Trường Trung cấp Công nghệ và Truyền thông (CN và TT) Nam Định, tiền thân là Trường Nghiệp vụ PT-TH Nam Định, được thành lập ngày 18-12-1979; năm 2007 được nâng cấp thành Trường Trung cấp PT-TH Nam Định. Ngày 20-1-2014, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 159/QĐ-UBND đổi tên thành Trường Trung cấp CN và TT Nam Định.
Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, đến nay quy mô và chất lượng đào tạo của nhà trường không ngừng được nâng lên. Nhà trường đã đào tạo được hơn 10.000 nhân viên kỹ thuật chuyên ngành sửa chữa thiết bị điện tử và PT-TH; hơn 5.000 công nhân kỹ thuật bậc 2/7; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về PT-TH cho hơn 10.000 lượt cán bộ, nhân viên kỹ thuật, biên tập viên các Đài PT-TH trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Trong những năm qua, nhà trường liên kết với Trường Cao đẳng PT-TH I (Đài Tiếng nói Việt Nam) đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng ngành Công nghệ, PT-TH; đào tạo hơn 1.000 nhân viên kỹ thuật quản lý, sửa chữa thiết bị PT-TH và truyền hình cáp. Đồng thời, nhà trường liên kết đào tạo trình độ đại học kỹ thuật vô tuyến điện với Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với hơn 200 sinh viên.
Giờ học thực hành kỹ thuật PT-TH tại Trường Trung cấp CN và TT Nam Định. |
Để đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực cho ngành PT-TH và lĩnh vực điện, điện tử lĩnh vực đào tạo của nhà trường được mở rộng với các ngành Báo chí; Công nghệ PT-TH; Điện công nghiệp và dân dụng; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (gồm các chuyên ngành: Điện tử viễn thông, Điện tử dân dụng, Điện tử máy tính, Điện tử tự động). Với các ngành nghề đào tạo này, nhà trường hướng tới đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông…, các đài PT-TH huyện, thành phố, đài truyền thanh cơ sở trong tỉnh và các tỉnh trên toàn miền Bắc. Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp và liên kết với các Cty, tập đoàn điện tử, máy tính ở trong và ngoài nước để đào tạo theo đơn đặt hàng.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, nhà trường thường xuyên coi trọng giáo dục cho đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên có nhận thức đúng đắn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy và học tập đạt chất lượng cao nhất. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng cấp trên, chi bộ nhà trường phối hợp với Ban giám hiệu nâng cao chất lượng đào tạo; tổ chức tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua như: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Ủng hộ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn"; phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" trong các cán bộ, giáo viên nữ… Hằng năm, nhà trường luôn quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục toàn diện với mục tiêu nâng cao ”đức, trí, thể, mỹ” cho học sinh và cán bộ công nhân viên trong toàn trường. Duy trì nề nếp phong cách làm việc có văn hóa, phát động các phong trào thi đua tập thể, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Qua các năm học, nhà trường luôn được công nhận cơ quan có nếp sống văn hóa; học sinh, sinh viên của nhà trường không mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Để nâng cao năng lực giảng dạy chuyên môn của giáo viên, nhà trường khuyến khích phong trào tự học; cử cán bộ, giáo viên đi học các lớp chuyên môn nghiệp vụ và chính trị; tăng cường hoạt động chuyên môn từ các khoa, tổ bộ môn thông qua dự giờ, thi giờ giảng giỏi cấp trường, cấp tỉnh và cấp quốc gia; thường xuyên tổ chức học tập, nghiên cứu kỹ thuật mới. Trong các dịp hè, nhà trường tổ chức tập huấn về phương pháp, kiến thức mới phục vụ cho công tác giảng dạy. Vì vậy đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường luôn đoàn kết, nhất trí, “đều tay, say việc”, chất lượng đào tạo ngày một cao hơn: 100% giáo viên có kiến thức chuyên môn tốt, nề nếp ý thức lao động tốt, không có giáo viên yếu kém. Tỷ lệ giáo viên khá, giỏi chiếm 80%, có 20 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 2 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi toàn quốc, 2 giáo viên được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 1 giáo viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 giáo viên được Bộ GD và ĐT tặng Bằng khen.
Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung cấp PT-TH tỉnh, nay là Trường Trung cấp CN và TT Nam Định đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp PT-TH tỉnh nhà và các địa phương trong vùng, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành chất lượng cao cho xã hội. Trong 35 năm xây dựng và phát triển, tập thể nhà trường luôn đoàn kết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên đánh giá là đơn vị tiên tiến xuất sắc của ngành. Nhà trường đã vinh dự được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2006); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác (1997-1999); UBND tỉnh nhiều năm tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen.
Phát huy truyền thống 35 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Trung cấp CN và TT Nam Định trong giai đoạn mới sẽ nỗ lực phát huy tiềm năng, tích cực, năng động, sáng tạo thực hiện những nhiệm vụ đào tạo mà UBND tỉnh, Sở GD và ĐT đã giao. Để đảm bảo hoàn thành thực hiện nhiệm vụ đào tạo năm học 2013-2014 và các năm tiếp theo, nhà trường cải tiến phương pháp tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS để hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh tỉnh giao. Thực hiện nhiều biện pháp tuyển sinh có hiệu quả, mở lớp dạy tại địa phương để thu hút nguồn học sinh cả hai cấp học THCS và THPT, đảm bảo số lượng học sinh đầu vào. Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên phải lấy tiêu chuẩn “phục vụ tốt” làm thước đo và tự học tập để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phát động phong trào thi đua với khẩu hiệu “Dạy tốt - Học chăm - Phục vụ tốt” và “Nói không với tiêu cực” trong toàn trường. Xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, mạnh về chất lượng, cử thêm giáo viên đi đào tạo sau đại học. Tăng cường trang thiết bị công nghệ mới cho thực tập, thực hành. Liên hệ với các đài truyền thanh địa phương và các cơ sở sản xuất để đưa học sinh đến thực tập để rèn luyện tay nghề thực hành. Thường xuyên tổ chức hội thi, hội giảng, thi học sinh giỏi cấp trường nhằm nâng cao chất lượng bài giảng và đánh giá trình độ học sinh để đúc rút kinh nghiệm trong đào tạo. Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy tính và máy chiếu trong các bài giảng để tăng tính trực quan trong giảng dạy. Tăng cường hoạt động của Hội đồng đào tạo nhà trường, cải tiến công tác quản lý đào tạo; kiểm tra, đánh giá chặt chẽ giáo án bài giảng của giáo viên, sổ sách nhật ký hằng ngày của từng lớp, từng khoa. Thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, xây dựng cảnh quan nhà trường xanh,
sạch, đẹp./.
Bài và ảnh: Việt Thắng