Ca dao có câu “Tháng Tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”. Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc Tết Đoan Ngọ, song ở Việt Nam nhìn chung đều gọi là “Tết giết sâu bọ”. Đây cũng là thời điểm quan trọng đánh dấu khung lịch thời vụ của nhà nông trước khi bước vào vụ thu hoạch chính trong năm. Theo phong tục cổ truyền, vào ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người sẽ dậy sớm, trước khi mặt trời mọc đi tắm nước lạnh rồi ăn rượu nếp, xôi chè, một vài loại quả đang mùa, để mong “diệt” hết “sâu bọ” trong người, chống rôm sảy trong mùa hè cho trẻ con giúp cơ thể khỏe mạnh, mọi bệnh tật, muộn phiền cũng tiêu tan trong suốt cả năm. Chính vì lẽ đó, phiên chợ sáng mùng 5-5 âm lịch cũng trở nên nhộn nhịp, đông đúc hơn ngày thường, với ngập tràn các loại hàng hóa mang đặc trưng của Tết mùng 5 như rượu nếp, hoa quả, đường mía, đỗ xanh, đỗ đen, thịt vịt, cây lá thuốc các loại và rất nhiều nông cụ phục vụ sản xuất…
Ảnh: Internet |
Trong số các mặt hàng ở chợ thì có lẽ rượu nếp cái, hoa quả, chè đậu đen và thịt vịt là những mặt hàng bán chạy nhất. Đậu đỗ, đường mía nấu chè có thể mua sẵn từ một vài phiên chợ trước nhưng hoa quả, rượu nếp cái thì nhất thiết phải mua vào sáng sớm ngày mùng 5. Do đó, từ sáng sớm, những món hàng đặc trưng như rượu nếp cái, hoa quả, đường mía, xôi chè được bày bán thành từng dãy dài tại khu trung tâm các chợ đã tấp nập người mua. Ai cũng tranh thủ chọn những bát cơm rượu nếp vàng ươm, căng mọng và hoa quả tươi ngon đủ loại về thờ cúng tổ tiên, sau đó hạ lễ cho cháu con hưởng lộc với mong muốn loại bỏ các loại rôm sảy, giun sán, giúp thanh lọc cơ thể trước khi bước vào một mùa hè nóng nực. Gắn bó hàng chục năm với nghề bán rượu nếp phiên chợ mùng 5, bà Phạm Thị Lan, xã Yên Phú (Ý Yên) vừa nhanh tay đơm rượu cho khách vừa rôm rả trò chuyện. Gia đình tôi bán rượu uống nhưng cứ đến ngày này tôi lại làm vài vò rượu cái ngon để bán. Khách hàng cũng đã quen năm bảy năm nay đều tìm đến hàng tôi mua rồi lại hẹn sang năm gặp lại. Không chỉ mình tôi mà các hộ gia đình khác trong làng, trong xã cũng làm thế. Lờ lãi không đáng kể nhưng để cầu một năm “buôn may bán đắt”. Bà cho biết: Để có món rượu cái ngon, cũng phải dày công lắm. Trước hết, phải chọn mua loại thóc nếp cái hoa vàng trồng ở vùng Hải Hậu, Nghĩa Hưng mang đi kẻ thành gạo lứt (tức chỉ xay bỏ vỏ trấu, giữ lại lớp cám gạo). Gạo vo kỹ, ngâm nước khoảng 30 phút cho mềm rồi mới cho vào đồ, đến khi gạo vừa chín, dỡ ra rá, vo lại qua nước lạnh cho hạt gạo khỏi dính và giữ được độ giòn, ngon ngay khi chín nục. Sau đó mới xôi lại lần hai tới khi khói bốc đều xung quanh, toả mùi thơm của nếp chín nục mới dỡ xôi ra, để nguội và ủ men bắc một ngày một đêm tới khi hạt xôi rượu đã đủ độ béo, độ thơm dẻo, vị ngọt, cay nồng dễ chịu là được"... Khi hàng rượu nếp, hoa quả vừa vãn thì khu vực bán gia cầm cuối chợ sôi động hẳn lên với hàng trăm đôi vịt béo được chăm chút từ vài tháng trước đợi phiên chợ mùng 5 mới đem ra bán. Cùng với vịt, ngan, ngỗng cũng góp mặt đông đủ làm nên đặc trưng phiên chợ Tết mùng 5. Người mua chen chúc, nâng lên đặt xuống, chọn con vịt thật béo, chân vàng, ức nở để đi biếu bố mẹ và làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên. Chuẩn bị đủ thực phẩm cho ngày Tết mùng 5, các bà, các chị không quên ghé qua dãy hàng lá thuốc nam bởi theo quan niệm lá thuốc mua trong ngày này về sơ chế, sao tẩm, cất kỹ phòng khi có bệnh cần đến chữa chạy mới thật hiệu nghiệm. Những thứ cây cỏ trong vườn nhà như lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, lá tre, lá bưởi, ngải cứu, sả, tía tô, kinh giới, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, lạc tiên, nhọ nồi, mía bách giải, kim ngân, ké đầu ngựa, hương nhu... tỏa mùi thơm nồng cả một góc chợ. Gánh hàng của cụ Hoàng Thị Lan, xã Đại Thắng (Vụ Bản) năm nào cũng đông khách nhất bởi vừa bán, cụ vừa cặn kẽ giải thích công dụng của từng loại dược liệu, cách sơ chế, bảo quản, kết hợp khi sử dụng và không quên hỏi han các đối tượng trong gia đình để bốc hàng cho đúng bệnh. Ví như nhà có trẻ nhỏ thì nhất thiết phải có nắm sài đất, kim ngân, ké đầu ngựa… để phòng rôm sảy; người nhà có bệnh đau đầu thì phải có hương nhu, ngải cứu…; đau nhức xương thì cần đến lá lốt, ngải cứu, xương rồng gai…; bệnh đau bụng nóng thì cần cỏ ích mẫu, lá cối xay… Cây thuốc cụ bán toàn hái từ vườn nhà đúng sáng sớm mùng 5 để đem đến chợ. Trong vườn, ngoài bờ ao, bờ dậu quanh khu nhà, cụ trồng rất nhiều cây lá thuốc để tranh thủ thu hái thời điểm Tết mùng 5 để phòng khi đau ốm và bán cho bà con quanh làng, ngoài xóm làm thuốc chữa trị những bệnh đơn giản.
Trong phiên chợ mùng 5, món hàng không thể thiếu nữa là các loại nông cụ phục vụ sản xuất. Nào thúng mủng, nong nia, dần sàng, rồi cuốc xẻng, quang gánh. Xuôi xuống các huyện ven biển, ngoài vịt bầu, rượu nếp phiên chợ Tết mùng 5 còn có thêm một vài món ăn mang đặc trưng vùng miền như xôi đường, mật mía, bánh lá gai… và không thể thiếu được các loại ngư lưới cụ phục vụ nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản của người dân trong vùng. Người mua nhanh, người bán cũng nhanh, ai cũng cố chọn cho gia đình một vài dụng cụ sản xuất để cầu may mắn, vậy nên ai cũng xởi lởi không kỳ kèo “bớt một thêm hai”, cốt mua được món hàng ưng ý làm công cụ lao động hằng ngày và chuẩn bị cho vụ mùa bội thu sắp tới.
Cứ thế, không khí hồn hậu của phiên chợ Tết mùng 5 kéo dài đến gần trưa khi mặt trời vừa đứng bóng, mọi người mới lục tục dọn hàng về, lòng khấp khởi mừng vui vì phiên chợ này buôn may, bán đắt gấp năm bảy lần ngày thường...
Nguyễn Hương