Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đến nay hệ thống thư viện và tủ sách cộng đồng trên địa bàn huyện Trực Ninh đã đi vào hoạt động nền nếp và phát huy hiệu quả tích cực, bước đầu đáp ứng nhu cầu thông tin, nghiên cứu, học tập của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân trong huyện.
Thư viện chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Thư viện huyện hiện có phòng đọc diện tích khoảng 40m2 và kho sách được trang bị đầy đủ các thiết bị thiết yếu như hệ thống đèn, bàn, ghế, giá sách… Với trên 10 nghìn cuốn sách các loại và nhiều đầu báo, tạp chí phong phú về chủng loại, Thư viện huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc sách, báo của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thế Anh, Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết: Hiện nay, với nhiều loại hình giải trí và các phương tiện thông tin, nghe nhìn hiện đại nên văn hoá đọc nói chung và hoạt động của Thư viện huyện nói riêng bị ảnh hưởng. Từ thực trạng đó, Phòng VH-TT huyện xác định phải xây dựng và phát triển các đầu sách, báo, tạp chí phong phú để tạo sự hấp dẫn bạn đọc. Thư viện huyện thường xuyên bổ sung những tài liệu có nội dung tư tưởng, tính thẩm mỹ và tác dụng giáo dục; trong đó ưu tiên mảng sách nông nghiệp phục vụ cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn. Với đối tượng là học sinh, sinh viên, Thư viện huyện luôn trang bị những đầu sách mới có nội dung nâng cao các kiến thức mọi mặt và các loại sách nói về kỹ năng sống cho các em. Với đối tượng là người cao tuổi, Thư viện huyện trang bị các đầu sách nói về chăm sóc sức khỏe và các đầu báo, tạp chí mới… Để duy trì và phát triển số lượng độc giả, Thư viện huyện đơn giản hóa về cách thức cũng như rút ngắn thời gian cấp thẻ. Hằng năm, Thư viện huyện có trên 100 người đăng ký làm thẻ đọc và hàng nghìn lượt độc giả mượn sách. Ngoài ra, Thư viện huyện luôn mở rộng phạm vi hoạt động và tích cực, chủ động phối hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển sách, báo cho các tủ sách cộng đồng trên địa bàn huyện. Năm 2012, đã có 4 thư viện trên địa bàn huyện được luân chuyển sách gồm thư viện các trường: THCS Thị trấn Cổ Lễ, Trực Phú; thư viện các trường tiểu học: Trực Hải, Liêm Hải. Năm 2013, có các thư viện trường được luân chuyển sách gồm các trường THCS Trực Mỹ, Trực Nội và THPT Lê Quý Đôn, Thị trấn Cổ Lễ. Số lượng sách mỗi đợt luân chuyển từ 8 nghìn - 10 nghìn cuốn. Thời gian luân chuyển cho mượn sách tại các cơ sở từ 6 tháng đến 1 năm. Phòng VH-TT huyện còn phối hợp với Phòng Tư pháp huyện, UBND các xã, thị trấn luân chuyển các loại sách chính trị, pháp luật luân chuyển sách đến 20 điểm Bưu điện văn hóa xã. Ngoài ra, Thư viện huyện còn luân chuyển hàng trăm bản sách, báo và tạp chí về các tủ sách của nhà văn hoá các thôn, xóm; tổ chức các buổi giao lưu, tuyên truyền giới thiệu sách theo các chủ đề: ATGT, phòng chống tệ nạn xã hội. Thư viện huyện còn phối hợp với chùa Cổ Lễ mở 1 thư viện sách tại chùa với 1.000 cuốn sách ở nhiều thể loại phục vụ tăng ni, phật tử và nhân dân trên địa bàn. Thư viện chùa Cổ Lễ mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần, mỗi ngày phục vụ hàng chục lượt người đọc. Khách thập phương đến chiêm bái chùa có thể dễ dàng tìm hiểu các sách lịch sử, tư liệu, kỷ yếu các vị Trưởng lão Hòa thượng chùa Cổ Lễ tại thư viện. Ngoài thư viện chùa Cổ Lễ, tủ sách làng Nam Ngoại, xã Nam Mỹ có từ năm 2008 với hơn 50 đầu sách, báo, tạp chí về lĩnh vực nông nghiệp, văn hoá, xã hội, xây dựng NTM… được huy động từ công tác xã hội hóa để phục vụ nhân dân. Tủ sách pháp luật xã Trực Thanh có hơn 70 đầu sách, thường xuyên được đổi mới, bổ sung…
Hoạt động của hệ thống thư viện và tủ sách cộng đồng ở huyện Trực Ninh đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, Thư viện huyện Trực Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có phòng đọc đa phương tiện, chưa ứng dụng công nghệ thông tin… Số đầu sách còn đơn điệu, số lượng sách cũ còn tồn đọng lớn, số đầu sách mới bổ sung chưa kịp thời…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện và tủ sách trên địa bàn, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động thư viện, tạo thuận lợi cho nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ thông tin từ sách, báo của nhân dân./.
Bài và ảnh: Viết Dư