Thành phố Nam Định đẩy mạnh dạy nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ

07:04, 17/04/2014

Những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động hộ nghèo, lao động nữ thành thị và các chương trình đào tạo nghề cho người lao động của tỉnh, Thành phố Nam Định đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người cai nghiện ma túy thành công, giai đoạn 2012-2016. Đối tượng của Đề án là 3 nhóm đối tượng gặp khó khăn trong việc học nghề, tìm việc làm và chưa thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề. Qua 2 năm thực hiện thí điểm (2010-2011) và 2 năm triển khai Đề án (2012-2013), thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 428 người thuộc đối tượng trên, giúp họ tìm được việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hướng dẫn nghề trồng hoa, cây cảnh cho người lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ của Thành phố Nam Định.
Hướng dẫn nghề trồng hoa, cây cảnh cho người lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ của Thành phố Nam Định.

Để triển khai Đề án đạt hiệu quả cao, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc học nghề trong việc nâng cao năng suất, chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm, thu nhập ổn định, đồng thời thông báo công khai rộng rãi diện đối tượng tuyển sinh, chế độ người học nghề được thụ hưởng, ngành nghề đào tạo, thời hạn tuyển sinh, địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký học nghề với nhiều hình thức như tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức họp tổ dân phố, thôn xóm… Phòng LĐ-TB và XH phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch dạy nghề. Sau khi Trung tâm tuyển sinh, Phòng LĐ-TB và XH thành phố thẩm định hồ sơ đảm bảo đúng đối tượng trước khi tổ chức dạy nghề. Riêng trong năm 2013, thành phố đã mở được 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, 1 lớp điện dân dụng và 1 lớp dạy nghề trồng hoa, chăm sóc cây cảnh cho tổng số 104 người, trong đó 101 người là đối tượng hộ cận nghèo và 3 người là bộ đội xuất ngũ. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án là 240 triệu đồng, gồm: kinh phí đào tạo nghề 149 triệu đồng; hỗ trợ ăn trưa cho người học 91 triệu đồng. Các lớp học nghề được mở ngay tại các xã, phường đã tạo điều kiện thuận lợi cho người học đi lại thuận tiện. Giáo viên xây dựng giáo án và cách truyền đạt phù hợp trình độ, lứa tuổi với học viên theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Sau 3 tháng học nghề, các học viên đều cơ bản nắm được kiến thức, kỹ năng nghề, 100% số học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Với kiến thức nghề được trang bị, đến nay hơn 75% số học viên đã có việc làm theo nghề đã học. Còn lại một số người sản xuất tại gia đình áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống.

Với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Thành phố Nam Định và sự vào cuộc của các ngành chức năng, các xã, phường, Đề án Đào tạo nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người cai nghiện ma túy thành công thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc giúp nhóm đối tượng khó khăn được hỗ trợ đào tạo nghề, có cơ hội việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh và an toàn xã hội của thành phố. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc thực hiện đề án còn gặp một số khó khăn do nhận thức về trách nhiệm của UBND một số xã, phường chưa cao nên công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng; hiệu quả huy động học viên tham gia học nghề chưa cao, tỷ lệ người cai nghiện ma túy thành công tham gia học nghề còn thấp; riêng năm 2013 không có người cai nghiện thành công học nghề... Tiếp tục thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người cai nghiện ma túy thành công, năm 2014, Thành phố Nam Định dành nguồn kinh phí 350 triệu đồng và có kế hoạch đào tạo nghề cho 150 người. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của thành phố trong nhân dân, nhất là các nhóm đối tượng của Đề án; lập danh sách người có nhu cầu đăng ký học nghề, trong đó ưu tiên các xã ngoại thành, để đáp ứng việc thực hiện xây dựng NTM. Thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, bổ sung biên chế, kinh phí thường xuyên cho Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thành phố để thực hiện tốt 2 đề án: Đào tạo nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người cai nghiện ma túy thành công và Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động chất lượng cao và đa nghề./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com