Hẹn gặp Nguyễn Tân Việt, chủ cửa hàng sửa chữa máy tính CP9 trên đường Điện Biên (TP Nam Định) vào ngày thường rất khó bởi Việt thường xuyên bận rộn. Mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng Việt đã là chủ cửa hàng sửa chữa máy tính tạo việc làm ổn định cho 9 lao động với mức thu nhập từ 2-8 triệu đồng/người/tháng. Hỏi Việt có ước mơ gì trong tương lai, không ngần ngại Việt trả lời: “Đủ tiền là em mở Cty chuyên mua bán, sửa chữa máy tính”.
Nguyễn Tân Việt (đứng) chủ cửa hàng sửa chữa máy tính CP9, đường Điện Biên (TP Nam Định) hướng dẫn thợ sửa chữa thiết bị điện tử. |
Sinh năm 1986, ở Thành phố Nam Định, ngay từ hồi đi học Việt đã bộc lộ niềm yêu thích với đồ điện tử. Nhiều đồ điện trong nhà như điều khiển ti vi, nồi cơm điện… đã bị Việt tháo ra lắp lại nhiều lần. Nhiều khi không có gì để sửa, Việt lôi luôn chiếc xe đạp đi học của mình ra… tự “đại tu” cho chắc chắn. Là con một trong gia đình nhưng Việt sống rất tự lập. Vào đại học, ngay từ năm thứ nhất, Việt đã tự kiếm tiền để ăn học bằng cách đi gia sư. Việt tâm sự: “Gia đình em có hoàn cảnh khá đặc biệt, bố mẹ em chia tay nhau nên mọi việc hầu như em tự lo liệu và quyết định. Không muốn là gánh nặng cho gia đình, em tự kiếm tiền trang trải việc học tập. Những năm tháng học đại học là quãng thời gian em tích cực đi làm thêm nhiều nhất. Trừ thời gian hè, còn lại trong năm học, lịch dạy thêm của em hầu như đều kín tuần”. Tốt nghiệp Khoa Điện tử Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định năm 2008, Việt đã “thử” rất nhiều nghề để kiếm sống: sang Thái Bình làm nhân viên kinh doanh cho một Cty chuyên buôn bán máy tính, dạy học tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Nam Định, làm nhân viên sửa chữa máy tính cho các Cty trên địa bàn Thành phố Nam Định… Trong suốt thời gian đó, Việt vẫn ấp ủ ước mơ mở được một cửa hàng sửa chữa máy tính, đồ điện tử của riêng mình. Vì vậy, năm 2012, Việt bỏ dở công việc giảng dạy ở trường nghề về mở cửa hàng sửa chữa máy tính CP9 trên đường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định), mặc cho gia đình phản đối, bạn bè ngăn cản. Việt chia sẻ: “Em đam mê đồ điện tử từ khi còn bé, vào đại học có dịp được học hành bài bản càng thấy thích nghề này hơn. Đi làm kinh doanh, đi dạy đều tốt nhưng thích nhất vẫn là mở được cửa hàng sửa chữa đồ điện tử của riêng mình. Trong quá trình sửa chữa còn có thể học và phát hiện ra nhiều “bệnh” mới cho máy tính rất thú vị”. Để mở cửa hàng, Việt rủ thêm bạn học phổ thông có cùng đam mê là Nguyễn Mạnh Cường đầu tư. Dành dụm suốt thời gian đi làm cùng với số tiền gia đình ủng hộ, Việt gom góp được trên 20 triệu đồng “hùn vốn” với Cường mở cửa hàng. Việt kể về những ngày đầu gian khó lập nghiệp: “Nói là cửa hàng cho “oai” chứ hồi đó tất cả vốn liếng chỉ đủ cho bọn em thuê gian hàng rộng khoảng 15m2, bày đủ một tủ đồ nghề và chiếc bàn uống nước, sắm thêm ít linh kiện điện tử”. Để có khách, Việt bàn với Cường thay nhau, người trông nom cửa hàng, người còn lại chịu khó tìm đến các Cty hỏi han, tìm hiểu xem nơi nào có máy tính hỏng, đồ điện tử cần sửa chữa, tìm việc về làm. Ngoài ra, Việt còn xuống các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh… tìm hiểu thị trường, giới thiệu hình ảnh cửa hàng… nhằm thu hút khách hàng.
Nắm bắt được nhu cầu sửa chữa phần cứng máy tính ở Thành phố Nam Định rất lớn trong khi các cửa hàng ở đây chủ yếu sửa phần mềm, Việt quyết định chuyên sâu về mảng này. Để có thể sửa được phần cứng máy tính, đòi hỏi thợ phải “cứng”. Muốn vậy, Việt thường xuyên động viên anh em thợ lên mạng tìm hiểu, học thêm kiến thức về máy tính. Ngoài ra, Việt còn liên hệ với người quen làm việc ở các hãng máy tính xin sơ đồ mạch điện tử, tìm hiểu nguyên lý mạch để sửa chữa máy… Có tay nghề, cần cù, nhiệt tình, chu đáo, Việt dần tạo dựng được uy tín với khách hàng. Dần dần lượng khách tìm đến cửa hàng ngày một nhiều. Đầu năm 2014, Việt đã thuê được cửa hàng ở đường Điện Biên để mở rộng quy mô sửa chữa, kinh doanh, với 9 nhân viên, trong đó có 7 người tốt nghiệp đại học các chuyên ngành điện tử, công nghệ thông tin. Cửa hàng của Việt hiện nhận sửa chữa đa dạng các thiết bị điện tử như máy tính bàn, laptop, bảng điều khiển cửa cuốn, ti vi, dàn âm thanh, âm-li, máy in, điện thoại… Hiện, Việt còn nhận được cả những đơn hàng của các Cy sửa chữa máy tính trong thành phố. Do cửa hàng mới mở nên bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, một yếu tố quan trọng để khách hàng lựa chọn là giá cả phải chăng, dịch vụ nhanh và không ngại nhận sửa chữa ở những nơi xa. Chính những yếu tố đó đã quyết định thành công cho cửa hàng máy tính của một ông chủ trẻ như Việt. Nguyễn Văn An làm việc ở cửa hàng của Việt đã được gần một năm nay, cho biết: “Em được anh Việt nhận vào làm từ khi cửa hàng mới mở. Anh em thợ ở đây đều là thanh niên nên không khí làm việc trong cửa hàng rất dễ chịu. Cửa hàng có quy định làm 8 tiếng/ngày, trả lương theo sản phẩm, nếu làm thêm giờ sẽ được tính tiền thưởng riêng. Vì vậy, thợ ở đây ai cũng hăng hái, nhiệt tình với công việc. Mỗi tháng, em có thu nhập từ 4-5 triệu đồng”.
Để phát triển cửa hàng, thời gian tới Việt còn rất nhiều dự định song mục tiêu cơ bản trước mắt vẫn là tạo được công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho anh em. Muốn như vậy, không có cách nào khác là cửa hàng phải thu hút được khách, tạo được uy tín trên thị trường. Vẫn giữ nhiệt huyết với ước mơ trở thành giám đốc Cty chuyên mua bán, sửa chữa máy tính, Việt sẽ tiếp tục chăm chỉ, chịu khó hơn nữa để không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề, đầu tư cho cửa hàng. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa ước mơ của Việt sẽ thành hiện thực./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân