Trường Cao đẳng nghề Nam Định triển khai giải pháp xây dựng các ngành nghề chất lượng cao

08:05, 13/05/2014

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển một số cơ sở giáo dục chất lượng cao, năm 2012 Trường Cao đẳng nghề Nam Định được chọn thực hiện xây dựng 3 nghề chất lượng cao gồm: Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Cơ điện tử và Công nghệ thông tin ở trình độ cao đẳng nghề.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Nam Định trong giờ thực hành vận hành máy bơm nước.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Nam Định trong giờ thực hành vận hành máy bơm nước.

Triển khai thực hiện xây dựng các nghề chất lượng cao, Trường Cao đẳng nghề Nam Định có những thuận lợi cơ bản là có bề dày đào tạo nghề hơn 40 năm với đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên được đào tạo cơ bản và đạt chuẩn giáo viên dạy nghề. Nhà trường đã được tỉnh đầu tư dự án mở rộng trường khu II, với diện tích trên 41 nghìn m2 trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, đáp ứng với chuẩn của trường cao đẳng. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng trường trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng đa ngành, đa nghề, những năm qua nhà trường đã thực hiện đào tạo 12 ngành, nghề và được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất. Trong đó, từ năm 2006, nhà trường đã được lựa chọn đầu tư trọng điểm theo chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn (2006-2015) và là một trong 15 trường của toàn quốc được đầu tư dự án ODA “Nâng cao kỹ năng nghề” ở hai nghề: Hàn và Điện công nghiệp. Năm 2011, trường được Bộ LĐ-TB và XH phê duyệt 5 nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia và là một trong 40 trường dạy nghề xây dựng chất lượng cao của Bộ. Với nguồn kinh phí được cấp trong giai đoạn 2011-2013 từ Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc dự án Đổi mới và phát triển dạy nghề là 25 tỷ đồng nhằm đầu tư cho 5 nghề trọng điểm, trong đó có 3 nghề đang được xây dựng thành nghề chất lượng cao của tỉnh là: Công nghệ thông tin, Cơ điện tử và Quản lý khai thác công trình thủy lợi, đã tạo thuận lợi để nhà trường phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao. Bên cạnh đó, để lồng ghép các hoạt động xây dựng 3 nghề chất lượng cao với các nghề trọng điểm của nhà trường với phương châm xây dựng chuẩn từng nghề, nhà trường đã bám sát bộ tiêu chuẩn nghề chất lượng cao của UBND tỉnh để tập trung xây dựng 3 nghề trọng điểm chất lượng cao, đào tạo ở ba cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Với tổng số 74 giảng viên, giáo viên các nghề xây dựng chất lượng cao bảo đảm ở tất cả các môn học, mô đun, nghề đào tạo đều có giáo viên đứng lớp; trong đó, tỷ lệ giáo viên có trình độ thạc sĩ chuyên ngành là 43% (so với tiêu chuẩn quy định là 60%), nhà trường dự kiến đến giữa năm 2015, tính cả số lượng giáo viên của 3 nghề đang tham gia học cao học thì tiêu chuẩn này sẽ đạt khoảng 65%. 100% giảng viên, giáo viên giảng dạy ở 3 nghề đều có chứng chỉ sư phạm dạy nghề chuẩn quốc gia và có thể ứng dụng thành thạo các phần mềm công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy. Để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhà trường còn cử đi học tập nâng cao và tham gia các lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn về chuyên môn cũng như năng lực quản lý và năng lực kỹ năng nghề tại các nước phát triển như Ốt-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, I-xra-en, Đức, Pháp… thông qua các chương trình của Tổng cục Dạy nghề và các tổ chức quốc tế. Hiện nhà trường đã có trên 20% giáo viên tham gia các khóa học tại các nước. Trong năm học 2014-2015, nhà trường tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học (ICC3), ngoại ngữ trình độ B1 châu Âu, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao tay nghề ngoài giờ cho giáo viên để chuẩn bị cho việc tham gia các khóa đánh giá kỹ năng nghề. Hiện tại, một số giáo viên của nghề xây dựng chất lượng cao đã được cử tham gia các khóa học về kỹ năng nghề tại Hà Nội, Nghệ An… do Tổng cục Dạy nghề tổ chức. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học của thầy và trò nhà trường trong năm học vừa qua đã được triển khai cụ thể và chi tiết đến từng khoa, bộ môn. Trong đó, năm học 2012-2013 khoa Điện - Điện tử và khoa Công nghệ thông tin đã có đề tài sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng vào công tác giảng dạy và học tập tại trường và được Sở LĐ-TB và XH chọn làm đại diện của tỉnh tham gia cuộc thi “Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc”. Để chương trình đào tạo nghề, đáp ứng được yêu cầu xây dựng chất lượng cao, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề có trình độ tương đương khu vực ASEAN, bảo đảm tính toàn diện của chương trình giảng dạy, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và doanh nghiệp. Để các hoạt động đào tạo đạt kết quả cao, nhà trường đã xây dựng quy chế tuyển sinh, trong đó ưu tiên lựa chọn học sinh có năng lực đầu vào cho các nghề xây dựng chất lượng cao. Nhà trường đã triển khai và ứng dụng dạy học tích hợp đối với các ngành nghề; gắn đào tạo tại trường với thực hành tại doanh nghiệp, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và xây dựng hệ thống đánh giá công tác dạy và học trong nhà trường để từng bước đạt tiêu chuẩn đánh giá các nghề chất lượng cao.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng các nghề chất lượng cao, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn: Đội ngũ quản lý của các khoa có nghề xây dựng chất lượng cao tại trường hiện nay chưa đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề, chứng chỉ quản lý dạy nghề. Nguyên nhân do hiện nay các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề thuộc hệ thống quản lý đào tạo nghề của Tổng cục Dạy nghề trên toàn quốc chưa tổ chức đánh giá kỹ năng nghề từ bậc 3/5 trở lên. Vì vậy, việc có chứng chỉ kỹ năng nghề phụ thuộc vào các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề tại nước ngoài. Năm học 2012-2013, nhà trường mới chọn một giáo viên nghề Cơ - Điện tử đi tham dự khóa đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề thí điểm tại Ma-lai-xi-a và đạt trình độ kỹ năng nghề bậc 3/5. Bên cạnh đó, kinh nghiệm giảng dạy theo hình thức đào tạo mới của đội ngũ cán bộ cơ hữu của nhà trường còn hạn chế. Kinh phí hoạt động của trường chưa đáp ứng yêu cầu huy động nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia nâng cấp thường xuyên các bộ chương trình đào tạo. Nhà trường cũng chưa huy động được nhiều chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm vào quá trình đánh giá, thẩm định để nhận được các góp ý có giá trị để nâng cao và hiện đại hóa các chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo ở nghề Cơ - Điện tử chưa được hoàn thiện; phương pháp kiểm tra, đánh giá của nghề chất lượng cao chưa được phân biệt khác so với các nghề. Việc liên thông giữa các chương trình của nghề chất lượng cao với các nhóm ngành chưa hợp lý. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nghề chất lượng cao mới đáp ứng từ 50 đến 60% yêu cầu phục vụ cho quá trình đào tạo. Năm 2014, nhà trường được UBND tỉnh phê duyệt xây thêm xưởng thực tập Điện công nghiệp với diện tích 1.900m2. Tuy nhiên, xưởng thực tập của nghề Cơ - Điện tử mới có một xưởng về cơ khí chính xác, được đầu tư xây dựng từ vốn xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia với diện tích 1.000m2, đang phải tiếp tục chờ thiết bị từ vốn dự án ODA. Đối với xưởng thực hành của nghề Quản lý khai thác công trình thủy lợi, hiện tại đang phải sử dụng xưởng cấp 4 được xây dựng từ lâu. Để đáp ứng được yêu cầu tiêu chí của nghề chất lượng cao nhà trường cần đầu tư xây dựng thêm 2.000m2 xưởng tại khu 2. Nghề Công nghệ thông tin hiện nay đang sử dụng phòng học nhà 5 tầng nhưng để đáp ứng được hệ thống vi tính nối mạng toàn cầu tốc độ cao theo yêu cầu, nhà trường cần được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại để xây dựng tháp công nghệ thông tin, đáp ứng ngành nghề chất lượng cao của tỉnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com