Để có thêm thu nhập phụ giúp khoản chu cấp của gia đình, trang trải cuộc sống và học tập, rất nhiều sinh viên chấp nhận mọi cơ hội tìm việc làm thêm, từ phục vụ chạy bàn ở các quán cà phê, quán cơm đến bán hàng, gấp tiền vàng, rửa xe… Chịu khó đi làm, vừa có thêm thu nhập, phần nữa tích lũy kinh nghiệm để tìm việc làm khi ra trường.
Ngô Thị Hà Giang, sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Nam Định có việc bán hàng quần áo 6 tiếng/ngày cho shop quần áo Iberis trên đường Hàn Thuyên (TP Nam Định). Giang mới nhận công việc được hơn 1 tháng. Ngay từ năm học thứ 2, Giang đã đi làm thêm, vì vậy cô sinh viên trẻ trải qua khá nhiều “nghề” với vốn kinh nghiệm… dày dặn: “Em đã từng có thời gian đi bưng bê cà phê, nhưng môi trường làm việc không hợp, em xin vào một cơ sở làm hàng mã gấp tiền vàng. Bỏ “tiền vàng” em… thành nhân viên bán quần áo. Em thích công việc này vì tương đối nhàn, lại hay được ngắm... quần áo đẹp. Với em, mục đích kinh tế không quá nặng, em đi làm là để rèn luyện, đánh giá sự năng động của bản thân, tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị cho công việc ngành mình theo học trước khi ra trường”, Giang vui vẻ tâm sự. Hiện, Giang đảm nhận ca bán hàng chiều, từ 3-9 giờ tối, công 40.000 đồng/ca, trả theo tháng. Ngoài lương, Giang không được nhận bất cứ khoản thưởng nào khác. Đi làm, Giang đều mang theo sách vở tranh thủ lúc không có khách, ôn bài. “Shop này người quản lý khá thoải mái, nhân viên không bị “soi” dù lương hơi thấp. Có nhiều shop chủ gắn ca-mê-ra để theo dõi, quản lý nhân viên, hàng hóa, khiến nhân viên nhiều khi ức chế lắm”, Giang bộc bạch.
Vũ Thị Hương, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Nam Định tranh thủ làm thêm ngoài giờ lên lớp. |
Hiện, trong thành phố, hầu như các cửa hàng bán quần áo nào cũng thuê nhân viên bán hàng, trong đó đa phần là sinh viên. Mặt bằng tiền công, dao động trong khoảng 1,2-2 triệu đồng/người/tháng. Một số shop còn có chỗ ngủ cho nhân viên, cho ăn bữa trưa hoặc tối. Tuy nhiên, theo Giang, “lương của nhân viên bán hàng quần áo hiện quá “bèo”. Tuy vậy, chi phí sinh hoạt cũng không quá cao, hơn nữa, nếu không đi làm, thời gian đó đối với chúng em nhiều khi cũng chả làm gì rất lãng phí”. Tiền kiếm được khó khăn nên Giang cũng tiết kiệm, mặc dù đến tận 9 giờ tối mới hết ca làm, Giang không ăn thêm quà vặt ở ngoài. Về đến nhà, Giang tất bật cắm cơm, tranh thủ tắm, giặt, học bài chờ cơm chín. 1 ngày bình thường của Giang kết thúc vào khoảng 12 rưỡi đêm.
Hoàn cảnh kinh tế gia đình tương đối khá giả so với nhiều sinh viên khác trong lớp nhưng Vũ Thị Hương, bạn cùng lớp với Giang quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn xoay như “chong chóng” hết đi học, lại làm thêm. Hơn 1 năm nay, Hương và một chị cùng phòng trọ nhận gấp giấy tiền cho một cơ sở bán hàng mã trên đường Trần Hưng Đạo. Mỗi ngày, Hương gấp được khoảng 7-8 túi vàng, mỗi túi gồm 10 cọc, 1 cọc là 10 sấp. Với mỗi túi tiền, vàng gấp hoàn chỉnh, Hương được trả công 4.000 đồng/túi. Công việc đơn giản, chỉ đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, Hương thường tranh thủ buổi trưa không ngủ, khoảng thời gian đầu tối chưa học bài để làm. Ngày thứ 7, chủ nhật không phải đi học, sáng ngủ dậy, mỗi người một góc phòng ai cũng “nhoay nhoáy” gấp vàng. Có thể nhận hàng, giao hàng bất cứ khi nào mình muốn, công việc nhàn, ít phải đi lại, va chạm, nhưng tiền công thấp, lại thường chậm trễ thanh toán nên Hương không hào hứng lắm với công việc hiện tại.
Mới học năm thứ 2, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định nhưng Vũ Thị Nga ở Lý Nhân (Hà Nam) được bạn bè cùng lớp coi như “lão làng” có thâm niên đi làm thêm. “Gia đình khó khăn, em là chị của 3 đứa em nữa nên bố mẹ phải rất vất vả để nuôi chúng em ăn học. Vào đại học, em xác định sẽ đi làm thêm ngay để đỡ đần cho bố mẹ. Năm học đầu tiên em xin đi bán dép cho một cửa hàng trên đường Nguyễn Du. Với công việc lau dọn các kệ dép, bán hàng, em được trả lương 25.000 đồng/buổi. Năm nay, em xin vào làm phục vụ chạy bàn ở quán ăn trên đường Đông A”. Hằng ngày, Nga bắt đầu công việc từ 4 giờ chiều cho đến 10 giờ tối. Ngoài ăn bữa tối Nga được trả công 40.000 đồng/ca. “Từ chiều thứ 6 đến chủ nhật, các nhà hàng đều rất đông khách. Khi đó, bọn em không có thời gian nghỉ ngơi, chạy bàn liên tục. Nhân viên phải chủ động thay nhau để ăn cơm. Thời gian đầu mới làm việc chưa quen, em mệt rã rời. Về đến nhà, chân tay mỏi nhừ, người bốc toàn mùi… đồ nướng”, Nga tâm sự. Làm được một thời gian, Nga cũng bắt nhịp dần với công việc, “tính đi tính lại chạy bàn có vất vả hơn bán hàng một chút nhưng bù lại em được ăn thêm bữa tối, cũng đỡ phần nào chi phí sinh hoạt”. Mặc dù vậy, Nga không có ý định gắn bó lâu dài với công việc, “đến mùa hè em sẽ xin nghỉ việc để tranh thủ nghỉ hè về nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Vào năm học mới, em sẽ xin một việc khác vì công việc ở quán nướng chiếm mất khá nhiều thời gian ảnh hưởng đến việc học tập. Để cân đối, em toàn phải tranh thủ học trên lớp”.
Tùy vào hoàn cảnh, mỗi sinh viên có một mục đích riêng để đi làm thêm, nhưng tựu chung, ngoài việc giúp sinh viên có thêm thu nhập, làm thêm còn tạo điều kiện để họ rèn luyện nhiều kỹ năng thực tiễn cần thiết, thậm chí tìm được các cơ hội phát triển sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đi làm theo trào lưu nên chưa chú ý lựa chọn những công việc phù hợp với chuyên môn ngành học để bổ sung kiến thức cho mình. Mặt khác cũng có nhiều bạn “chạy sô” làm thêm ảnh hưởng đến thời gian học tập.
Sinh viên đi làm thêm là xu hướng tất yếu. Song làm thế nào để việc làm thêm phát huy hiệu quả tích cực, không ảnh hưởng đến việc học tập là vấn đề cần được sinh viên quan tâm, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên các trường cần quan tâm và có các chương trình hoạt động tư vấn thiết thực, để thực sự “đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân