Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB và XH, toàn tỉnh có trên 6.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 64 nghìn người tàn tật và mất sức lao động, trên 6.200 người bị tâm thần, khoảng 2.400 người nghiện ma túy, 400 nghìn người cao tuổi, 160 nghìn người nghèo… và nhiều cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (li thân, li hôn, sao nhãng con cái). Đây là những đối tượng cần được hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống và trợ giúp các dịch vụ công tác xã hội (CTXH), cải thiện cuộc sống. Với số lượng lớn đối tượng có nhu cầu cần được trợ giúp, nhưng hiện nay số nhân viên CTXH của tỉnh mới có 470 người, trong đó chỉ có 7% số nhân viên được đào tạo chuyên ngành.
Thực hiện Quyết định số 32, ngày 25-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH, ngày 20-7-2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 27 về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011-2020. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2011-2015 gồm: Tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; hình thành hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, tăng cường đầu tư cho các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để các cơ sở từng bước tham gia cung cấp dịch vụ CTXH, thành lập mới ít nhất một trung tâm bảo trợ chuyên biệt ngoài công lập; phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên CTXH của tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 tăng ít nhất 20% nhân viên CTXH so với năm 2011, trong đó chú trọng bổ sung nhân viên CTXH cho các trung tâm bảo trợ xã hội công lập và phát triển đội ngũ CTV CTXH trong các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh và huyện (mỗi đơn vị 1-2 CTV), các xã, phường, thị trấn (mỗi đơn vị 1 CTV); đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 100% nhân viên CTXH. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH và phát triển hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; phát triển đội ngũ nhân viên CTXH, phấn đấu đến năm 2020 thành lập ít nhất 1 trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH và 1 trung tâm bảo trợ xã hội chuyên biệt ngoài công lập và tăng ít nhất 30% số nhân viên CTXH so với năm 2015. Là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nghề CTXH, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nghề CTXH; vai trò, vị trí và sự cần thiết phát triển nghề CTXH trong cuộc sống; Kế hoạch phát triển nghề CTXH của tỉnh; các dịch vụ CTXH và cách tiếp cận… với các hình thức tuyên truyền phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, in, phát tờ rơi đến cộng đồng, tuyên truyền miệng qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các tổ chức hội, đoàn thể và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động CTXH, qua đó đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về nghề CTXH. Cùng với công tác tuyên truyền, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ CTXH hiện có và hình thành đội ngũ nhân viên, CTV CTXH tại địa phương. Năm 2011, Sở LĐ-TB và XH tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng CTXH cho 458 người là lãnh đạo, cán bộ LĐ-TB và XH cấp xã; năm 2012 tổ chức 5 lớp tập huấn cho 671 người là cán bộ CTXH của tỉnh, các huyện, thành phố, nhân viên CTXH của các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội; năm 2013 tổ chức 10 lớp tập huấn cho 1.394 người là cán bộ làm CTXH ở xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh (gồm cán bộ LĐ-TB và XH, MTTQ, HND, tư pháp, y tế, giáo dục). Các học viên được học tập, nghiên cứu các chuyên đề: Một số vấn đề chung về CTXH; các yếu tố cơ bản trong CTXH; các hoạt động của nghề CTXH; những giá trị của CTXH; một số phương pháp CTXH; vai trò, trách nhiệm của nhân viên CTXH; CTXH cá nhân: CTXH nhóm phát triển cộng đồng; kỹ năng tham vấn; kỹ năng làm việc nhóm; tuyên truyền, giáo dục, vận động cộng đồng tham gia CTXH. Qua hoạt động tập huấn, đã từng bước củng cố, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên, CTV CTXH tại cộng đồng. Tháng 12-2013, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam mở 1 lớp trung cấp nghề CTXH cho 47 học viên là cán bộ, nhân viên các trung tâm, trường nghề, cán bộ LĐ-TB và XH một số xã, thị trấn. Đây sẽ là đội ngũ nòng cốt trong việc đẩy mạnh các hoạt động và nâng cao hiệu quả CTXH tại các cơ sở bảo trợ xã hội và địa phương, từng bước tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong nhóm dân cư yếu thế, cộng đồng như: bảo vệ trẻ em, giúp đỡ các gia đình bị mâu thuẫn, hỗ trợ tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo trợ người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn… Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH giao bổ sung nhiệm vụ cung cấp dịch vụ CTXH cho Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật (Sở LĐ-TB và XH), thành lập Phòng CTXH tổ chức các hoạt động trợ giúp cho các đối tượng yếu thế giải quyết các vấn đề, hòa nhập với cộng đồng.
Với sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể liên quan và các huyện, thành phố, đến nay công tác phát triển nghề CTXH đã đạt được kết quả bước đầu. Các cấp, các ngành và nhân dân đã có nhận thức cơ bản về nghề CTXH, củng cố, nâng cao năng lực của đội ngũ CTXH hiện có và đào tạo, dần hình thành đội ngũ CTV CTXH, quan tâm đầu tư và tăng cường hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, công tác phát triển nghề CTXH còn gặp khó khăn. Nhận thức của một số địa phương, nhất là cấp xã về nghề CTXH chưa đầy đủ nên việc triển khai nghề CTXH ở địa phương còn hạn chế. Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động của đội ngũ nhân viên, CTV CTXH khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng. Tiếp tục phát triển nghề CTXH theo Kế hoạch số 27 của UBND tỉnh, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của nghề CTXH và những người làm CTXH, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH cũng như có chế độ đãi ngộ phù hợp giúp họ yên tâm công tác./.
Minh Tân