Những năm qua, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các huyện, thành phố tập trung khảo sát, nghiên cứu, xây dựng mô hình mới tập hợp hội viên, trong đó chú trọng tập hợp, thu hút hội viên là nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, lao động nữ trong các KCN thuê trọ trên địa bàn; phụ nữ trong các chợ lớn. Nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) ra đời đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.
Ban thường vụ Hội LHPN xã Mỹ Xá (TP Nam Định) xây dựng kế hoạch hướng dẫn hoạt động của tổ “Nữ công nhân thuê trọ”. |
Tổ “Nữ công nhân thuê trọ” tại xóm Bến, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) được thành lập năm 2009 có 510 hội viên là nữ công nhân KCN Hòa Xá, CCN An Xá thuê trọ trên địa bàn. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình, vào mỗi kỳ sinh hoạt, Hội Phụ nữ xã đã hướng dẫn cụ thể nội dung sinh hoạt theo chuyên đề như: trao đổi về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt các Luật liên quan đến phụ nữ; cùng nữ công nhân chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống; phương pháp chăm sóc con theo khoa học; tuyên truyền, vận động nữ công nhân tránh xa các tệ nạn xã hội... Hội Phụ nữ xã phối hợp với Ban Dân số - KHHGĐ xã tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ; phối hợp với trạm y tế xã tổ chức khám thai, tiêm phòng cho con nữ công nhân lao động; phối hợp với Công đoàn xã tuyên truyền Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Hôn nhân và Gia đình cho chị em... Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng phong phú như sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ giúp nâng cao đời sống tinh thần cho nữ công nhân lao động sau những giờ làm việc căng thẳng. Việc tham gia tổ “Nữ công nhân thuê trọ” đã tạo điều kiện để các nữ công nhân được tiếp cận nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, giúp họ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại nơi cư trú. Đến nay, trong tổ không có trường hợp sinh con thứ 3, không xảy ra bạo lực gia đình; đồng thời giúp cho tổ chức Hội và các cấp chính quyền địa phương quản lý được nhân khẩu, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. CLB “Nữ sinh” tại thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản) gồm 50 nữ sinh là sinh viên các trường cao đẳng trọ trên địa bàn xã. Qua các buổi sinh hoạt CLB đã tuyên truyền đến nữ sinh các chủ đề liên quan đến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2011-2015”; sức khỏe sinh sản, tình yêu và giới tính. Việc tham gia sinh hoạt CLB giúp các nữ sinh được rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với gia đình, bạn bè và những người xung quanh; trao đổi về những phương pháp học tập có hiệu quả; cách thức tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội hoặc trước những hành vi lợi dụng của kẻ xấu. Hoạt động của CLB góp phần nâng cao chất lượng công tác tập hợp, thu hút phụ nữ trẻ là nữ sinh tham gia sinh hoạt cũng như đẩy mạnh các phong trào phụ nữ và hoạt động Hội ở địa phương.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều mô hình tập hợp hội viên được các cấp Hội thành lập trong thời gian qua. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 15 loại mô hình tập hợp phụ nữ theo địa bàn khu dân cư như: mô hình tập hợp nữ thanh niên, tập hợp phụ nữ cao tuổi, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nhập cư ở địa phương khác... với 41 CLB, mô hình hoạt động đặc thù theo từng nhóm đối tượng. Các mô hình tập hợp phụ nữ đa dạng, phong phú, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ cụ thể như các mô hình: CLB “Vợ thương binh liệt sĩ làm kinh tế giỏi”, CLB “Phụ nữ trẻ”, CLB “Nữ chủ doanh nghiệp”, tổ “Phụ nữ may công nghiệp”, tổ “Nữ doanh nhân liên tỉnh”, chi Hội Phụ nữ “Ngư nghiệp”... Năm 2013, các cấp Hội xây dựng được 3 mô hình đặc thù tập hợp thu hút hội viên như: chi hội “Ngư nghiệp” xã Yên Trị (Ý Yên), CLB “Phụ nữ Công giáo tiêu biểu” xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), CLB “Khi mẹ vắng nhà” xã Tân Thành (Vụ Bản). Thông qua các buổi giao lưu, sinh hoạt giúp hội viên được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống. Các mô hình, các CLB đã góp phần thu hút ngày càng đông chị em tham gia sinh hoạt Hội. Năm 2013, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã vận động thêm 5.519 phụ nữ vào Hội; nâng tổng số hội viên phụ nữ toàn tỉnh lên 395.966 người trên tổng 516.927 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, đạt 76,6%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các mô hình vẫn còn nhiều hạn chế như: các mô hình, tổ, nhóm, CLB dành cho nhóm phụ nữ đặc thù chưa được nhân rộng, nội dung chưa có sự chủ động mà còn phụ thuộc vào Hội cấp trên, do đó chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ, nhất là nhu cầu của một số đối tượng phụ nữ đặc thù như phụ nữ cao tuổi, phụ nữ trẻ. Một bộ phận đội ngũ cán bộ Hội năng lực vận động phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội còn yếu. Ngoài ra, trong quá trình duy trì hoạt động, các mô hình, CLB mới còn khó khăn về kinh phí, hoạt động chủ yếu bằng nguồn kinh phí do thành viên tự đóng góp. Tỷ lệ phụ nữ đi làm ăn xa, thời gian dài ngày càng tăng nên khó thu hút các nhóm phụ nữ đặc thù gắn bó lâu dài với Hội. Quá trình đô thị hóa diễn ra khiến một bộ phận phụ nữ nông dân không còn ruộng để canh tác, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định; việc chia tách, thành lập lại tổ dân phố, việc di rời chuyển đổi chỗ ở của một số hộ dân đến nơi định cư mới đã làm cho tổ chức Hội ở một số cơ sở có sự biến động, khó theo dõi. Hơn nữa, nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ cũng rất đa dạng, do vậy, việc tập hợp nhóm phụ nữ có cùng nhu cầu trên một địa bàn cũng gặp không ít khó khăn, làm ảnh hưởng đến kết quả tập hợp hội viên. Thời gian tới, nhằm tăng cường tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt tổ chức Hội, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá một số cơ sở về thực trạng tập hợp hội viên để thống nhất các tiêu chí và có giải pháp chỉ đạo phù hợp trong công tác tập hợp hội viên; triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở”, trong đó tập trung hướng dẫn Hội Phụ nữ các huyện, thành phố đánh giá thực trạng công tác tập hợp hội viên; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội tại địa phương, quan tâm đến những đơn vị có tỷ lệ tập hợp hội viên thấp; địa bàn có khó khăn trong công tác cán bộ, địa bàn có đông phụ nữ Công giáo./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung