Cơ hội mới cho nghề giúp việc gia đình

07:05, 10/05/2014

Trong cuộc sống hiện đại tất bật, nhiều gia đình ngày càng thiếu thời gian cho việc nhà. Do vậy, thị trường nghề giúp việc gia đình ngày càng sôi động. Những năm trở lại đây, số lượng phụ nữ nông thôn tham gia làm nghề giúp việc gia đình ngày càng lớn, góp phần giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người lao động.

Nghề “làm dâu nhà người”

Chị Hiền quê ở xã Quang Trung (Vụ Bản) có “thâm niên” 6 năm làm nghề giúp việc gia đình. Cái duyên đến với nghề của chị thật đơn giản. Nhà một mẹ, một con, kinh tế gia đình trông vào vài sào ruộng. Những năm gần đây, thời tiết không thuận lợi, mùa màng kém so với trước nên hai mẹ con túng bấn luôn. Hơn nữa, chị cũng mong muốn có việc làm thêm tích cóp ít tiền lo cho cuộc sống của hai mẹ con lúc “trái gió, trở trời”. Đầu năm 2008, chị được người họ hàng là tiểu thương ở Hải Phòng gợi ý nhờ ra giúp công việc gia đình. Nghe qua công việc thấy đơn giản, vừa sức, chị nhận lời. Hằng ngày, chị lo lau dọn nhà cửa, nấu ăn, đưa đón con nhà chủ đi học. Sau bữa ăn tối, dọn dẹp bếp núc, rửa bát, chị cũng được nghỉ ngơi, xem ti vi thư giãn. Chủ nhà dễ tính, thấy chị chăm chỉ, thạo việc, lại thật thà họ coi chị như người nhà; đáp lại tình cảm ấy, chị dốc sức làm việc như chăm chút cho chính gia đình của mình. Ngày đó, chị được trả mức lương 1 triệu đồng/tháng cùng chi phí đi lại mỗi lần về thăm quê, mọi sinh hoạt phí chung với nhà chủ. Hiện tại, chị đang giúp việc cho một gia đình ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ngoài việc nội trợ, chị đảm nhiệm việc trồng rau trên tầng thượng. Một tháng hai lần, chị đến giúp việc trong ngày cho con gái chủ nhà ở riêng. Ngoài ra, chị còn chăm sóc 1 cụ già của gia đình nữa. Chị cho biết: Chăm sóc người già vất vả hơn so với công việc thường ngày. Bà cụ của gia đình bị lẫn, nửa đêm tỉnh giấc khi đòi uống nước, khi đi vệ sinh, lúc bà cụ lại đòi về nhà và chị phải dỗ dành đến khi bà cụ ngủ. Với lượng công việc như vậy, chị Hiền được trả 3 triệu đồng/tháng…

Tuyên truyền Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nghề giúp việc gia đình cho phụ nữ các xã Tân Thành, Thành Lợi (Vụ Bản).
Tuyên truyền Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nghề giúp việc gia đình cho phụ nữ các xã Tân Thành, Thành Lợi (Vụ Bản).

Hiện nay, nghề giúp việc gia đình phát triển mạnh là một xu hướng phân công lao động tất yếu trong đời sống hiện đại, nhịp sống công nghiệp. Các công việc trong nghề bao gồm: dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, giặt giũ, chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em... do vậy, thu hút nguồn nhân lực chủ yếu là phụ nữ nông thôn. Nghề đem lại cho người lao động công việc và thu nhập phù hợp với công sức lao động. Mức thu nhập bình quân của người lao động từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng; vào những tháng Tết, lượng công việc tăng gấp đôi, người lao động được trả lương dao động từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Nghề giúp việc gia đình giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động; đồng thời, cũng tạo điều kiện cho lực lượng lao động chính, chất lượng cao, phát huy khả năng, trí sáng tạo trong lao động sản xuất, phát triển xã hội. Lao động giúp việc gia đình đóng góp quan trọng trong giải phóng cho những phụ nữ làm việc ngoài xã hội khỏi gánh nặng công việc gia đình. Mặc dù vậy, hiện nay người làm nghề giúp việc gia đình vẫn chưa nhận được sự tôn trọng đúng mức của xã hội. Người lao động dễ bị “ép” lương, trả lương không tương xứng với sức lao động; thậm chí có người bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, quấy rối, bị quỵt tiền lương, hay nợ lương. Bản thân người giúp việc cũng tự ti về nghề của mình nên thường chọn nơi xa nhà để làm việc. Trong môi trường mới, có không ít người gặp phải nghịch cảnh nhưng cũng không biết cầu cứu cơ quan chức năng. Ngược lại cũng do nhận thức lệch lạc về nghề, không ít người giúp việc lợi dụng việc một số thành viên nhà chủ (trẻ con, người già) phụ thuộc vào người giúp việc nên “làm cao”, đòi hỏi chủ nhà nhiều điều vô lý. Thực tế đã có không ít trường hợp người giúp việc lợi dụng sự tin tưởng của chủ nhà có những hành vi tham lam, thậm chí vi phạm pháp luật trước khối tài sản mình trông coi trong lúc chủ nhà đi vắng. Ngoài ra, do lâu nay nghề giúp việc tuy phát triển nhưng hoàn toàn tự phát, không được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người làm nghề dẫn đến nhiều phiền toái cả cho chủ và người giúp việc, như làm hư hỏng các tiện nghi thiết bị hiện đại trong nhà như tủ lạnh, máy xay, lò vi sóng, dụng cụ khử ô zôn...; người giúp việc ở các khu chung cư rỗi việc “buôn” chuyện chủ nhà ra ngoài… Nhiều người giúp việc làm việc theo thoả thuận miệng hoặc có ký hợp đồng lao động thì cũng không hiểu hết nội dung hợp đồng nên khi nảy sinh rắc rối khó kiểm soát, gây thiệt hại cho cả người sử dụng lao động và người lao động.

Những tín hiệu vui

Năm 2012, qua thực tiễn công tác, nhận thấy số chị em làm nghề ngày càng đông, Hội LHPN tỉnh đã được Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (Hà Nội) hỗ trợ, tập huấn bảo vệ quyền lợi lao động người giúp việc gia đình cho hội viên phụ nữ, người thân của người lao động làm nghề ở 2 xã Tân Thành và Thành Lợi (Vụ Bản) với mô hình CLB “Khi mẹ vắng nhà”. CLB được đông đảo người lao động, đặc biệt là lao động nữ ở 2 xã tham gia. Mới đây nhất, để tạo hành lang pháp lý giúp nghề phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình. Nghị định 27 khẳng định, giúp việc gia đình là một nghề đã được Nhà nước thừa nhận công khai, quyền lợi của cả người giúp việc gia đình và người sử dụng đều được bảo vệ. Người giúp việc muốn được pháp luật bảo vệ cần phải tuân thủ Bộ luật Lao động, phải thấy rõ công việc mình làm là một nghề nên phải làm việc một cách chuyên nghiệp, không nên có thái độ thích thì làm, không thích thì thôi. Bản thân người giúp việc cũng cần phải hiểu rằng, không thể có quyền lợi khi chưa hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Về phía người sử dụng lao động cần chấp hành pháp luật, đặc biệt cần phải có sự tôn trọng, chia sẻ, thông cảm với người giúp việc để tạo một môi trường làm việc thân thiện.

Nghị định của Chính phủ là cơ sở quan trọng để bảo vệ và phát triển nghề. Song quan trọng hơn là cần quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, những kỹ năng nghề và kỹ năng xã hội cần thiết cho người làm nghề giúp việc gia đình, bảo đảm hài hoà lợi ích của cả hai bên chủ nhà và người giúp việc./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com