Nghị lực thoát nghèo của một nông dân

07:04, 05/04/2014

Sinh ra ở vùng quê thuần nông xã Nghĩa Thái, nhưng duyên nghiệp lại gắn bó ông Đinh Văn Thiệp với xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng). Hơn 15 năm qua, mảnh đất ven đê sông Đáy thuộc thôn Tân Thịnh, xã Hoàng Nam đã mang cho ông thành công lớn trong phát triển kinh tế. Đó là khu trang trại rộng trên 3ha nuôi lợn giống, lợn thịt được nhiều Cty, hộ nông dân lựa chọn làm đối tác.

Với quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, năm 2011, trang trại của gia đình ông Đinh Văn Thiệp đã được cấp Giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn của Bộ NN và PTNT.
Với quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, năm 2011, trang trại của gia đình ông Đinh Văn Thiệp đã được cấp Giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn của Bộ NN và PTNT.

Năm 1980, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, ông Đinh Văn Thiệp bắt tay vào xây dựng kinh tế gia đình. Qua một thời gian ông nhận thấy những tư duy, phương thức làm ăn nhỏ lẻ không còn phù hợp mà phải sản xuất tập trung, tạo ra hàng hoá theo tiêu chuẩn, chất lượng cao số lượng nhiều mới mong phát triển. Từ suy nghĩ đó, ông Thiệp đã bỏ nhiều công sức đi tìm hiểu, tham quan các mô hình trang trại điển hình chăn nuôi hiệu quả ở trong tỉnh và các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương... Tích lũy kinh nghiệm xây dựng trang trại chăn nuôi từ những lần đi tham quan thực tế, ông xác định yêu cầu đầu tiên để xây trang trại hoạt động ổn định là phải có địa điểm thuận lợi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự ủng hộ của HND xã Hoàng Nam ông đã xây dựng trang trại trên diện tích rộng hơn 3ha ở vùng đất bãi ven sông Đáy. Ông Thiệp cho biết: Khu trang trại này năm xưa vốn có nhiều hố bom, sau bỏ hoang hóa, lau, sậy mọc um tùm. Cả một vùng đất ven đê sông Đáy không ai canh tác, nằm xa khu dân cư, nhưng trong mắt ông, nơi đây là địa thế hợp lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại. Mặc dù vốn liếng của gia đình chẳng được bao nhiêu, ông bàn với vợ vừa làm, vừa xây dựng. Hai vợ chồng ông tay liềm, tay cuốc dọn hết vùng đất hoang hóa, dựng lán, trại. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình cộng với khoản lương bộ đội phục viên ông đều đổ dồn vào xây dựng trang trại. Hơn 3ha đất hoang hóa, qua bàn tay tảo tần của vợ chồng ông đã hình thành 2 ao nuôi cá truyền thống, 2 dãy chuồng trại. Vừa làm, vừa tích lũy để đầu tư, đến nay hệ thống chuồng trại của ông được mở rộng với quy mô bốn dãy chuồng, diện tích 4.000m2 xây khép kín, có hệ thống làm mát tự động, thực hiện quy trình nuôi theo công nghệ chăn nuôi của Thái Lan, lắp đặt hệ thống bể bi-ô-ga áp dụng theo công nghệ tiên tiến nhất, vừa xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa cung cấp khí đốt. Trang trại có đủ hệ thống nhà kho, bể nước, phòng sát trùng, phòng kỹ thuật, nhà điều hành, một phần diện tích trồng cây xanh, cây ăn quả. Lợn giống ông đặt mua tận Thái Lan, giống lợn đực Belu đặt mua tận Mỹ và lợn giống đực Bi 100 đặt mua ở Ca-na-đa. Cùng với đó, ông chịu khó tìm hiểu, học hỏi, tiếp thu và ứng dụng KHKT tiên tiến, công nghệ mới vào chăn nuôi nên lợn tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao, ít bị lây nhiễm dịch bệnh, giảm được nhiều sức lao động, không gây ô nhiễm môi trường... 4 dãy chuồng được xây dựng tách biệt, 2 dãy chuồng lợn nái và lợn đẻ, 1 dãy chuồng lợn giống và 1 dãy chuồng lợn thịt. Để phòng ngừa dịch bệnh cho lợn, ông thường xuyên sử dụng dung dịch chế phẩm sinh học EM để tẩy rửa và khử trùng môi trường chuồng trại... Từ khi ông áp dụng công nghệ này, tỷ lệ lợn nhiễm dịch bệnh tiêu chảy, bại liệt giảm hẳn. Ngoài ra, lợn con sau khi cai sữa uống catolit tăng trọng nhanh hơn, da hồng hào, ít bị nhiễm trùng da. Về kinh nghiệm nuôi lợn giống, ông Thiệp cho rằng, nuôi lợn giống phải theo đúng quy trình kỹ thuật, chuồng trại phải sạch và đảm bảo nhiệt độ ổn định cho lợn sinh trưởng và lợn phải tiêm phòng dịch bệnh theo quy định. Từ đầu năm 2006 đến nay, cả 4 dãy chuồng đều đưa vào khai thác với tổng số trên 100 lợn nái giống, 4 con giống đực ông bà nhập ngoại và 300 con lợn thịt. Theo tính toán của ông Thiệp, mỗi năm lợn đẻ 2 lứa (mỗi lứa 8-10 con), trang trại của ông đã xuất bán 1.500-2.000 con lợn giống; xuất bán 4 lứa lợn thịt, bình quân mỗi con đạt gần 1 tạ. Ngoài ra mỗi năm, trang trại còn xuất bán trên 10 tấn cá truyền thống (chủ yếu là cá chép, cá trắm) thu gần 800 triệu đồng, tổng doanh thu của trang trại đạt gần 3 tỷ đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình ông Thiệp còn tạo điều kiện giúp đỡ những gia đình khó khăn trong sản xuất như hỗ trợ nguồn giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi... Ông cũng tích cực tham gia hoạt động từ thiện, ủng hộ người nghèo và các công tác xã hội, đặc biệt là các hoạt động của HND xã, xây dựng quỹ hội và ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân.

Trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn hướng nạc công nghệ cao của ông Thiệp từng được đón nhiều đoàn trong tỉnh và các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ghi nhận thành tích đóng góp của ông trong phong trào xây dựng và phát triển kinh tế trang trại, gia trại, ông Thiệp nhiều lần được UBND tỉnh và Trung ương HND Việt Nam tặng Bằng khen./.

Bài và ảnh: Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com