Tại các phiên tòa, hội thẩm nhân dân (HTND) có vai trò quan trọng đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động xét xử, góp phần giúp việc xét xử của Tòa án diễn ra công bằng, chính xác, khách quan. Trong quá trình xét xử, các vị HTND cùng với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tích cực thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật; phát hiện những thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước, những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phát sinh tội phạm và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của HTND ở tỉnh ta còn gặp khó khăn, chế độ bồi dưỡng eo hẹp chưa khuyến khích được họ chuyên tâm cho hoạt động hội thẩm; trình độ pháp lý của HTND chưa đồng đều, một số HTND chưa chuyên tâm đến việc nghiên cứu cáo trạng, các văn bản pháp luật liên quan nên chất lượng hoạt động chưa cao. Vai trò của HTND trong các phiên tòa chưa thể hiện rõ nét.
Các vị hội thẩm TAND Thành phố Nam Định tại một phiên tòa. |
Để nâng cao chất lượng hoạt động của HTND, bước vào nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh đã quan tâm làm tốt công tác lựa chọn và bầu Đoàn hội thẩm TAND tỉnh đảm bảo số lượng, chất lượng. Đến nay, tổng số hội thẩm ngành TAND tỉnh gồm 240 người, trong đó có 30 hội thẩm TAND cấp tỉnh và 210 hội thẩm TAND cấp huyện. Các HTND đều hoạt động kiêm nhiệm trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh như: HĐND, Ủy ban MTTQ, LĐLĐ tỉnh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu giáo chức, Liên minh HTX… So với nhiệm kỳ trước, HTND được bầu chọn có sự đổi mới về cơ cấu và chất lượng. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Hội thẩm, Thường trực HĐND tỉnh luôn chú trọng giám sát, kiểm tra, đôn đốc TAND tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét xử, trang bị các văn bản pháp luật cần thiết phục vụ cho công tác xét xử cho các vị hội thẩm, cũng như đảm bảo về điều kiện để hội thẩm nghiên cứu hồ sơ thanh toán các chế độ theo luật định. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho ngành TAND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ công tác xét xử và thực hiện chế độ chính sách đối với hội thẩm TAND, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với Hội thẩm TAND từ nguồn ngân sách của tỉnh đối với Đoàn Hội thẩm TAND hai cấp. Trong đó hỗ trợ phụ cấp đối với trưởng Đoàn Hội thẩm TAND bằng 0,2; phó trưởng Đoàn bằng 0,15 và thành viên Đoàn bằng 0,1 mức lương tối thiểu chung/người/tháng. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Đoàn Hội thẩm TAND tỉnh và TAND thành phố, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn vị/năm; TAND huyện, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể có cán bộ, công chức là hội thẩm tạo điều kiện về thời gian, công việc để các hội thẩm tham gia xét xử khi được phân công và các hoạt động tập huấn nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, với trách nhiệm của mình, ngành TAND tỉnh đã thực hiện đầy đủ chức năng quản lý, hỗ trợ hội thẩm và các Đoàn Hội thẩm. Việc phân công HTND tham gia xét xử, nghiên cứu hồ sơ được TAND tỉnh và các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc, nhất là các vị hội thẩm đương chức; thường xuyên tiếp thu ý kiến của các vị HTND phản ánh những bất cập trong công tác hội thẩm để kịp thời điều chỉnh. Bên cạnh đó, TAND tỉnh duy trì công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các vị HTND trong toàn ngành. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TAND tỉnh đã tổ chức 5 đợt tập huấn nghiệp vụ cho các vị hội thẩm TAND 2 cấp với gần 1.000 lượt hội thẩm tham gia; thường xuyên đổi mới phương pháp, nội dung tập huấn; bố trí giảng viên là Chánh án và Phó Chánh án TAND 2 cấp tham gia giảng dạy, trong đó đưa những vụ án cụ thể làm bài học thực tế, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật. Để trao đổi nâng cao trình độ, kỹ năng xét xử, TAND tỉnh giao cho các tòa chuyên trách tập hợp những bản án bị hủy hoặc cải sửa hằng năm để các vị hội thẩm nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Ngoài ra, TAND tỉnh còn thường xuyên trang bị các bộ luật cơ bản và các văn bản pháp luật mới, bố trí nơi nghiên cứu hồ sơ, trang phục cho HTND khi tham gia xét xử…
Với việc tăng cường các điều kiện đảm bảo hoạt động của HTND, đội ngũ hội thẩm đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từ đầu năm đến nay, các vị hội thẩm trong toàn ngành đã tham gia xét xử sơ thẩm trên 1.000 vụ án các loại, tham gia 40 vụ án xét xử lưu động. Tại các phiên tòa, các vị HTND đã thể hiện tiếng nói của nhân dân thông qua việc thẩm vấn, tranh tụng với các câu hỏi đúng trọng tâm, đánh giá các tình tiết vụ án khách quan, xác định chính xác tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; kiên quyết đấu tranh với những tội phạm nguy hiểm, đối tượng chủ mưu cầm đầu, từ đó cùng Thẩm phán chủ toạ phiên toà nghị án và quyết định về hình phạt một cách nghiêm minh, khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Trọng