Mô hình cung cấp dịch vụ CSSKSS cho công nhân các khu công nghiệp

08:05, 12/05/2014

Hiện nay, do điều kiện và môi trường làm việc, công nhân tại các KCN, nhất là các nữ công nhân bị hạn chế kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS), sức khỏe tình dục và các kỹ năng xã hội cần thiết… trong khi phần đông trong số họ ở độ tuổi sinh sản.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2,5 vạn công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, trong đó khoảng 60% là nữ. Những năm qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền về dân số và chăm lo sức khỏe cho công nhân nói chung, công nhân nữ nói riêng tại các KCN như: tuyên truyền về chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, trong đó có nội dung về chế độ thai sản; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám và điều trị các bệnh phụ khoa cho chị em; cấp phát tờ rơi có nội dung về CSSKSS, các biện pháp tránh thai; tuyên truyền dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và phòng, chống HIV/AIDS; nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về công tác dân số - KHHGĐ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy kèm theo… Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa xứng với yêu cầu do chưa có mô hình chăm sóc một cách đồng bộ, hoạt động tuyên truyền và CSSKSS chưa thường xuyên. Vấn đề CSSKSS lại chưa nhận được sự quan tâm thực sự của một số ban, ngành, đoàn thể, nhất là lãnh đạo các doanh nghiệp. Theo báo cáo sơ bộ kết quả thu thập thông tin về nhu cầu sử dụng các dịch vụ dân số - KHHGĐ của người lao động nhập cư và gia đình họ tại các KCN do Tổng cục Dân số - KHHGĐ tiến hành năm 2013 tại các KCN, khu chế xuất thuộc các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, phần đông công nhân đã nghe đến vấn đề SKSS-KHHGĐ; trong đó tỷ lệ đã được nghe về SKSS cao nhất là ở tỉnh ta (72,5%). Nhu cầu CSSKSS cho công nhân, nhất là công nhân nữ là rất lớn và hết sức cần thiết, trong khi đó từ trước tới nay các ngành chức năng chưa thực hiện một mô hình toàn diện nào về vấn đề này. Trước thực tế đó, năm 2014, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình cung cấp dịch vụ CSSKSS và phương tiện tránh thai cho công nhân ở các KCN tại Nam Định, Nghệ An và Long An. Để mô hình triển khai đạt hiệu quả thiết thực, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng hoàn thiện mô hình. Theo đó, mô hình sẽ bao gồm nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức nói chuyện chuyên đề định kỳ cho công nhân; thành lập các CLB CSSKSS tiền hôn nhân; các trung tâm tư vấn, khám, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ CSSKSS… cho công nhân lao động tại các KCN, giúp công nhân nâng cao nhận thức, hiểu biết, có hành vi đúng trong việc CSSKSS-KHHGĐ và có thể chủ động đến các trung tâm khi cần tư vấn. Điểm thu hút của mô hình là các CLB với mục đích cung cấp thông tin về SKSS, giúp công nhân có được kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ, CSSKSS cho bản thân và nâng cao năng lực để trở thành tuyên truyền viên trong lĩnh vực CSSKSS cho bạn bè, đồng nghiệp. Để việc triển khai mô hình đạt kết quả tốt, ngành dân số sẽ phân loại đối tượng, từ đó lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với nhu cầu. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp có đông nữ công nhân trong độ tuổi sinh đẻ, nội dung tuyên truyền sẽ tập trung vào các vấn đề: Làm mẹ an toàn, dinh dưỡng cho con, CSSKSS-KHHGĐ…; nếu ở doanh nghiệp có cả nam và nữ công nhân, nội dung tuyên truyền tập trung vào vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, tình dục an toàn… Thay vì tuyên truyền một chiều theo hướng thụ động, mô hình hướng đến tuyên truyền theo hướng hỏi - đáp, tư vấn trực tiếp để giải đáp những băn khoăn của công nhân, tăng tính tương tác giữa các bên đối thoại để người nghe chủ động tiếp nhận thông tin và chuyển đổi hành vi sau khi đã nâng cao nhận thức. Với mô hình thử nghiệm này, để đảm bảo mang lại hiệu quả cao, Tổng cục Dân số - KHHGĐ sẽ vận động chính quyền và các tổ chức đoàn thể như: LĐLĐ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ địa phương và lãnh đạo các KCN tham gia.

Để chuẩn bị cho việc triển khai mô hình tại tỉnh ta, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đang phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh và các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát, đánh giá về nhu cầu CSSKSS của công nhân; chọn một số doanh nghiệp có đông nữ công nhân để xây dựng kế hoạch cụ thể trình Tổng cục Dân số - KHHGĐ phê duyệt. Đặc thù của tỉnh ta là đã có các KCN tập trung, công nhân sống gần khu dân cư nên việc tuyên truyền, vận động sẽ thuận lợi. Tới đây, khi mô hình được triển khai, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh sẽ tập trung huy động nhân lực, vật lực để mô hình thực sự đạt được kết quả cao, góp phần CSSKSS cho công nhân lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua mô hình còn nhằm đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách đối với công nhân các KCN. Dự kiến năm 2015 mô hình sẽ được triển khai trên diện rộng./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com