Phát triển không gian công cộng tại các đô thị

08:06, 17/06/2014

Phát triển mở rộng không gian công cộng là một tiêu chí không thể thiếu đối với mỗi đô thị hiện đại. Các chuyên gia kiến trúc ví rằng không gian công cộng trong các đô thị giống như “cái van” giải toả các áp lực khi các đô thị ngày càng đông đúc. Các không gian đường giao thông, công viên… trong các đô thị vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, bảo đảm cân đối, hài hoà các không gian kiến trúc, môi trường sống của đô thị. Tỉnh ta đang trong quá trình phát triển mở rộng các đô thị hiện có, quy hoạch phát triển các đô thị mới, qua thực tiễn khai thác, quản lý tại địa phương và kinh nghiệm của các đô thị trên cả nước, việc ưu tiên phát triển không gian công cộng trong các đô thị đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn quan tâm quy hoạch.

Không gian công cộng tại Thành phố Nam Định với đặc trưng gắn liền cây xanh và mặt nước.
Không gian công cộng tại Thành phố Nam Định với đặc trưng gắn liền cây xanh và mặt nước.

Trong quá trình quy hoạch đô thị, các địa phương đã chủ động dành quỹ đất và đảm bảo diện tích đất tối đa theo quy định cho xây dựng đường phố và các không gian mở. Theo Quyết định số 2084/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22-11-2011 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025, diện tích đất cây xanh, mặt nước công cộng đô thị là 327ha, đất làng sinh thái là 65ha với định hướng các điểm nhấn cảnh quan và không gian mở là Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, không gian quanh hồ Truyền Thống, hồ Vỵ Xuyên, trung tâm thương mại mới tại khu vực nhà máy dệt, dệt lụa, không gian quanh hồ trung tâm mới phía nam sông Đào và các cửa ngõ đô thị trên Quốc lộ 10 và đường Lê Đức Thọ. Thời gian qua, Thành phố Nam Định đã đầu tư xây dựng và tạo điều kiện phát triển nhiều loại hình không gian công cộng như Quảng trường Hòa Bình, Quảng trường 3-2, Công viên Vỵ Xuyên, Công viên văn hóa Tức Mặc; Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, Trung tâm Thương mại BigC, Micom Plaza… So với nhiều đô thị cổ, Thành phố Nam Định có lợi thế đến nay vẫn giữ được nhiều hồ; không gian công cộng của thành phố được quy hoạch kết nối chặt chẽ với không gian mặt nước là hồ Truyền Thống, Đầm Bét, Đầm Đọ, An Trạch, Bảo Bối, Tiểu khu Thống Nhất, Năng Tĩnh, Đình Ông, Bắc Kính, Vỵ Hoàng, Hàng Nan, tạo cảnh quan đô thị xanh và do cộng đồng quản lý. Nhằm bảo vệ các không gian công cộng, Thành phố Nam Định đã xây dựng quy chế quản lý công viên, cây xanh, đồng thời đầu tư xây kè mép hồ để chống lấn chiếm, xâm phạm. Các không gian công viên đã được kết hợp khai thác tổ chức điểm vui chơi giải trí cho trẻ em khắc phục tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em lâu nay. Tại các thị trấn, thị tứ tuyến huyện, ngoài các công trình trung tâm như: sân vận động, nhà văn hóa trung tâm huyện, trung tâm thi đấu TDTT tại các khu dân cư (làng, xóm, tổ dân phố) đã có các nhà văn hóa với khuôn viên có thể sử dụng làm sân chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, do hạn chế về tài chính nên đa phần các không gian công cộng còn gắn liền và chú trọng về các chức năng chính trị, hành chính, chưa thực sự trở thành không gian sinh hoạt công cộng mở cho mọi người dân. Mặt khác, một phần hạn chế trong quan điểm, nhận thức đầu tư sân chơi nơi sinh hoạt văn hoá công cộng cho trẻ em, thanh, thiếu niên nông thôn nên việc kêu gọi đầu tư khai thác các không gian công cộng này ở nông thôn còn có phần hạn chế, bỏ ngỏ tiềm năng lớn ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch chung của các thị trấn. Theo Phòng Quản lý kiến trúc và quy hoạch (Sở Xây dựng), trong số 15 đô thị loại IV, có 4 quy hoạch đã hết hạn (trước năm 1999) gồm Thị trấn Yên Định, Cồn, Thịnh Long (Hải Hậu) và Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy); 10 thị trấn đã đến kỳ rà soát (trước năm 2009) gồm các Thị trấn: Cổ Lễ, Cát Thành, Mỹ Lộc, Nam Giang, Xuân Trường, Quất Lâm, Gôi, Lâm, Liễu Đề, Quỹ Nhất và chỉ có 1 quy hoạch còn thời hạn chưa phải rà soát theo định kỳ là Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch năm 2011. Hầu hết các thị trấn của 9 huyện đều đã được lập và phê duyệt trước khi Nghị định 38/2010/NĐ-CP và Thông tư số 19/2010/TT-BXD về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị có hiệu lực nên công tác quy hoạch và lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị còn hạn chế, đặc biệt quy hoạch về kiến trúc và các không gian công cộng còn bỏ ngỏ. Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các Thị trấn: Thịnh Long, Cổ Lễ, Nam Giang tập trung rà soát và điều chỉnh quy hoạch chung với định hướng tăng tỷ lệ đất dành cho cây xanh ở đô thị, quy hoạch kiến trúc không gian công cộng gắn với các ao, hồ, sông nước sẵn có trong địa bàn nhằm bảo đảm thân thiện với môi trường, tăng cường yếu tố mở của các không gian để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai cũng như nhu cầu sinh hoạt, sử dụng của người dân./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com