Thực hiện Quyết định 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015 (Đề án 295) và Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn. Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp phụ nữ nông thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tạo cơ hội để chị em nâng cao vị thế trong xã hội.
Chị Vũ Thị Hằng xã Yên Phú (Ý Yên) lấy chồng từ năm 20 tuổi. Do hai bên gia đình khó khăn nên vợ chồng chị ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Đặc biệt, từ khi sinh cháu thứ hai, chị Hằng không có thời gian đi làm thêm khiến cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn. Năm 2013, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện, chị đã chọn học nghề thêu ren và nhận hàng về làm tại nhà. Nhờ đó, mỗi tháng chị có thêm nguồn thu khoảng 1,2 triệu đồng để trang trải cho cuộc sống gia đình. Đây chỉ là một trong số rất nhiều hội viên phụ nữ xã Yên Phú được tham gia lớp học nghề và tạo việc làm do Hội Phụ nữ xã tổ chức. Hội LHPN xã Yên Phú hiện có 1.778 hội viên sinh hoạt tại 15 chi hội. Để tạo việc làm cho hội viên, hằng năm, Hội Phụ nữ xã đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, từ đó, xây dựng kế hoạch dạy nghề bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2003 đến nay, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với các ban, ngành mở hàng chục lớp dạy nghề cho lao động nữ nông thôn. Trong đó, từ năm 2013 đến nay, Hội đã mở được 4 lớp dạy nghề thêu ren cho 120 hội viên; trong đó có 33 hội viên gia đình thuộc diện hộ nghèo. Kết thúc khóa học, tất cả các hội viên đều có việc làm và thu nhập ổn định.
Lớp dạy nghề móc sợi cho phụ nữ Thị trấn Gôi (Vụ Bản) do Hội LHPN tỉnh tổ chức. |
Để thực hiện hiệu quả Đề án dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, hằng năm, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Đề án 295, Đề án 1956 tới 100% cán bộ, hội viên phụ nữ và lồng ghép với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho chị em phụ nữ; tích cực vận động lao động nữ tham gia học nghề; chủ động cung cấp địa chỉ học nghề, địa chỉ việc làm cho lao động nữ. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại các địa phương, Hội LHPN tỉnh liên kết với các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức các lớp dạy nghề cho chị em. Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình các nghề mới phù hợp với thị trường lao động của địa phương. Năm 2012, Trung tâm đã xây dựng giáo trình nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm được Sở LĐ-TB và XH thẩm định và cấp giấy phép dạy nghề. Trong quá trình xây dựng, chỉnh lý, bổ sung các giáo trình, Trung tâm đã mời các kỹ sư, nghệ nhân, doanh nghiệp, các giáo viên trường nghề tham gia đóng góp ý kiến xây dựng giáo trình bảo đảm phù hợp với lao động nữ. Bên cạnh đó, Hội còn tiến hành khảo sát và vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra thành lập tổ nhóm may công nghiệp, thêu ren... dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ ở nông thôn. Trong các năm 2010-2013, Hội LHPN các cấp đã mở 57 lớp dạy nghề cho 1.953 lao động nông thôn với các nghề: may công nghiệp, thêu ren, mây tre đan, móc hộp sợi xuất khẩu, chăn nuôi... Từ đầu năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã mở được 4 lớp dạy nghề may công nghiệp, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt cho 130 hội viên của 5 xã Giao Thanh, Giao Hương, Giao Lạc, Giao Nhân, Hồng Thuận (Giao Thủy). Bên cạnh đó, Hội luôn quan tâm đến công tác tạo việc làm, tìm đầu ra sau học nghề cho hội viên. Hội đã đứng ra thành lập các tổ hợp tác, nhóm sản xuất như các tổ: “Cánh đồng mẫu lớn”, “Trồng nấm rơm”; “Làng cây dược liệu”, “Nuôi gà an toàn sinh học”, “Trồng rau an toàn”, “Trồng lúa đặc sản”; các tổ hợp may, thêu ren, móc sợi xuất khẩu; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tạo điều kiện cho hàng trăm chị vào làm việc có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Bằng việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, năm 2013, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã góp phần giúp 1.603 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Chị em được dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định ngay tại quê hương không phải bỏ quê đi làm ăn xa có điều kiện ở nhà chăm lo cho gia đình, chăm sóc con cái.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn hướng đến những ngành nghề chị em có thể làm tại nhà, tại địa phương lúc nông nhàn, đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung