bố trí sắp xếp lao động hợp lý, phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề, sức khoẻ và hoàn cảnh của nữ CNVCLĐ; tham mưu với chuyên môn cải thiện điều kiện làm việc như: chống nóng, trang bị bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại, tham quan nghỉ mát, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân lao động; lắp đặt ca bin vắt sữa và hệ thống thiết bị lưu trữ sữa mẹ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật giúp chị em yên tâm làm việc và góp phần chăm sóc trẻ em, bảo đảm các cháu được sử dụng sữa mẹ đủ thời gian... Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị làm tốt vẫn còn nhiều đơn vị chưa đảm bảo đúng, đủ chế độ, chính sách cho người lao động. Từ năm 2013 đến nay, LĐLĐ tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh, Sở LĐ-TB và XH và các ngành chức năng tiến hành thanh tra về việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động tại 48 doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đều chưa thực hiện đúng việc đóng BHXH, nhiều doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH; việc bố trí làm thêm giờ, tăng ca chưa đúng quy định, cụ thể như Cty TNHH Triton, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) tổ chức làm tăng ca từ 90 giờ đến 98,4 giờ/tháng với 3 lao động nữ, Cty May TNHH Yamani Dynasty (Nam Trực) tổ chức làm tăng ca 119 và 130 giờ/tháng với hai lao động nữ; thậm chí, Cty May TNHH Shin Sung (TP Nam Định) đến thời điểm kiểm tra chưa thanh toán kịp thời chế độ tiền thai sản gần 13 triệu đồng cho nữ công nhân lao động (mặc dù Cty bảo hiểm đã chi trả đến Cty). Trên cơ sở phát hiện những sai phạm, thiếu sót ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời kiến nghị, đề xuất với chính quyền và các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết để đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ cho lao động nữ, tạo điều kiện để lao động nữ yên tâm làm việc. Phát huy kết quả bước đầu đó, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ trong các doanh nghiệp về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, các luật liên quan đến phụ nữ; kiến nghị với chính quyền các cấp và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng công trình công cộng như ký túc xá, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí cho công nhân lao động; chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền lắp đặt ca bin vắt sữa và hệ thống thiết bị lưu trữ sữa mẹ tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh cần bố trí để đại diện Ban Nữ công tham gia đoàn kiểm tra liên ngành giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ ở các doanh nghiệp để việc đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách của doanh nghiệp đối với lao động nữ được cải thiện nhiều hơn nữa, giúp nữ công nhân lao động yên tâm làm việc, cống hiến cho xã hội./.
Hoàng Dung