Hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới ở tỉnh ta

03:05, 17/05/2014

Năm 2009, Bộ GD và ĐT ban hành Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Chương trình GDMN mới gồm 9 chủ đề phân bổ trong 35 tuần của năm học. Để thực hiện các chủ đề trong chương trình, giáo viên các nhà trường phải tích cực làm đồ dùng, đồ chơi, nghiên cứu bài soạn, chọn bài giảng, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ và đặc điểm của vùng, miền. Tại tỉnh ta, qua 4 năm thực hiện chương trình, học sinh ở các trường mầm non đã được chủ động khám phá, trải nghiệm từ hoạt động học đến hoạt động góc vui chơi trong lớp. Nhờ đó, giúp trẻ tự tin, mạnh dạn, chủ động tiếp cận kiến thức, biết cách tư duy và được trang bị các kỹ năng tự giải quyết một số việc đơn giản trong học tập và sinh hoạt hằng ngày.

Giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) hướng dẫn các cháu lắp ghép, tạo hình các loại đồ chơi.
Giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) hướng dẫn các cháu lắp ghép, tạo hình các loại đồ chơi.

Với tổng số 264 trường mầm non trong tỉnh, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo 100% các trường thực hiện tốt chương trình GDMN mới. Riêng lớp mẫu giáo 5 tuổi có 870 lớp và 28.963 trẻ 5 tuổi thực hiện hiệu quả, chất lượng chương trình GDMN mới theo quy định. Dựa vào chương trình khung của Bộ GD và ĐT, ngành GD và ĐT tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về chương trình GDMN mới, các lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin, làm đồ dùng, đồ chơi… và chỉ đạo các nhà trường khuyến khích đội ngũ giáo viên học tập, nâng cao kiến thức tin học, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDMN mới. Ở hầu hết các trường mầm non, ban giám hiệu nhà trường đều chú trọng xây dựng kế hoạch hoạt động của các tổ chuyên môn, lựa chọn, kiểm tra bài giảng của giáo viên và kịp thời bổ sung những thiếu sót trong giảng dạy, từ đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Các nhà trường cũng đã tích cực tổ chức các hoạt động lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, các hoạt động phát triển các lĩnh vực cho trẻ, khuyến khích giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi và thực hiện xây dựng môi trường giáo dục, tạo góc chơi phù hợp, nội dung phong phú, trò chơi hấp dẫn theo từng chủ đề. Trẻ đến trường đều được theo dõi, đánh giá sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ và tình cảm xã hội. Với nội dung xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với từng chủ đề, các trường đã tận dụng nguyên liệu sẵn có để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; tạo góc chơi phù hợp, nội dung phong phú, trò chơi hấp dẫn theo từng chủ đề để trẻ được học tập, vui chơi, tìm tòi khám phá kiến thức theo chủ đề, giúp trẻ bộc lộ khả năng của bản thân và ngày càng mạnh dạn, tự tin, phát huy vai trò chủ động sáng tạo trong các hoạt động. Để tổ chức các hoạt động này, giáo viên trong các nhà trường đều xác định rõ mục đích, tác dụng của mỗi loại tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi để giúp trẻ tích cực khai thác, tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách chơi, đáp ứng việc cung cấp và củng cố kiến thức, kỹ năng cho trẻ. Từng loại đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề đều được các cô giáo hướng dẫn theo các bước (mở đầu, khám phá, kết thúc) và theo chủ đề để đưa vào các hoạt động học, chơi trong lớp và ở ngoài trời. Với việc linh hoạt lồng ghép các hoạt động, đã kích thích trẻ tích cực tìm ra các chức năng sử dụng đồ dùng, đồ chơi. Điển hình như trẻ sẽ được dạy kỹ năng thêm bớt, nhận biết, phân biệt, so sánh… qua chủ đề “cửa hàng”; hoặc trong tiết học về âm nhạc, giáo viên đã lồng ghép nội dung về toán như: đếm số lượng người tham gia học hát, số người tham gia học múa ở trong lớp… Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình GDMN mới, các nhà trường đã chú ý hơn đến việc lựa chọn những hoạt động gần gũi, thiết thực với cuộc sống của trẻ như: Dạy kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp - ứng xử, kỹ năng giải quyết xung đột, kiềm chế cảm xúc… Các trường, phòng và Sở GD và ĐT thường xuyên tổ chức các hội thi: “Giáo viên nuôi dạy giỏi”, “Trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề, nhóm lớp”, “Thi đồ dùng, đồ chơi tự làm”, “Bé khỏe”…, tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc tạo cảnh quan môi trường xung quanh lớp học cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình GDMN mới trong các nhà trường. Nhiều trường đã trích kinh phí, vận động phụ huynh cùng tham gia, tạo môi trường thân thiện cho trẻ như: Xây dựng bồn hoa, cây cảnh, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, xây dựng sân khấu ngoài trời… với những kiến thức được học và phát huy hiệu quả tinh thần học nhóm của trẻ, từ đó giúp trẻ tự tin, sáng tạo, kích thích trẻ khám phá, trải nghiệm cuộc sống qua môi trường giáo dục gần gũi “học mà chơi, chơi mà học”, giúp trẻ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Để nâng cao chất lượng GDMN, đáp ứng chương trình GDMN mới, ngành GD và ĐT đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giáo dục phục vụ bậc học mầm non. Các huyện, thành phố quy hoạch đất để xây dựng, mở rộng trường mầm non đảm bảo diện tích theo Điều lệ Trường mầm non. Đến nay trong các trường mầm non đã có 2.891/3.515 phòng học kiên cố, đạt 82,2%, đồng thời các địa phương đã nâng cấp, cải tạo và xây mới 180 phòng học, 38 bếp ăn, 40 công trình nước sạch, 170 công trình vệ sinh; toàn tỉnh có 124 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt 47%. Bên cạnh đó, các trường mầm non cũng đã phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Hiện, tất cả các trường mầm non đều tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi phù hợp với điều kiện của từng trường, tạo thành phong trào thi đua trang trí môi trường giáo dục, đảm bảo nuôi dạy và chăm sóc trẻ hiệu quả.

Hiện tại, với tổng số 849 lớp nhà trẻ, 2.284 lớp mẫu giáo trong toàn tỉnh, tỷ lệ trẻ được nuôi ăn bán trú đạt 92,8%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 98,1%. Tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp ổn định, đạt 100%, trẻ ra nhà trẻ đạt 45,1%, mẫu giáo 3, 4 tuổi đạt 95%. Theo khảo sát của Sở GD và ĐT, hầu hết trẻ học chương trình GDMN mới đạt kết quả tốt về phát triển nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, thể chất… Trẻ ngày càng tự tin, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong hoạt động, được thực hành, trải nghiệm trực tiếp bằng các giác quan, hoạt động nhóm… và có cơ hội bộc lộ khả năng của bản thân, đáp ứng tốt chương trình GDMN mới./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com