Những năm qua, công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên tiếp tục được Sở GD và ĐT tập trung đẩy mạnh, góp phần tích cực trong thực hiện đổi mới giáo dục, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm học.
Cô giáo Bùi Thị Duyên, giáo viên Trường THCS Đặng Xuân Khu (Xuân Trường) trong giờ lên lớp. |
Hằng năm, công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên được ban giám hiệu các trường học chỉ đạo thường xuyên và thực hiện có hiệu quả. Các Phòng GD và ĐT, các trường học trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức hội thảo, sinh hoạt tổ, nhóm, dự giờ, đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm của từng giáo viên. Riêng năm học 2012-2013, Sở GD và ĐT đã tổ chức cho 21 đoàn cán bộ, giáo viên cốt cán của các trường THCS, THPT tham gia các hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ GD và ĐT tổ chức, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về “Tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường” cho 228 cán bộ, giáo viên THCS, THPT; “Kỹ thuật khảo sát đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 9” cho 15 cán bộ khảo sát của 15 tổ khảo sát ở các nhà trường. Trong công tác chuyên môn, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn phát triển chuyên môn cho giáo viên dạy 11 môn chuyên ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) và tập huấn các chuyên đề ôn thi đại học các môn Toán, Vật lý và Hóa học cho 360 giáo viên các trường THPT; tập huấn cho 588 giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp THPT; tổ chức các buổi hội thảo về các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi… Trong học kỳ I năm học 2013-2014, Sở GD và ĐT đã tổ chức các lớp tập huấn: Đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; công tác giáo viên chủ nhiệm, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên, tích hợp nội dung giáo dục về ATGT, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tích hợp nội dung giáo dục biển, đảo, biến đổi khí hậu, phòng, chống thảm họa, thiên tai… vào các môn học. Sở GD và ĐT cũng đã tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên ngoại ngữ (Tiếng Anh) tại tỉnh và cử 20 giáo viên dạy Tiếng Anh đi học tại Xinh-ga-po. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động ngoài giờ lên lớp, Sở GD và ĐT đã tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên các nhà trường kiến thức về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, tư vấn tâm lý học đường và giáo dục pháp luật cho học sinh trung học. Đặc biệt, trong năm học này, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các nhà trường quan tâm và đầu tư về đội ngũ giáo viên cho các lớp đầu cấp. Trong đó, đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 yêu cầu phải đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có năng lực, tâm huyết, nhanh nhạy nắm bắt các thay đổi của chương trình, SGK, phương pháp dạy học. Một số địa phương đã tích cực, kiên quyết chỉ đạo các trường tiểu học bố trí giáo viên trên chuẩn, có độ tuổi dưới 50 để đảm nhiệm đứng lớp như các huyện: Giao Thủy, Ý Yên, Hải Hậu. Đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 và lớp 10, Sở GD và ĐT ưu tiên các giáo viên có kinh nghiệm và tâm huyết làm công tác chủ nhiệm và lựa chọn các giáo viên bộ môn có năng lực chuyên môn tốt giảng dạy tại các lớp học này, đồng thời mở các lớp tập huấn bổ sung kiến thức, kỹ năng sư phạm để phát huy hiệu quả giảng dạy và công tác, giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý trong ngành đã tích cực tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác xây dựng đội ngũ của các cơ sở giáo dục, góp phần đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh đã tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Các nhà trường đã thực hiện việc đổi mới hoạt động dạy và học theo tinh thần phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của học sinh.
Tuy nhiên, chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành hiện nay vẫn chưa đồng đều; một số đơn vị còn thiếu giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với cấp THCS và tiểu học, ở một số đơn vị còn thiếu giáo viên dạy một số môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học, Tiếng Anh nên vẫn còn tình trạng giáo viên phải dạy chéo môn. Một bộ phận giáo viên còn “ngại” đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và giáo dục học sinh và chưa phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và rèn luyện nhân cách. Toàn ngành vẫn còn 52 giáo viên THCS chưa đạt chuẩn; cơ cấu giáo viên ở một số trường THCS chưa hợp lý, vì vậy trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ còn có những bất cập. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, THCS do Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đảm nhận còn chậm, dẫn tới số cán bộ quản lý chưa qua lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục ở các huyện, thành phố còn nhiều, với gần 500 người. Một số trường tiểu học của các huyện: Mỹ Lộc, Trực Ninh, Xuân Trường chưa tích cực, bố trí giáo viên phù hợp dạy ở các lớp đầu cấp; công tác quản lý ở một số cơ sở giáo dục chưa thực sự bài bản, khoa học, do đó chưa phát huy hết năng lực, sở trường của mỗi cá nhân; việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên còn theo cảm tính. Công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức…
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Sở GD và ĐT quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán; đồng thời chú trọng đổi mới sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn trong trường học. Nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh. Thực hiện tốt việc đánh giá hiệu trưởng, đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, góp phần xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng GD và ĐT./.
Bài và ảnh: Hồng Minh