Mùa mưa bão năm nay dự báo có diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phương án đối phó với bão lũ nhằm đảm bảo ATGT thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ tốt nhất công tác PCLB-TKCN của tỉnh.
Bến phà Thịnh Long chủ động bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão. |
Ngay từ đầu tháng 3, Sở đã yêu cầu toàn ngành triển khai kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm công tác PCLB năm 2014; từng đơn vị kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, xây dựng chương trình hành động, phương án cụ thể PCLB của đơn vị. Đến nay, ngành GTVT đã hoàn tất công tác rà soát thực trạng hệ thống giao thông trên toàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng các đầu mối giao thông quan trọng để đưa ra các biện pháp PCLB phù hợp. Theo đó, hệ thống quốc lộ (QL), bao gồm tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, QL 21, QL 10 đã đảm bảo phục vụ tốt công tác PCLB-TKCN; riêng đoạn cuối tuyến QL 21 cần quan tâm theo dõi, kịp thời phát hiện sạt lở nền, mặt đường để xử lý sớm; tuyến QL 37B, QL 38B (đoạn từ Hữu Bị - QL 10 và đoạn từ QL 10 đến Phố Cháy) đang thi công nâng cấp, cải tạo nên sẽ khó khăn trong công tác PCLB-TKCN. Đối với hệ thống đường tỉnh, hiện nay đa số đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nên đều đảm bảo phục vụ tốt công tác PCLB. Riêng một số tuyến đang thi công như tỉnh lộ 488C, tỉnh lộ 490C (Km51+000 đến Km55+000), tỉnh lộ 489 (đoạn đê Xuân Châu) và tỉnh lộ 488 đã xuống cấp khó khăn cho công tác bảo đảm giao thông, PCLB-TKCN. Đối với hệ thống đường huyện do công tác duy tu, bảo dưỡng chưa thường xuyên, nhiều tuyến phát sinh ổ gà, cao su, hư hỏng, một số cầu yếu trên các tuyến đường cần được nâng cấp như: cầu Lương Thực trên tỉnh lộ 488 (Trực Ninh), cầu Thức Hóa trên tỉnh lộ 489B (Giao Thủy), cầu Ốc trên Quốc lộ 21 (TP Nam Định)... Các điểm vượt sông như phà Sa Cao - Thái Hạc, bến phà Thịnh Long, cầu phao Ninh Cường, đò Đống Cao và các điểm vượt sông do các huyện quản lý cần được quan tâm vì các phương tiện, thiết bị qua sử dụng nhiều năm cần được sửa chữa, nâng cấp. Từ thực trạng của hệ thống cầu đường, Sở GTVT đã chỉ đạo Cty CP Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Cty CP Xây dựng Hoàng Nam, Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố chủ động tiến hành phát cây xanh, dãy cỏ lề đường, nạo vét cống rãnh, bạt lề, vá ổ gà mặt đường và tập trung xử lý những đoạn đường hư hỏng, phát sinh nhiều cao su, ổ gà; kiểm tra các cầu yếu, tăng cường tuần đường để xử lý các sự cố, các vụ vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Tại các điểm vượt sông như bến phà Sa Cao - Thái Hạc, cầu phao Ninh Cường, các đơn vị cũng tập trung nạo vét âu, kiểm tra hố thế, sửa chữa ca nô, phao, phà và các thiết bị phục vụ công tác bảo đảm giao thông an toàn. Từ ngày 7 đến 15-5, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Sở GTVT tiến hành kiểm tra, rà soát và đôn đốc các đơn vị bảo đảm tiến độ công tác duy tu, sửa chữa các cầu yếu, các phương tiện ca nô, phà... tại các điểm vượt sông, công tác chuẩn bị PCLB-TKCN của các đơn vị; các tuyến đường đang thi công; đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, không để ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước. Sở GTVT đã đề xuất và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thống nhất phương án phân luồng giao thông phục vụ thi công sửa chữa cầu Ốc trên QL 21. Theo đó, thời gian phân luồng là 145 ngày, bắt đầu từ ngày 20-4-2014 đã tổ chức cấm đường trên QL 21 đoạn từ ngã 3 Đặng Xá (Km144+056) đến ngã 3 Lộc Hòa (Km147+200). Sở GTVT đã bố trí hệ thống biển báo hiệu đường bộ, người điều khiển giao thông tại các vị trí để hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông đi đúng hướng đã được phân luồng.
Để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác hộ đê PCLB, hỗ trợ TKCN và khắc phục hậu quả thiên tai, đến thời điểm hiện nay, ngành GTVT đã có kế hoạch chuẩn bị đủ phương tiện vận tải, nhiên liệu, người điều khiển phương tiện. Trước ngày 10-4, các đơn vị đã lập danh sách phương tiện và người lái gửi về Ban Chỉ huy PCLB-TKCN của ngành, cụ thể gồm: Cty CP Đầu tư Liên hiệp vận tải ô tô Hà Nam Ninh 10 xe khách từ 16 chỗ trở lên, Cty CP Xuân Thiệu Nam Định 15 xe khách từ 16 chỗ trở lên, Cty TNHH Ô tô Đại Duy 15 xe khách từ 16 chỗ trở lên, Trường Trung cấp nghề GTVT Nam Định 5 xe tải từ 2,5 tấn trở lên và 1 máy xúc, Trường Trung cấp nghề Đại Lâm 5 xe tải từ 2,5 tấn trở lên, Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định 10 xe khách, 9 xe tải các loại 8 xà lan tự hành. Các đơn vị vận tải sẽ có trách nhiệm điều động người và phương tiện đến địa điểm tập kết, bàn giao cho đơn vị nhận khi có lệnh, trực tiếp kiểm tra đôn đốc, theo dõi quy trình hoạt động theo điều lệnh. Về vật tư dự phòng, Sở GTVT hiện quản lý 7 bộ nhà bạt các loại, 1 xuồng cao tốc ST450, 660 phao tròn cứu sinh, 5 phao bè composite, 50 phao áo cứu sinh. Tại kho của Cty CP Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định có 2 bộ dầm belley dài 24 đến 30m, 1 dầm dự phòng dài 30m, 1 cầu úp 6m. Các vật tư dự phòng được các đơn vị quản lý kiểm tra số lượng, chất lượng, bảo dưỡng bảo đảm sử dụng được ngay khi cần huy động. Ngoài ra, còn 4 chiếc ca nô công suất từ 90 đến 135CV hoạt động tại các điểm vượt sông, sẵn sàng nhận lệnh huy động phục vụ công tác PCLB-TKCN. Tại những điểm dễ xảy ra sụt, trượt nền đường, các cung, hạt quản lý giao thông đều chủ động dự trữ vật tư PCLB, với khối lượng khoảng 120m3 đá các loại, 150m3 đất thịt, 5-7 cưa. Các bến vượt sông đều dự trữ dầu diezen với khối lượng 4.000 lít/bến và 350m cáp các loại, 280kg chão ni lông, xà beng, cuốc chim, đèn bão, sào chống… Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động bố trí, sắp xếp, chuẩn bị các điều kiện hậu cần thiết yếu gồm vật chất, cơ số thuốc, phòng y tế phục vụ công tác PCLB và TKCN.
Hiện nay, Sở GTVT đang tập trung phối hợp với Cty CP quản lý đường sông số 5, lực lượng Cảnh sát đường thủy tập trung kiểm tra hoạt động của các cầu phao, bến phà, bến đò, nhất là các phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn; kiên quyết không cho các chủ phương tiện vận chuyển khách sang sông trong điều kiện thời tiết xấu như giông, bão, lũ lớn và bố trí bộ phận trực đối với các công trình đặc thù... khi thời tiết diễn biến phức tạp. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép và hoạt động của các phương tiện vận tải thủy, các bến phà, đò ngang; tổ chức thông tin báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ cho người điều khiển phương tiện giao thông. Sở GTVT cũng đã yêu cầu đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn cùng với việc kiểm tra các tuyến đường sắt các khu vực dốc, cầu yếu có nguy cơ sạt lở, ách tắc trong mùa mưa bão, chủ động bố trí vật tư, thiết bị, nhân lực nhằm đối phó với các sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa bão. Theo đó, ngành đường sắt sẽ tổ chức các đội xung kích PCLB chốt gác 24/24h tại các khu vực xung yếu, công trình trọng điểm để ứng phó kịp thời với sự cố. Đối với các vi phạm về pháp luật đê điều thuộc phạm vi quản lý của ngành GTVT, sẽ được các cấp, ngành tập trung kiểm tra, ngăn chặn, xử phạt những xe cơ giới quá tải trọng cho phép lưu thông trên các tuyến đê, kể cả các đoạn đê chưa được củng cố, nâng cấp. Từ nay đến hết mùa mưa bão, toàn ngành sẽ duy trì chế độ thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm gây ảnh hưởng đến chất lượng công tác PCLB-TKCN. Thực hiện nghiêm quy định về chế độ trực PCLB trong suốt mùa mưa bão. Toàn ngành GTVT quyết tâm thực hiện công tác PCLB-TKCN theo phương châm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân khi có thiên tai xảy ra, bảo đảm giữ gìn hệ thống giao thông thông suốt, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy