Để góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, những năm qua, Sở LĐ-TB và XH đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Cán bộ thôn Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) rà soát hộ nghèo ở địa phương. |
Hiện nay, toàn tỉnh có 229 cán bộ làm công tác giảm nghèo ở 229 xã, phường, thị trấn và 3.700 CTV làm công tác giảm nghèo là trưởng thôn, xóm, tổ dân phố. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, Sở LĐ-TB và XH đã triển khai hiệu quả Dự án nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo. Hằng năm, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở. Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề như: Các chính sách giảm nghèo hiện hành, quy trình và cách thức thực hiện; Phương pháp quản lý chương trình giảm nghèo; phương pháp lập kế hoạch giảm nghèo; Tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện các mục tiêu cụ thể thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; Kỹ năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo và cách tiếp cận các chính sách giảm nghèo của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giáo dục, y tế, nhà ở, bảo trợ xã hội; Công tác điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo… Sở LĐ-TB và XH cũng cung cấp và hướng dẫn cụ thể phương pháp, quy trình, biểu mẫu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý, thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. Các chuyên đề được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh và phù hợp với trình độ khả năng của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Ngoài việc nghiêm túc học tập, nghiên cứu các chuyên đề, các học viên tích cực trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giảm nghèo của địa phương; thảo luận phương pháp xử lý hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, điều chỉnh các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả. Trong 3 năm qua, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác giảm nghèo cho 15.343 lượt người với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Phối hợp với các huyện, thành phố, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội tập huấn nghiệp vụ công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ, hội viên làm công tác giảm nghèo; tổ chức các hội thảo, hội thi tìm hiểu chính sách giảm nghèo đến cán bộ, hội viên… Qua đó giúp đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở từng bước nâng cao trình độ, năng lực công tác cũng như ý thức trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, đồng thời giúp cho việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm chính xác, đầy đủ, đúng quy định, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp giảm nghèo và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Với những hoạt động tích cực, hiệu quả, đội ngũ làm công tác giảm nghèo toàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện tốt các tiêu chí về giảm nghèo và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ba năm qua, toàn tỉnh có 27.562 lượt hộ nghèo được vay vốn với số dư đạt 482 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và kiểm tra giám sát nên hầu hết các hộ nghèo đều sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Toàn tỉnh có 57 nghìn lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễm giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí 53 tỷ đồng; 23.051 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn với tổng vốn vay 568 tỷ đồng; gần 3.800 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở; người nghèo được cấp thẻ BHYT… Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm dần từ 7,76% năm 2011 xuống còn 6,72% năm 2012 và năm 2013 còn 5,78%.
Tuy vậy, hiện nay hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở vẫn gặp khó khăn. Mức phụ cấp cho cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở cấp xã còn thấp (450 nghìn đồng/tháng). Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thường xuyên thay đổi. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ, công tác giảm nghèo đòi hỏi người cán bộ phải nhiệt huyết, nhạy bén và sáng tạo, song một số địa phương chưa coi đó là một vấn đề cần thiết để bố trí cán bộ bảo đảm phù hợp nhu cầu công việc. Thời gian tới, Sở LĐ-TB và XH tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ ở các xã, phường, thị trấn, trưởng thôn, xóm, tổ dân phố nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững./.
Bài và ảnh: Minh Tân