Kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới

07:06, 07/06/2014

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã lựa chọn 96 xã, thị trấn xây dựng NTM; trong đó huyện Hải Hậu cả 35 xã, thị trấn tiến hành xây dựng NTM trong giai đoạn này, xã Hải Đường là điểm của Trung ương và có 10 xã điểm của tỉnh (mỗi huyện, thành phố chọn 1 xã).

Xác định xây dựng NTM là chương trình do chính cộng đồng dân cư nông thôn bàn bạc, thực hiện và hưởng thụ; chương trình chỉ được thực hiện thắng lợi khi huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia; các cấp uỷ trong tỉnh đã chú trọng chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung của Chương trình mục tiêu và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM; xác định bước đi và hình thức, phương pháp vận động, huy động toàn dân tham gia xây dựng NTM (cấp uỷ tỉnh ban hành 8 nghị quyết lãnh đạo; HĐND tỉnh ban hành nghị quyết; UBND tỉnh phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, ban hành 9 kế hoạch, 29 quyết định chỉ đạo và cơ chế khuyến khích, hỗ trợ xây dựng NTM).

Cải tạo, nâng cấp đường giao thông tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng). Ảnh: PV
Cải tạo, nâng cấp đường giao thông tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng). Ảnh: PV

Qua 3 năm thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Toàn tỉnh có hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM. Trong đó, các mô hình lĩnh vực kinh tế ở xã Xuân Kiên (Xuân Trường), Giao Hà (Giao Thủy), Hải Hà (Hải Hậu)… đã vận động nhân dân DĐĐT, quy hoạch đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác…; mô hình vận động các hộ dân hiến đất, góp công sức, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo ở xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng), Hải Lý, Hải Xuân (Hải Hậu); mô hình “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động… được đông đảo các chức sắc và đồng bào Công giáo tham gia…

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trong 3 năm (2011-2013) đạt trên 6.250,3 tỷ đồng, trong đó vốn dân cư đóng góp 18,17%. Các hộ nông dân đã hiến 2.809ha đất nông nghiệp, gần 200ha đất thổ cư (tương đương 6.618 tỷ đồng) xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Đến hết năm 2013, các xã đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015; 83,5% số xã, 94,1% số thôn, xóm hoàn thành DĐĐT, vượt kế hoạch của tỉnh đề ra. Số thửa bình quân giảm từ 4 thửa xuống còn 1-2 thửa/hộ. Triển khai 150 mô hình sản xuất “cánh đồng mẫu lớn” với diện tích gần 6.900ha. Kinh tế trang trại, gia trại phát triển mạnh; đến nay có 2.036 trang trại, gia trại; trong đó có 453 trang trại đạt tiêu chí mới, tăng 147 trang trại so với năm 2011. Có 129 làng nghề với 310 cơ sở sản xuất, 52 nghìn hộ, 135 nghìn lao động, tăng 40 làng nghề so với năm 2010. Cùng với duy trì và phát triển nghề truyền thống, đã chú trọng đào tạo nghề, truyền nghề mới cho lao động nông thôn; hình thành các xưởng may, doanh nghiệp may công nghiệp, nghề mây tre đan, mộc mỹ nghệ, thúc dát đồng...

Triển khai trên 7.000 công trình hạ tầng nông thôn; trong đó xây mới và cải tạo nâng cấp 4.296km đường giao thông nông thôn, đắp trên 5.319 km đường giao thông nội đồng; xây mới 46 trụ sở, 26 trạm y tế, 25 nhà văn hóa, 15 khu thể thao xã; 431 nhà văn hóa, 30 khu thể thao thôn; 47 chợ, 24 dự án cấp nước sạch; 73 bãi xử lý rác thải...

Đến nay có 49,2% số xóm (thôn) đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; 71,2% số gia đình đạt “Gia đình văn hóa”. Đời sống nhân dân được cải thiện, nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người năm 2010 lên 22,1 triệu đồng/người năm 2013, hộ nghèo giảm từ 9,95% năm 2010 xuống 5,33% năm 2013.

Trong 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, có 12 xã đạt, cơ bản đạt 19 tiêu chí; 11 xã đạt, cơ bản đạt 18 tiêu chí; 14 xã đạt, cơ bản đạt 17 tiêu chí; 59 xã đạt từ 12-16 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí.

Từ kết quả trên, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM như sau:

Một là, phải xác định công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng trong xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể các cấp trong việc tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện. Gắn việc tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hai là, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp lựa chọn một số nhiệm vụ trong xây dựng NTM phù hợp với tổ chức mình để tổ chức thực hiện. Lấy thôn xóm, khu dân cư làm địa bàn và hộ gia đình là hạt nhân để phổ biến, tuyên truyền, vận động; xác định rõ xây dựng NTM là lợi ích trực tiếp và nhiệm vụ của từng người dân, là cơ hội để họ đóng góp xây dựng, phát triển thôn xóm.

Ba là, phải thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các đề án xây dựng NTM. Đề án, kế hoạch phải cụ thể, chi tiết, phân cấp, phân công rõ trách nhiệm của tập thể và từng người dân theo phương châm “Làm từ đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn xóm, làm từ thôn xóm lên xã; xã chủ trì xây dựng các công trình chính của xã; thôn xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn xóm; các hộ dân lo cải tạo ao, vườn, sân ngõ, 3 công trình vệ sinh của hộ gia đình”. Phải công khai, minh bạch và tổ chức tốt việc thi công, giám sát đầu tư cộng đồng, tạo niềm tin của nhân dân ngay từ khâu đầu, việc đầu.

Bốn là, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng phát triển sâu rộng, lan toả mạnh mẽ, huy động cao độ mọi nguồn lực của người dân và các doanh nhân, doanh nghiệp, người con xa quê xây dựng NTM, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, phải đi đầu làm gương, làm mẫu để khuyến khích nhân dân làm theo. Đồng thời phát huy ảnh hưởng của các chức sắc tôn giáo và những người có uy tín ở thôn, xóm và họ tộc trong vận động nhân dân.

Năm là, xem xét ban hành tiêu chí công nhận xóm, thôn đạt tiêu chí NTM, gia đình NTM và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích những tập thể, cá nhân hoàn thành các tiêu chí sớm. Chú trọng sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiêu biểu phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM./.

Phạm Văn Bằng
Uỷ viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com