Thực hiện Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 19-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, năm 2012, tỉnh ta bắt đầu triển khai và giao cho Hội LHPN tỉnh thực hiện Đề án. Sau 2 năm triển khai Đề án bước đầu đã thu được một số kết quả đáng phấn khởi, tạo ra chuyển biến về nhận thức, hành động trong công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Nam Toàn (Nam Trực) trao đổi kế hoạch tuyên truyền “Nuôi con bằng sữa mẹ”. |
Nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án đến năm 2015 có ít nhất 70% bà mẹ, 50% ông bố trong gia đình có con dưới 16 tuổi được hướng dẫn kiến thức khoa học về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo từng độ tuổi; thu hút sự tham gia của ông bố trong việc hỗ trợ bà mẹ nuôi dạy con, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; có ít nhất 70% trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức về sức khoẻ sinh sản và giáo dục kỹ năng để đối mặt với các khó khăn trong cuộc sống…, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố triển khai Đề án tới các xã, phường, thị trấn, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp hội. Thực hiện Đề án, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo mỗi huyện, thành phố chọn 1 đơn vị làm điểm thực hiện Đề án, Hội LHPN các cấp, các đơn vị trực thuộc đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: nói chuyện chuyên đề, diễn tiểu phẩm, tổ chức hội thi, tọa đàm tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến lĩnh vực gia đình..., chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Con khoẻ, ngoan là hạnh phúc gia đình” gắn với nhiều nội dung như “Đừng để con bạn bị suy dinh dưỡng”; “Cha mẹ không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái”. Ngoài việc tuyên truyền nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ, giúp cho bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy con tốt nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em; hạn chế tình trạng trẻ ở độ tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, góp phần cùng toàn xã hội thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Các cấp Hội còn duy trì và nhân rộng các mô hình nuôi, dạy con tốt phù hợp từng đối tượng, địa bàn, tập trung tại các đơn vị chỉ đạo điểm; hướng dẫn sinh hoạt các CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”; “Nuôi con bằng sữa mẹ”. Năm 2013, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 60 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho 5.100 báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt của các cấp hội, ban chủ nhiệm các CLB và cán bộ chuyên trách 10 huyện, thành phố; chủ tịch Hội Phụ nữ 229 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tuyên truyền lồng ghép các nội dung Đề án với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; cấp phát 5.000 bộ tài liệu theo chủ đề, 50 bộ tài liệu hướng dẫn sinh hoạt CLB cho các xã điểm thực hiện Đề án; tổ chức 3.508 cuộc truyền thông, tập huấn cho 320.508 hội viên, phụ nữ, trong đó có 226.355 bà mẹ, 1.317 ông bố có con dưới 16 tuổi những kiến thức về kỹ năng giáo dục, chăm sóc trẻ từ 0 đến 6 tuổi và trẻ ở tuổi vị thành niên, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, VSATTP gắn với dinh dưỡng cho trẻ, phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích cho trẻ…, thông qua đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nam giới trong chăm sóc, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội LHPN các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo “Xu hướng chăm sóc sức khỏe thời đại mới”, “Ngày hội vi chất dinh dưỡng” tại xã Trung Đông (Trực Ninh); tọa đàm về “Tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy cho trẻ vị thành niên” ở huyện Xuân Trường... Tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản), đơn vị được chọn làm điểm thực hiện Đề án, Hội LHPN thị trấn đã thành lập nhiều mô hình CLB như CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”, “Khi mẹ vắng nhà”, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục như tuyên truyền về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cho 450 học sinh Trường THCS Thị trấn Gôi; vận động các bà mẹ thực hiện “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”, nhắc nhở con em đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, xe đạp điện, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông… Tổ chức tọa đàm với chủ đề “Mang thai tuổi vị thành niên” cho 175 đại biểu tham dự, trong đó có 120 bà mẹ, 10 ông bố có con dưới 16 tuổi và 15 trẻ vị thành niên. Kết quả bước đầu, nhiều ông bố, bà mẹ được tiếp thu kiến thức mới, cởi mở chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học bổ ích về cách nuôi, dạy con, giáo dục con em khi đến tuổi trưởng thành, giúp các em có tâm sinh lý ổn định, hiểu biết về tình bạn, tình yêu, kỹ năng sống. Tại Ý Yên, duy trì mô hình CLB “Các bậc cha mẹ với sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên” tại xã Yên Hồng với 150 thành viên tham gia.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu qua 2 năm thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” cho thấy: Việc triển khai thực hiện Đề án bước đầu đã có tác động tích cực đối với nhận thức của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con cái; giúp các ông bố, bà mẹ nâng cao kỹ năng nuôi dạy con, nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bỏ học, hạn chế tình trạng trẻ em ở độ tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, cùng toàn xã hội thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Nhờ những hoạt động thiết thực, đến nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm dưới 14%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng theo chiều cao giảm dưới 19%; phấn đấu đến năm 2015, giảm 30% số ca nạo phá thai của thanh niên và vị thành niên.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án, thời gian tới rất cần có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; duy trì và nhân rộng các mô hình như mô hình CLB “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con bằng sữa mẹ”, từ đó góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác chăm sóc, giáo dục thế hệ mầm non tương lai của đất nước./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung