Trong năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 270 đoàn thanh tra, kiểm tra (TTKT), trong đó có 264 đoàn TTKT liên ngành các cấp và các đợt TTKT chuyên ngành ATTP; tiến hành TTKT trên 10 nghìn cơ sở, phát hiện vi phạm ở 1.707 cơ sở; xử phạt hành chính 55 cơ sở với số tiền 177,6 triệu đồng. Ngoài hình thức phạt tiền, một số cơ sở vi phạm đã phải đóng cửa, hàng hóa thực phẩm không đảm bảo ATTP đã bị tiêu hủy. Quá trình TTKT chuyên ngành và liên ngành cũng phát hiện nhiều vi phạm như: bánh kem xốp sữa hết hạn sử dụng, bánh phở có chứa phóc-môn, giò có hàn the, hạt dưa nhuộm phẩm màu công nghiệp, phụ gia không rõ nguồn gốc, mỳ chính Trung Quốc đóng gói giả nhãn hiệu, bánh nướng không có nhãn mác theo quy định, mứt bí, mứt dừa đóng bao không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, có dấu hiệu không đảm bảo VSATTP… Đặc biệt, trong công tác xử lý vi phạm, các ngành: Công an, Quản lý thị trường đã triển khai thực hiện tốt việc xử lý vi phạm về chất lượng ATTP tại các cơ sở sản xuất thực phẩm thủ công, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm cạnh các nguồn ô nhiễm...
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác VSATTP tại Trường Mầm non xã Yên Tiến (Ý Yên). |
Nhận thức tầm quan trọng của công tác TTKT đối với quản lý Nhà nước về ATTP, hằng năm BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh đều xây dựng kế hoạch TTKT về ATTP. Theo đó, công tác TTKT được tiến hành vào các đợt cao điểm trong năm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, Tết Trung thu; TTKT theo chuyên đề như thanh tra các cơ sở kinh doanh nước uống đóng bình, đóng chai, thanh tra các cơ sở bếp ăn tập thể KCN, cơ sở bếp ăn trường học, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội…; kiểm tra, hậu kiểm sau khi công bố chất lượng sản phẩm; thanh tra đột xuất; kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về ATTP. Lực lượng TTKT liên ngành đã tiến hành TTKT toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; TTKT giám sát về ATTP trên phạm vi toàn tỉnh và triển khai liên tục vào các tháng trong năm; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, các ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương đã triển khai công tác TTKT chuyên ngành theo Nghị định 07/2012/NĐ-CP từ ngày 1-7-2013 của Chính phủ. Các ngành đã duy trì thường xuyên công tác TTKT việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác ATTP. Trong đó, ngành Y tế chỉ đạo Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố kiểm tra các bếp ăn tập thể ở trường học, KCN; cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh. Chi cục tham mưu với các sở, ban, ngành liên quan thành lập các đoàn TTKT liên ngành tiến hành TTKT các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Quá trình TTKT và kết quả của công tác TTKT đã giúp cho công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt hơn, nhờ đó giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành chức năng kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác ATTP. Riêng năm 2013, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 11 văn bản, BCĐ liên ngành VSATTP của tỉnh đã ban hành 9 văn bản, các Sở Y tế, NN và PTNT, Công thương, GD và ĐT đã ban hành 21 văn bản chỉ đạo điều hành về công tác ATTP. Các văn bản chỉ đạo về công tác ATTP được ban hành đã tác động quan trọng đến nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành đối với công tác ATTP trong tình hình mới và để phân công, phân cấp cho các ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương trong công tác quản lý, tránh ban hành các văn bản có nội dung chồng chéo. Các ngành Y tế, Công thương, NN và PTNT cũng thường xuyên phối hợp với Sở KH và CN, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và chính quyền các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm thực phẩm, VSATTP; phối hợp tham mưu với UBND tỉnh, BCĐ liên ngành VSATTP của tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo; thường xuyên cung cấp trao đổi thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên và của từng ngành, thông báo tình hình diễn biến có liên quan đến ATTP trong nước và thế giới, tình hình hoạt động vi phạm pháp luật về ATTP trong từng thời điểm cụ thể; phát động các doanh nghiệp, các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hưởng ứng tháng cao điểm, tháng hành động vì chất lượng ATTP; phối hợp TTKT ATTP liên ngành; đào tạo kiến thức quản lý chất lượng sản phẩm, ATVSTP cho các cơ sở. Do vậy, công tác quản lý Nhà nước về ATTP đã đạt kết quả tốt. Qua công tác TTKT đã chuyển tải được các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác ATTP đến các cấp, các ngành và các cơ sở để triển khai thực hiện theo đúng quy định. Qua công tác TTKT, cũng có tác dụng tích cực tăng cường ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, của chủ cơ sở trong việc thực hiện công tác ATTP trên địa bàn và tại cơ sở. TTKT đã góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm lành mạnh, từ đó đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo ATTP tại các loại hình này.
Công tác TTKT không chỉ xử lý vi phạm mà còn đóng góp tích cực vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác đảm bảo ATTP, cải thiện hệ thống quản lý Nhà nước về ATTP, góp phần kiểm soát hiệu quả trong quá trình sản xuất, lưu thông và đảm bảo ATTP trong các khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố./.
Bài và ảnh: Minh Thuận