Đối với học sinh thành phố, kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian được nghỉ ngơi, thậm chí được đi du lịch và tham gia vào các hoạt động hè hữu ích sau một năm học tập căng thẳng, vất vả. Tuy nhiên, với học sinh ở vùng nông thôn trong kỳ nghỉ hè, các em phải làm việc giúp bố mẹ để có tiền chuẩn bị trang trải các khoản chi phí cho năm học mới.
Các em học sinh ở làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) tranh thủ làm thêm trong kỳ nghỉ hè. |
Với học sinh ở các vùng quê, kỳ nghỉ hè cũng là thời điểm mùa gặt lúa bắt đầu. Vì vậy, nhiều em được gia đình giao làm các công việc như: phơi thóc, băm bèo, nấu cám, cho lợn, gà ăn và trông coi, quét dọn nhà cửa… Đây được coi là những công việc nhẹ nhàng và “ưu tiên” cho các em từ 12 tuổi trở xuống. Đối với các em lớn hơn thì phải tham gia làm các công việc nặng nhọc hơn như ra đồng gặt lúa, cuốc đất… Em Trần Văn Thắng, học sinh lớp 9 Trường THCS Mỹ Trung (Mỹ Lộc) cho biết: “Từ ngày hai chị gái đi lấy chồng, là con trai duy nhất trong nhà nên cứ đến kỳ nghỉ hè, em đều tranh thủ làm việc để giúp bố mẹ. Khi học lớp 3, em đã biết đi cắt cỏ cho cá, lấy bèo nấu cám, cho lợn gà ăn… và tranh thủ ra đồng bắt cua, cá, vừa để cải thiện bữa ăn cho gia đình vừa để bán kiếm tiền mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Hè năm nay em thi vào lớp 10 nhưng khi vào mùa vụ, em tranh thủ học vào buổi tối để còn đi gặt vì bố còn phải đi làm thợ xây, một mình mẹ không làm hết việc”. Với học sinh cấp THCS, THPT ở nông thôn, dịp nghỉ hè phải làm các công việc đồng áng là điều rất bình thường. Trong số đó, nhiều em sinh ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên phải đóng vai là lao động chính trong gia đình. Em Phạm Thị Thảo, học sinh lớp 9 Trường THCS Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) sinh ra trong một gia đình nghèo nên sau giờ học em lại bắt tay vào giúp đỡ gia đình, từ việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa đến việc ra đồng làm muối. Thời gian này, dù đang chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 nhưng sáng nào Thảo cũng dậy từ 5h sáng để chuẩn bị cơm nước, dọn dẹp nhà cửa để khi nắng lên còn ra đồng làm muối. Cũng như bao trẻ em khác ở vùng chân sóng, những ngày hè này, bữa trưa của Thảo thường bắt đầu từ 8h30, để khi mặt trời đứng bóng, em lại tất bật ra đồng. Năm nay, cái nắng đầu hè chói chang, gay gắt hơn so với mọi năm, nhưng với Thảo, nắng to đồng nghĩa với việc gia đình em sẽ có thêm thu nhập và năm học mới, Thảo tiếp tục được đến trường. Bao kỳ nghỉ hè đã qua, quần quật suốt ngày trên đồng muối nhưng suốt 9 năm liền Thảo đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, được nhà trường miễn giảm các khoản đóng góp. Hè này, chuẩn bị bước vào THPT, Thảo lại phải làm nhiều hơn nữa để có tiền mua sách vở, quần áo đến trường. Không chỉ riêng Thảo, mà trên 340 học sinh tiểu học, THCS ở xã Nghĩa Phúc, kỳ nghỉ hè đều gắn liền với đồng muối, từ việc lấy nước, chở cát đến cào và gánh muối…, các em đều làm thành thạo. Giữa cái nắng chói chang của mùa hè, ngày ngày lăn lộn trên đồng muối nhưng tất cả các em đều cảm thấy đây là công việc rất đỗi bình thường mỗi khi đến kỳ nghỉ hè. Vất vả sớm hôm cùng gia đình nhưng cũng thật vui khi hằng năm, các em học sinh THCS của xã thi vào các trường THPT luôn có số điểm cao, đứng thứ 30/246 trường THCS của tỉnh. Không chỉ học sinh ở các vùng thuần nông tranh thủ kỳ nghỉ hè để giúp đỡ cha mẹ, học sinh ở các làng nghề cũng bận rộn không kém. Đến làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực), hộ nào cũng có các em mải miết làm hoa, đèn ông sao, hàng mã… Anh Nguyễn Văn Xã, một hộ dân chuyên làm đèn ông sao cho biết, hè nào gia đình anh cũng có từ 3-5 em đến làm đèn ông sao để có tiền mua bút mực, sách vở, quần áo chuẩn bị cho năm học mới. Các em chủ yếu là học sinh nữ của làng, trong đó có nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn như bố mẹ đau ốm, nhà nghèo… Công việc không quá vất vả, chỉ cần khéo tay, cẩn thận, nếu làm chăm chỉ, một ngày mỗi em cũng có thu nhập 100 nghìn đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với các em.
Hè về được tham gia lao động để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống của gia đình là việc làm bình thường, cũng là cách thư giãn của học sinh ở các vùng quê sau một năm học tập căng thẳng. Trong khó khăn vất vả, các em cảm nhận được những giá trị cao đẹp của lao động trong cuộc sống, biết yêu thương cha mẹ, biết yêu thương con người. Và khi bước vào năm học mới, các em có thêm niềm vui khi quyển sách, chiếc cặp, bộ quần áo có một phần công sức lao động của mình. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Đoàn Thanh niên ở các địa phương, các em được tham gia các hoạt động hè đầy ý nghĩa, phù hợp với độ tuổi vào các buổi tối và các ngày thứ bảy, chủ nhật trong tuần. Anh Phạm Văn Thắng, cán bộ xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) cho biết: Ngay sau khi học sinh được nghỉ hè, các nhà trường trên địa bàn xã đã bàn giao học sinh về sinh hoạt Đoàn tại địa bàn dân cư. Các em được sinh hoạt, vui chơi theo 8 luỹ tre xanh do các chi đoàn tổ chức. Với các hoạt động văn nghệ, TDTT, các trò chơi lý thú cùng với những thành quả đạt được từ những đóng góp nhỏ bé của các em đối với bản thân và gia đình đã giúp các em có một kỳ nghỉ hè đầy ý nghĩa./.
Bài và ảnh: Thảo Linh