Toàn tỉnh hiện có 510 nghìn trẻ em từ 0-16 tuổi. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) ở tỉnh ta đã có chuyển biến tích cực, các quyền cơ bản của trẻ em ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Tuy nhiên, công tác BVCSTE vẫn còn một số khó khăn, trong đó có tình trạng nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, năm 2013, toàn tỉnh có 457 trẻ em bị tai nạn, thương tích (trong đó có 29 trường hợp bị tử vong). Để tăng cường công tác bảo vệ và chủ động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, Sở LĐ-TB và XH đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, trong đó chú trọng đến công tác nâng cao năng lực, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên (CTV) làm công tác BVCSTE.
Cô và trò Trường Mầm non Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Toàn tỉnh hiện có 3.707 CTV BVCSTE ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố và cán bộ BVCSTE ở 229 xã, phường, thị trấn. Trước đây, CTV BVCSTE thôn, xóm là chi hội trưởng Phụ nữ hoặc tổ trưởng dân phố, cán bộ y tế xã kiêm nhiệm, hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Từ năm 2013, thực hiện Đề án của UBND tỉnh về xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE ở thôn, xóm, tổ dân phố, Sở LĐ-TB và XH đã hướng dẫn Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố kiện toàn đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE là chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn, xóm kiêm nhiệm. Đội ngũ này có nhiệm vụ giúp Ban bảo vệ trẻ em cấp xã thu thập số liệu và theo dõi tình hình BVCSTE trên địa bàn phụ trách; phát hiện và báo cáo các trường hợp trẻ em bị xao nhãng chăm sóc, bị xâm hại, bóc lột sức lao động, bị bạo lực, bị tai nạn thương tích…; thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn về BVCSTE cho gia đình và cộng đồng; cung cấp và kết nối các dịch vụ chăm sóc, giáo dục, phục hồi và hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE đã góp phần tạo thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả, kịp thời các hoạt động BVCSTE. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE. Từ năm 2013 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình hành động, mục tiêu và định hướng trong BVCSTE của tỉnh cho 120 cán bộ là thành viên ban đại diện và cán bộ làm công tác BVCSTE cấp tỉnh và các huyện, thành phố; 14 lớp tập huấn cho 2.425 CTV làm công tác BVCSTE và 2 lớp tập huấn cho hơn 300 cán bộ LĐ-TB và XH và cán bộ chuyên trách dân số, gia đình, trẻ em các xã, phường, thị trấn. Tại các lớp tập huấn, học viên được bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về công tác BVCSTE như: truyền thông bảo vệ trẻ em, phòng tránh trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chăm sóc sức khoẻ trẻ em, chế độ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em, các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em… Ngoài ra, Sở LĐ-TB và XH còn biên soạn, in ấn và phát tài liệu phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho đội ngũ cán bộ, CTV BVCSTE. Thực tế cho thấy, trẻ em bị tai nạn thương tích nhiều nhất là do ngã, tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngộ độc, súc vật cắn… Các vụ tai nạn thường xảy ra tại các nơi công cộng (chiếm hơn 65%); xảy ra tại nhà (khoảng 30%), tập trung từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Tai nạn thương tích gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ bởi đây là giai đoạn trẻ phát triển về tâm, sinh lý và thể lực, đặc biệt nghiêm trọng nhất là tai nạn đuối nước thường dẫn đến tử vong. Trong các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích trẻ em, nguyên nhân đầu tiên là do cha mẹ và người thân trong gia đình thiếu quan tâm, quản lý các em chặt chẽ, nhất là dịp nghỉ hè. Trẻ em vốn hiếu động, thích leo trèo, nô đùa, tắm ở ao hồ, sông không nhận thức hết được những nguy hiểm có thể xảy ra. Ở vùng nông thôn, nhiều gia đình có thói quen để con ở nhà tự chơi, không có sự trông nom của người lớn nên đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, chỉ một chút lơ là, xao nhãng của người lớn, trẻ có thể ngậm, nuốt đồ chơi, đồ vật gây tai nạn, hoặc bị chấn thương do leo trèo, bị chó, mèo cắn; hoặc nghịch thiết bị điện, phích nước… do vậy các bậc phụ huynh cần chú ý quản lý chặt chẽ con em mình, nhất là trong dịp nghỉ hè.
Để tăng cường công tác phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, ngày 3-4-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2015. UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tập trung vào Tháng hành động vì trẻ em. Sở LĐ-TB và XH đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ, CTV, cha mẹ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; các phương pháp sơ cứu thông thường khi xảy ra tai nạn thương tích ở trẻ em; đưa nội dung này vào hoạt động ngoại khoá của các trường tiểu học và THCS. Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, cải tạo môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ em. Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, tổ chức dạy bơi cho học sinh trong dịp hè; hướng dẫn trẻ em sử dụng áo phao, phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước. Sở GD và ĐT đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp - an toàn” trong các trường tiểu học, THCS; phối hợp với các ngành thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích, bị tử vong do tai nạn từ 10-15% trẻ em/năm; 70% số hộ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em, 100% cán bộ làm công tác BVCSTE huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn được tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; có 30% trẻ em lứa tuổi tiểu học, 40% trẻ em lứa tuổi THCS biết bơi và có khả năng tự cứu đuối; ít nhất 70% trẻ em sử dụng áo phao hoặc cặp phao khi tham gia giao thông đường thủy. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện./.
Bài và ảnh: Minh Tân