Đôi điều về thực hiện Quy tắc ứng xử trong các bệnh viện

07:06, 27/06/2014

Chị Hương ở xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) cho biết: Chị có người nhà mới sinh con tại một bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh. Trước đó, theo gợi ý của một nhân viên y tế là người quen tại bệnh viện, cũng là để “xuôi chèo mát mái”, thuận lợi cho việc sinh đẻ của người nhà, chị đã chi tiền “bồi dưỡng” cho kíp đỡ đẻ, cho khoa, tiền bồi dưỡng cho y tá để tắm cho bé… Những điều này đã và đang được thực hiện như một quy ước “ngầm” mà người nhà sản phụ rỉ tai nhau tự giác thực hiện. Mặc dù vậy, để nhận được một thái độ dễ chịu, một nụ cười cởi mở của nhân viên y tế bệnh viện thật hiếm hoi. Có người cho rằng do sự “quá tải” bệnh viện, cường độ làm việc căng thẳng dẫn đến thái độ của một số bác sĩ, nhân viên y tế thiếu nhã nhặn. Còn bác Trần Công T ở xã Nam Hùng (Nam Trực) kể, bác đi khám bệnh tại một bệnh viện tỉnh, nhưng chờ đợi tới 2 ngày vẫn chưa tới lượt khám. Vào đầu giờ sáng ngày thứ 3 chờ đợi, trong khi phía ngoài phòng khám, rất nhiều bệnh nhân xếp hàng để chờ tới lượt khám thì phía trong phòng khám bác sĩ và điều dưỡng ngồi “buôn” chuyện. Thỉnh thoảng có một nhân viên y tế dấm dúi đưa giấy khám, phiếu yêu cầu xét nghiệm để bác sĩ “ưu tiên” làm trước để có kết quả sớm cho người nhà, người quen… Mới đây, tại một bệnh viện huyện, do chuyên môn kém, thái độ tắc trách, thiếu trách nhiệm của một số nhân viên y tế, khi người nhà thấy dấu hiệu bất thường của thai phụ đã xin chuyển tuyến nhưng bác sĩ phụ trách kíp đỡ đẻ nhất quyết không cho dẫn đến việc sản phụ bị tử vong…

Các thí sinh đạt giải tại Hội thi Điều dưỡng thanh lịch năm 2013 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức.
Các thí sinh đạt giải tại Hội thi Điều dưỡng thanh lịch năm 2013 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức.

Ứng xử và y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm tận tụy phục vụ người bệnh. Ứng xử, giao tiếp trong bệnh viện là yếu tố quan trọng, góp phần làm cho người bệnh yên tâm, hợp tác điều trị và trong nhiều trường hợp còn là quyết định sự thành công trong việc chữa bệnh cho bệnh nhân. Giao tiếp với bệnh nhân trong bệnh viện cũng là một trong những nội dung chuyên môn quan trọng trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Để tăng cường y đức của người thầy thuốc, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT về “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế”. Mới đây, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 07/2014/TT-BYT quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 75/2009/KH-SYT về thực hiện quy tắc ứng xử, kèm theo quy định các tiêu chí và chỉ số cơ bản giám sát và đánh giá việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong toàn ngành, đồng thời các cơ sở y tế đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong đơn vị. Bên cạnh đó, ngành Y tế tổ chức Hội thi “Tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử” nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế trong các bệnh viện về giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp, với bệnh nhân, góp phần đẩy lùi biểu hiện tiêu cực, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Cũng qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử cho thấy nhận thức của cán bộ ngành Y tế đã có bước chuyển biến. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã chú ý rà soát, sắp xếp, bố trí tạo thuận lợi cho người dân đến khám, chữa bệnh. Các bệnh viện loại bỏ dần các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh, quy định cán bộ, viên chức chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc và chế độ trực, thay đổi tác phong, lề lối làm việc… Quy tắc ứng xử đã và đang trở thành một trong các tiêu chí thi đua khen thưởng đối với các đơn vị và các cá nhân trong ngành Y tế. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, thái độ giao tiếp, ứng xử hoà nhã, thân thiết của y, bác sĩ đã tạo sự tin tưởng, hài lòng của người bệnh. Nhờ đó, trong nhiều năm qua bệnh viện nhận được hàng trăm thư khen về thái độ và tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực cố gắng của nhiều tập thể, nhân viên y tế, tại không ít bệnh viện vẫn còn xảy ra tình trạng để người bệnh phàn nàn về thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của thầy thuốc, nhân viên y tế đối với người bệnh. Tình trạng thầy thuốc, nhân viên y tế gây khó khăn cho người bệnh, có thái độ không đúng mực với người bệnh, lợi dụng nghề nghiệp và vị trí công việc để trục lợi, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người bệnh vẫn còn xảy ra ở một bộ phận nhân viên y tế tại một số bệnh viện…

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh, việc tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử cần phải được duy trì thành nền nếp, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như có chế độ thưởng, phạt cụ thể đối với những trường hợp vi phạm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Các bệnh viện cần thành lập đường dây nóng, khuyến khích người bệnh, người nhà người bệnh tố giác những cán bộ, nhân viên y tế vi phạm y đức người thầy thuốc./.

Bài và ảnh: Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com