Phương pháp giáo dục mới góp phần phát triển năng lực cho học sinh tiểu học

08:05, 27/05/2014

Năm học 2013-2014, Trường Tiểu học Nam Đào (Nam Trực) lần đầu tiên tổ chức Liên hoan Phát triển năng lực cho học sinh đã thu hút sự tham gia tích cực của học sinh trong toàn trường. Tại liên hoan, các em ở hai đội “Hoạ Mi” và “Sơn Ca” đã trải qua 5 phần thi: Màn  chào hỏi, khởi động, năng khiếu, ai thông minh hơn và về đích. Qua 5 phần thi, các em không chỉ thể hiện năng khiếu, trí tuệ ở các môn học như Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý..., mà còn thể hiện được những hiểu biết về các lĩnh vực khác như an toàn giao thông, an toàn trường học, cách ứng xử khi gặp các tình huống trong cuộc sống hằng ngày, lĩnh vực nghệ thuật... Liên hoan thực sự là một sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh học tập và tích cực khám phá tri thức và cuộc sống xung quanh; qua đó nâng cao năng lực hiểu biết, tăng cường kỹ năng sống, kỹ năng hoà nhập cộng đồng. Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Sở GD và ĐT đối với các cơ sở giáo dục trong năm học vừa qua nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường, tạo không khí sôi nổi hăng say học tập, phát triển toàn diện cho học sinh trong các trường tiểu học. Được sự khuyến khích phát huy năng lực cá nhân, các em có cơ hội thể hiện khả năng giao tiếp và hợp tác, hoạt động nhóm, năng khiếu nghệ thuật và vốn kiến thức đã được học tại trường cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Điều đó giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn và tích cực tham gia vào hoạt động của nhà trường, được bày tỏ ý kiến, tăng cường vận dụng kiến thức nhằm giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn, đồng thời góp phần đổi mới mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường hiện nay.

Đội tuyển huyện Trực Ninh ôn luyện trước khi tham dự cuộc thi Phát triển năng lực cho học sinh tiểu học cấp tỉnh.
Đội tuyển huyện Trực Ninh ôn luyện trước khi tham dự cuộc thi Phát triển năng lực cho học sinh tiểu học cấp tỉnh.

Trong những năm qua, nhằm phát hiện và phát huy các khả năng riêng biệt của mỗi học sinh, giúp các em định hướng, khám phá và phát triển tối đa năng lực của bản thân, tự giải quyết những vấn đề trong học tập và cuộc sống, Sở GD và ĐT đã tập trung chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà trường, tăng cường kiểm tra công tác giảng dạy, cải tiến phương pháp dạy học, sao cho mỗi tiết học đều tạo ra sự hứng thú cho học sinh, giúp các em đón nhận kiến thức một cách tự nhiên, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồ dùng dạy học một cách linh hoạt và khoa học giúp các em hình thành kỹ năng quan sát, tạo tư duy lô-gíc... góp phần đưa các kiến thức vào các tiết học đạt hiệu quả hơn. Ví dụ, trong giờ kể chuyện, thông qua việc đưa các hình ảnh minh họa, kể truyện bằng tranh và khuyến khích học sinh sắm vai, kể chuyện…, vừa tạo hứng thú cho học sinh, vừa giúp các em lựa chọn cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống; đồng thời còn rèn luyện cho học sinh biết phát huy tính sáng tạo và cảm nhận về văn học, hình thành năng lực kể chuyện, bồi dưỡng tâm hồn, vốn sống và năng lực văn học, đem lại những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh cho tâm hồn trẻ thơ. Khi học môn kể chuyện, việc triển khai các phương pháp dạy học tích cực, học sinh còn được tích luỹ vốn văn học, mở rộng vốn sống, rèn luyện và phát triển kỹ năng nói và kể trước đám đông một cách có nghệ thuật, khơi dậy tính tư duy hình tượng cho các em. Những năm học vừa qua, ngành cũng đẩy mạnh các phương pháp dạy học tích cực, thí điểm phương pháp “bàn tay nặn bột”, dựa vào các hoạt động tìm tòi, nghiên cứu, khám phá thực tiễn để chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống, từ đó rút ra các kiến thức và hình thành kỹ năng theo yêu cầu dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời, vận dụng mô hình trường học mới vào việc dạy và tổ chức lớp học, trong đó giáo viên đã tập trung chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thụ sang học sinh theo hình thức tự học là chính, phát huy tối đa năng lực tư duy, sáng tạo, vận dụng kiến thức của học sinh. Riêng với phương pháp “bàn tay nặn bột”, đa số học sinh được học theo phương pháp này đã tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập, tự xây dựng kiến thức thông qua khám phá, thử nghiệm, thảo luận, hợp tác với các bạn dưới sự định hướng, giúp đỡ của giáo viên. Học sinh nắm vững kiến thức, phát triển năng lực nhận thức và tư duy sáng tạo; phát triển năng lực quan sát, thực hành; kỹ năng làm việc hợp tác theo nhóm, kỹ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói và viết… góp phần phát triển năng lực tự học, tác phong và thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, lòng yêu thích và say mê khoa học. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đã đưa các hoạt động tạo môi trường ngôn ngữ cho học sinh học tập ngoại ngữ như: Dạy học tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, khuyến khích học sinh đọc và kể chuyện bằng tiếng Anh, thi hùng biện tiếng Anh, thi học sinh giỏi tiếng Anh theo chuẩn quốc tế… với nhiều hình thức phong phú, giúp các em học ngày càng tốt hơn môn Tiếng Anh trong nhà trường. Không chỉ chú trọng nâng cao năng lực cho học sinh thông qua việc giáo dục kiến thức văn hóa, các trường tiểu học còn hưởng ứng tốt cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tăng cường giáo dục thể chất cho các em. Ngoài việc giảng dạy thể dục chính khóa, nhiều trường còn tạo sân chơi cho học sinh thông qua hoạt động đội, nhóm như tổ chức thi đấu các môn thể thao bóng đá, võ thuật, bơi lội, thi văn nghệ, đặc biệt việc tổ chức cho các em chơi các trò chơi dân gian. Đồng thời các trường cũng tích cực đẩy mạnh việc xây dựng vườn trường, góc thiên nhiên trong lớp học, giúp học sinh yêu mến và gần gũi với thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường.

Việc áp dụng các biện pháp phát triển năng lực cho học sinh ở bậc tiểu học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong học kỳ I năm học 2013-2014, ở bậc tiểu học đã có 85% học sinh đạt học lực khá giỏi, 13,8% học sinh có học lực trung bình, chỉ còn 1,2% học sinh có học lực yếu kém. Đa số các em đều tự tin, năng động và từng bước biết áp dụng các kiến thức đã học vào học tập và giải quyết các tình huống trong cuộc sống hằng ngày./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com