Phụ nữ Nghĩa Thành giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

09:05, 01/05/2014

Những năm gần đây, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình góp phần giảm nghèo bền vững được Hội LHPN xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) triển khai hiệu quả, giúp nhiều hội viên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xưởng may thời trang của chị Trần Thị Dâng tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động là hội viên phụ nữ trẻ.
Xưởng may thời trang của chị Trần Thị Dâng tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động là hội viên phụ nữ trẻ.

Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Thành đang quản lý hơn 7 tỷ đồng từ các kênh hỗ trợ, giúp gần 422 phụ nữ nghèo và cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã đã phát động phong trào tiết kiệm tự tạo nguồn vốn, vận động chị em phụ nữ nuôi “lợn nhựa” với hơn 157 triệu đồng cho 15 phụ nữ nghèo vay; nguồn quỹ Hội hiện có 210 triệu đồng giúp 48 phụ nữ nghèo vay... Các nguồn vốn được phân bổ kịp thời đến các hội viên giúp các hội viên nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Để có vốn cho hội viên, Hội đã chủ động khai thác, huy động và quản lý tốt nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH ủy thác với các chương trình cho vay: hộ nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch, vệ sinh môi trường, làm nhà ở, hộ cận nghèo. Hằng năm, Hội tiến hành rà soát, lựa chọn những gia đình hội viên nghèo, những hội viên phụ nữ làm chủ gia đình có hoàn cảnh thật sự khó khăn để xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể từ phương pháp làm ăn, mục tiêu thoát nghèo. Nhờ đó nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo”. Chị Trần Thị Hường chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nguồn sống chính của gia đình nhờ chiếc máy xay xát cũ và vài sào ruộng. Năm 2004, chị được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay 11 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo. Chị đã đầu tư sắm máy xay xát mới để vừa có thêm thu nhập, vừa tận dụng nguồn cám phát triển chăn nuôi lợn, cá, trồng rau. Nhờ đó, đến nay mỗi năm chị có thu nhập bình quân từ 40 đến 50 triệu đồng. Hiện, 3 con của chị đã tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định. Ngoài việc giúp các hội viên về vốn, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với các ngành, đoàn thể của địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT cho hội viên, vận động hội viên thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đưa các giống cây rau màu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: cà chua, bắp cải, dưa lê... Bình quân mỗi năm, Hội Phụ nữ xã mở 3-4 lớp tập huấn kỹ thuật cho hàng trăm hội viên. Năm 2013, Hội đã phối hợp với HTXDVNN, Hội Nông dân xã chuyển giao quy trình kỹ thuật gieo sạ, cách sử dụng các loại phân bón mới, thuốc bảo vệ thực vật cho 368 lượt cán bộ, hội viên. Thôn Hậu Điền có 50 mẫu đất chuyên màu. Do được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc nên vụ xuân năm nay, 100% hội viên phụ nữ thôn đã tham gia trồng cà chua. Nhờ được chăm bón đúng kỹ thuật nên toàn bộ diện tích cà chua phát triển đồng đều. Sản phẩm cà chua được xuất bán cho các siêu thị của Hà Nội, cho thu nhập 10-15 triệu đồng/sào. Nhiều hội viên phụ nữ trồng nhiều, cho thu nhập cao như các chị: Trần Thị Dần trồng 2 mẫu, Trần Thị Lý 12 sào, Trần Thị Lan 7 sào, Trần Thị Mầu 8 sào... Nhờ đó, đời sống hội viên phụ nữ của thôn Hậu Điền ngày càng khấm khá... Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã còn thành lập nhiều tổ, nhóm ngành nghề như tổ may, tổ gia trại nhằm giúp hội viên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn trong sản xuất, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống, vốn, tạo thuận lợi cho hội viên trao đổi, liên kết sản xuất, kinh doanh và giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các thành viên khó khăn. Gia đình chị Trần Thị Dâng trước kia thuộc diện hộ nghèo. Chị học thêm nghề may để có thu nhập ngoài đồng ruộng. Chăm chỉ, khéo tay, lại năng động, sản phẩm của chị được mọi người tín nhiệm. Chị còn tự thiết kế và may các mặt hàng thời trang công sở để gửi bán ở các cửa hàng. Dần dần, chị đã có khách đặt may hàng loạt. Năm 2008, sau khi chồng chị đi xuất khẩu lao động đã có tiền gửi về, chị đã đầu tư mở cơ sở may thời trang theo đơn đặt hàng, thuê thêm 10 người làm. Năm 2010, chị mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có đầu ra ổn định, sản phẩm đẹp, chất lượng nên cơ sở may của chị “ăn nên làm ra”.

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, Hội LHPN xã Nghĩa Thành đã tạo việc làm, thu nhập cho nhiều hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm số hộ nghèo của xã năm 2013 còn 171 hộ, giảm 63 hộ so với năm 2012. Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ trong xã ngày càng được nâng cao, tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên tăng. Năm 2013, Hội Phụ nữ xã kết nạp 39 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn xã lên 1.549 hội viên./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com