Đi dọc triền đê sông Hồng qua các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Phương Định (Trực Ninh), Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ) hoặc ven tuyến đường Đen ở huyện Nam Trực, trên cống Ba Nõn của huyện Hải Hậu vào các buổi chiều hè lộng gió sẽ bắt gặp hàng trăm chiếc diều đủ màu sắc, vi vu cùng tiếng sáo thánh thót. Nhưng niềm vui của người chơi diều lại là nỗi lo của ngành Điện. Theo Cty Điện lực Nam Định, tình trạng thả diều xung quanh các đường dây tải điện, gần các trạm biến áp đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong hai năm gần đây. Năm 2013, cả tỉnh đã xảy ra hơn 200 sự cố lưới điện do diều mắc vào dây dẫn điện hoặc do dây diều kéo các dây điện chập vào nhau, cuốn vào các thanh cái, các cầu dao của trạm biến áp làm ngắn mạch, đứt dây điện, nổ thiết bị bảo vệ, cháy máy biến áp dẫn đến mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, đồng thời gây thiệt hại lớn cho ngành Điện. Những con diều hiện nay có kích thước ngày càng lớn, cánh dài tới 7 đến 8m, rộng từ 3 đến 4m, gắn sáo to 3 đến 5 tầng, dây thả diều bằng lõi kim loại sẽ rất nguy hiểm nếu vướng vào lưới điện. Đầu tháng 11-2013 một chiếc diều lớn có chiều dài gần 8m đã mắc vào đường dây trung thế 35kV làm ngắn mạch dây pha, cháy máy biến áp 25.000kVA ở trạm 110kV Nam Trực, thiệt hại gần 15 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2014, cả tỉnh tiếp tục xảy ra gần 60 vụ việc các loại do diều gây nên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành hệ thống điện của tỉnh, nhất là những ngày nắng nóng này nhu cầu dùng điện sinh hoạt luôn tăng cao. Huyện Giao Thuỷ là địa bàn có số lượng sự cố do diều gây ra nhiều nhất là 20 vụ, tiếp đó là Hải Hậu 11 vụ, Nam Trực 6 vụ, Xuân Trường 4 vụ, Trực Ninh 3 vụ. Ngày 8-5-2014, tại vị trí cột số 13+14 đường dây 373 E3.12, trước cổng UBND Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đã xảy ra chập điện do diều mắc vào đường dây gây mất điện trên diện rộng ở huyện Nam Trực và một phần huyện Trực Ninh. Lúc 17 giờ 25 phút ngày 31-5-2014, trước ngày chuẩn bị diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT lại xảy ra sự cố điện nghiêm trọng dẫn đến cháy máy biến áp 5.600kVA ở trạm trung gian Cổ Lễ (Trực Ninh), ước thiệt hại hơn 8 tỷ đồng. Sự cố đã làm cho 23.934 khách hàng ở các xã: Trực Chính, Phương Định, Liêm Hải, Việt Hùng và Thị trấn Cổ Lễ mất điện hoàn toàn. Nguyên nhân được xác định do một chiếc diều to chao đảo rồi bổ vào đường dây điện, người chơi diều đã cố tình kéo dây diều về làm chập các dây tải điện vào nhau dẫn đến sự cố lớn. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, Cty Điện lực Nam Định đã điều động máy biến áp tại huyện Ý Yên ra Cổ Lễ và huy động một lượng lớn nhân lực kịp thời thay thế ngay trong đêm 31-5 để cấp điện trở lại phục vụ nhân dân...
Điện lực Nam Trực thu giữ sáo diều mắc vào dây điện gây nên sự cố hệ thống điện. |
Trước thực trạng ngày càng có nhiều sự cố điện do diều gây nên, Cty Điện lực Nam Định đã có văn bản đề nghị Sở Công thương có ý kiến với các cấp chính quyền địa phương triển khai, phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, không thả diều, vật bay gần đường dây và trạm điện. Ngày 5-5-2014, Sở Công thương đã có văn bản gửi UBND các huyện và Thành phố Nam Định nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thực thi Luật Điện lực, tăng cường kiểm tra, phát hiện các nguy cơ xảy ra sự cố điện, kiên quyết xử lý các vụ vi phạm an toàn công trình lưới điện theo thẩm quyền. Cùng với các biện pháp này, các ngành hữu quan đang tích cực phối hợp với Công an tỉnh kiên quyết bắt giữ, xử lý một số đối tượng thường xuyên thả diều xung quanh các trạm biến áp, các đường dây điện làm cho nguy cơ xảy ra sự cố điện tăng cao. Theo khoản d Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện đã ghi rõ: Thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây ra sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt từ 1 đến 5 triệu đồng. Tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện đã ghi: Khi có sự cố về điện, UBND các cấp, công an, lực lượng vũ trang trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp, khẩn trương khắc phục hạn chế, thiệt hại và đưa công trình vào hoạt động. Như vậy, ngành Điện và các ngành chức năng đã tích cực vào cuộc để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên nhưng kết quả vẫn chưa cao.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục ngăn chặn hiệu quả tình trạng thả diều gây sự cố lưới điện, Cty Điện lực Nam Định đề nghị UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cũng như toàn bộ hệ thống điện của tỉnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ giúp ngành Điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân./.
Bài và ảnh: Xuân Thu