Những nghề "một vốn, bốn lời"

09:04, 18/04/2014

Học hết THPT, không có điều kiện để học lên cao hơn, chị Phạm Thị Liên đường Hoàng Văn Thụ, phường Nguyễn Du (TP Nam Định) tiếp nối nghề sửa chữa giầy dép của gia đình. “Hành trang” ban đầu của chị là một hòm đồ nghề gồm vài cây kim khâu giày, kéo, dao, dùi móc, xủi, các loại chỉ khâu, xi, keo, vài mảnh cao su... tổng vốn chừng vài trăm nghìn đồng. Địa điểm hành nghề là một góc nhỏ trên vỉa hè cạnh Nhà sách Nhân dân Hoàng Văn Thụ, không biển hiệu cũng không cồng kềnh bàn ghế.

Cửa hàng cháo dinh dưỡng Hưng Long đường Nguyễn Hiền, phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định).
Cửa hàng cháo dinh dưỡng Hưng Long đường Nguyễn Hiền, phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định).

Giao dịch với khách hàng cũng chóng vánh, chỉ chừng dăm phút, khách đưa đồ cần sửa chữa kèm yêu cầu "khâu hộ đôi giầy"; "dán lại đế nhé" hay "độn gót cho khỏi nhấc chân"... Giá cả được mặc định mức chung, 5-10-15-20 nghìn đồng cho một đôi giày, dép tùy yêu cầu đánh xi, dán đế, khâu quai… chẳng cần mặc cả; khi giao sản phẩm lại cho khách, chị dặn thêm cách sử dụng, bảo quản sản phẩm và nhận được lời cảm ơn của khách hàng. Vậy là một ngày vài chục đôi giầy khâu, dán, đánh xi... là chị đã có thu nhập vài trăm nghìn đồng. Đặc biệt vào dịp lễ tết, nhu cầu làm đẹp được ưu tiên nên khách hàng làm nhiều hơn, tiền chị kiếm được cũng cao hơn. Khách hàng tín nhiệm tay nghề và sự cẩn thận, tỉ mỉ của chị nên gửi đánh xi, áo da, túi sách. Để không phụ lòng khách, chị cũng trang bị thêm máy chà bóng, máy mài, máy đục ôrê, máy phun keo...  Do đó thu nhập mỗi ngày đã lên tới hàng triệu đồng. Chị Liên cho biết: Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, suy nghĩ ban đầu “làm tạm trước khi tìm được công việc đàng hoàng hơn” trong tôi đã biến mất và thấy yêu nghề từ lúc nào không hay. Đến nay, ngoài lo đủ chi tiêu của gia đình từ nghề sửa giày, chị Liên đã tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình. Vào lúc cao điểm, chị còn phải mượn thêm 5-7 thợ khác mới kịp phục vụ khách. Tự tin với nghề, chị đang dành thời gian học thêm kỹ thuật đóng giày mới theo yêu cầu của khách hàng. “Lấy công làm lãi” - nghề sửa chữa giày, dép đang giúp nhiều gia đình ở thành phố có thu nhập chính đáng, không hề nhỏ.

Gần đây, nghề bán cháo dinh dưỡng phục vụ trẻ em, người ốm, người già đang nở rộ ở hầu hết các tuyến phố, ngõ chợ, cổng trường học, bệnh viện trên địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện trong tỉnh. Với vốn đầu tư không lớn, chỉ cần là người cẩn thận, có kinh nghiệm nấu nướng, thực đơn dinh dưỡng có trên mạng in-tơ-nét hay các chương trình truyền hình, với vài triệu đồng để sắm một chiếc xe đẩy, tủ kính, bộ đồ nấu ăn, bát, đĩa hợp vệ sinh là có thể hành nghề. Nếu có điều kiện thì cần thêm một chiếc tủ lạnh để bảo quản nguyên liệu đã sơ chế để đảm bảo ATVSTP trong những ngày nắng nóng. Thông thường người bán hàng nấu sẵn một nồi cháo trắng với nguyên liệu cơ bản là gạo tẻ, gạo nếp; chuẩn bị thêm các loại thức ăn đã chế biến như thịt nạc, bò, gà, lươn, ếch, chim bồ câu… kèm theo dầu ăn và các loại rau, củ, quả có hàm lượng dinh dưỡng cao như củ dền, rau ngót, cải cúc, gấc, bí xanh, bí đỏ… tùy theo mùa vụ. Khách đến lựa chọn thực phẩm bổ sung, người bán hàng chỉ việc pha chế với cháo trắng rồi nấu chín theo yêu cầu, chỉ mươi phút đã có một suất cháo thơm ngon với giá trung bình từ 10 đến 15 nghìn đồng. Với những gia đình cả bố mẹ đều đi làm công sở, không có điều kiện để thường xuyên thay đổi thực đơn thì việc mua cháo dinh dưỡng là phù hợp nên các hàng cháo dinh dưỡng luôn đắt khách. Nhiều người kinh doanh cho biết, chỉ sau vài tuần đến một tháng là đã thu hồi được vốn. Vậy nên mỗi tuyến phố trên địa bàn Thành phố Nam Định chí ít cũng có vài cửa hàng cháo dinh dưỡng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Chị Hương, một chủ quán cháo dinh dưỡng trên đường Trần Huy Liệu đã có gần 5 năm gắn bó với nghề cho biết: “Nghề này tuy đơn giản, song vì là món ăn nên đòi hỏi người bán phải cẩn thận, sạch sẽ và đảm bảo VSATTP. Ngoài ra người bán cần có ý thức tìm hiểu, bổ sung kiến thức về dinh dưỡng khi kết hợp nguyên liệu và đun nấu vừa đủ độ đối với từng loại thức ăn sao cho đủ chín mà không bị mất vitamin"…

Trong xã hội hiện đại, không thiếu cơ hội kiếm tiền chính đáng nếu chăm chỉ, chịu khó, năng động, dám nghĩ, dám làm. Các công việc sửa chữa giày dép, bán cháo dinh dưỡng, sửa chữa quần áo, sửa khóa… đang đem lại lợi nhuận chính đáng cho nhiều người, nhu cầu của các dịch vụ này ngày càng tăng. Nếu người làm công việc này có ý thức giữ chữ “tín” và cái “tâm” của nghề thì lợi nhuận luôn là “một vốn, bốn lời”./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com