Những năm trước, công tác hòa giải ở huyện Mỹ Lộc chưa được quan tâm đúng mức; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thấy hết hiệu quả của công tác hòa giải trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở nên chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho hoạt động này. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác hòa giải có nơi còn thiếu chặt chẽ, nặng về hình thức, chưa huy động được đông đảo các thành viên tham gia; một số hoà giải viên chưa thực sự nhiệt tình trong công tác hoà giải; nhiều vụ việc hoà giải không dứt điểm, còn nể nang, đùn đẩy, né tránh dẫn đến hiệu quả và chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở chưa cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ mâu thuẫn phức tạp kéo dài làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Cán bộ hòa giải tổ dân phố Nam Lê Xá cùng Công an Thị trấn Mỹ Lộc bàn biện pháp công tác. |
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, huyện Mỹ Lộc đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cơ sở, đồng thời tập trung tạo điều kiện cho các tổ hoà giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 137 tổ hoà giải ở 137 thôn, xóm, tổ dân phố của 11 xã, thị trấn với tổng số 959 hoà giải viên là những người có phẩm chất đạo đức, có uy tín và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã chủ động nắm bắt tình hình vụ việc, kịp thời hoà giải các tranh chấp nhỏ ngay tại thôn, xóm. Để tạo điều kiện cho các tổ hòa giải hoàn thành tốt nhiệm vụ, định kỳ hằng năm, Phòng Tư Pháp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho các hoà giải viên ở cơ sở; cung cấp tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ và sách pháp luật để phục vụ cho công tác hoà giải; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý cho nhân dân; lồng ghép hoạt động hòa giải với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Xây dựng làng văn hoá ”… Định kỳ hằng quý, Phòng Tư pháp huyện, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ giữa các tổ hòa giải của địa phương và các xã lân cận để các hòa giải viên có cơ hội trao đổi nghiệp vụ, nâng cao khả năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống. Sau khi Luật Hòa giải cơ sở có hiệu lực, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức tập huấn cho 200 cán bộ, công chức tư pháp, trưởng ban công tác Mặt trận và hòa giải viên cơ sở những nội dung cơ bản của luật, kỹ năng hòa giải, cách giải quyết tình huống để giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư. Thông qua lớp tập huấn, các hòa giải viên đều nắm được những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải cơ sở, kỹ năng cần thiết trong công tác hòa giải để áp dụng vào thực tiễn, góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh, kịp thời ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương gắn kết tình làng nghĩa xóm. Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải trong huyện đã tổ chức hòa giải gần 200 vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân; tổ chức tuyên truyền pháp luật và các văn bản dưới luật, nhằm phòng ngừa, hạn chế đối tượng vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó Thị trấn Mỹ Lộc là một trong những địa bàn thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Ngoài ban hòa giải thị trấn còn có 11 tổ hòa giải ở các khu dân cư với 85 thành viên là những người đang công tác tại các ngành, đoàn thể và ở các tổ dân phố của thị trấn, những người có uy tín tại địa phương. Mỗi khi tại địa bàn dân cư có xảy ra mâu thuẫn, các thành viên tổ hòa giải nhanh chóng đến nơi xảy ra vụ việc xác minh, tìm hiểu nguyên nhân, thảo luận và phân công thành viên gặp gỡ, thuyết phục. Trong quá trình hòa giải, các thành viên đều khéo léo vận dụng cả lý và tình để thuyết phục các đối tượng, việc đơn giản thì áp dụng tình làng nghĩa xóm để giảng hòa, vụ việc căng thẳng thì dùng luật để giáo dục, răn đe... nên hầu hết các vụ việc xảy ra ở địa phương đều được hòa giải thành. Ông Lê Quang Huệ, thành viên tổ hòa giải tổ dân phố Nam Lê Xá cho biết, từ năm 2013 đến nay, tổ đã hòa giải thành công cả 3 vụ việc. Thông qua hoạt động hòa giải, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn khác ở Thị trấn Mỹ Lộc đã được giải quyết ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành các vụ việc lớn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, thời gian tới huyện Mỹ Lộc củng cố, kiện toàn đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trang bị phương tiện hỗ trợ, tài liệu pháp luật cho hoà giải viên. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân; trong đó, chú trọng hình thức PBGDPL thông qua sinh hoạt của các CLB nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân, góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng