Bạo lực gia đình (BLGĐ) là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các thành viên khác trong gia đình. Đối với phụ nữ bị bạo hành gia đình sẽ làm hạn chế sự tham gia của họ vào các hoạt động cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho phụ nữ mà còn làm ảnh hưởng với cả trẻ em, gia đình, xã hội và vi phạm các quyền con người. Nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, góp phần củng cố, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hội thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). |
Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 13-10-2011, chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, các ngành chức năng, các đoàn thể, các địa phương xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan: Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, Sở VH, TT và DL tuyên truyền các nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình; biểu dương những gương tập thể, cá nhân, gia đình có sáng kiến, đóng góp tích cực, các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng chống BLGĐ ở cộng đồng; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng chống BLGĐ. Năm 2013, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức 9 lớp tập huấn cho trên 1.300 cán bộ Công đoàn, cán bộ Hội Phụ nữ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và lãnh đạo, cán bộ LĐ-TB và XH cấp xã; 3 cuộc hội thảo, tọa đàm về bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ, nêu rõ thực trạng, nguyên nhân và bàn giải pháp thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống BLGĐ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh. Sở VH, TT và DL triển khai, thực hiện mô hình hỗ trợ làng, xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới tại 5 xã trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB và XH đã biên soạn và cấp phát hàng nghìn tài liệu tập huấn, tờ rơi tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông và trong cộng đồng, đồng thời hướng dẫn xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) thực hiện điểm mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; hướng dẫn hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động các CLB ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của BLGĐ, từ đó, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội trong công tác phòng, chống BLGĐ, ngày 7-4-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống BLGĐ, đưa mục tiêu phòng, chống BLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy, kiện toàn và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ các cấp. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống BLGĐ với nội dung, hình thức phong phú, ưu tiên đối tượng là nam giới và những gia đình thuộc nhóm có nguy cơ cao xảy ra BLGĐ. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng. Cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân BLGĐ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống BLGĐ. Can thiệp, xử lý kịp thời các vụ BLGĐ; tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư; áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức cộng đồng, gia đình, người dân tham gia công tác phòng, chống BLGĐ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.
Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 85% và đến năm 2020 đạt trên 95% số gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống BLGĐ. Đến năm 2015 đạt trên 70% và đến năm 2020 đạt trên 95% số nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân. Đến năm 2015 đạt trên 90% và đến năm 2020 đạt trên 95% số người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi. Đến năm 2015 đạt trên 60% và đến năm 2020 đạt trên 90% số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ./.
Bài và ảnh: Minh Tân