Khuyến khích người dân làm du lịch

08:04, 25/04/2014

Với nhiều loại hình du lịch: tâm linh, sinh thái, làng nghề…, mỗi năm, ngành Du lịch tỉnh thu hút gần 2 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, qua thực tế phát triển du lịch của địa phương cũng như kinh nghiệm của nhiều nơi cho thấy việc thu hút, khuyến khích người dân tham gia làm du lịch đang trở thành xu thế, đem lại hiệu quả bền vững.

Nhà nghỉ gia đình (homestay) của bà Phùng Thị Thìn, xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) luôn đảm bảo sạch sẽ để đón du khách trong và ngoài nước tham quan VQG Xuân Thuỷ.
Nhà nghỉ gia đình (homestay) của bà Phùng Thị Thìn, xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) luôn đảm bảo sạch sẽ để đón du khách trong và ngoài nước tham quan VQG Xuân Thuỷ.

Nếu năm 2013, ngành Du lịch của tỉnh thu hút gần 3.000 lao động làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn và hàng nghìn lao động gián tiếp thì năm 2014 con số này sẽ giảm đi nhiều. Anh Phạm Văn Nam, chủ một nhà nghỉ tại Khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu) cho biết: Năm 2013, số lượng khách ít nên nhiều cơ sở dịch vụ phải dừng kinh doanh hoặc chuyển sang việc khác. Năm nay, Khu du lịch biển tập trung xây dựng hệ thống kè chắn sóng bị sạt lở do bão, lượng du khách đến nghỉ mát, tắm biển sẽ không cao nên nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi đều tinh giản tối đa lao động. Sự suy giảm kinh tế cộng với thiếu các loại dịch vụ đạt chuẩn, các sản phẩm lưu niệm cũng ảnh hưởng đến việc chi tiêu của khách du lịch. Theo thống kê của Sở VH, TT và DL, năm 2013 tổng thu nhập các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 370 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ khách đến lễ hội và mua sắm chỉ đạt 61,2 tỷ đồng. Như vậy, với gần 2 triệu lượt du khách đến với tỉnh thì bình quân mỗi khách du lịch chi tiêu chưa tới 190 nghìn đồng. Chị Phạm Thị Lê, bán hàng lưu niệm tại phủ Tiên Hương (Vụ Bản) cho biết: Mặc dù làm việc vất vả nhưng thu nhập từ việc bán hàng lưu niệm cũng không cao, trừ các loại thuế, lệ phí chỉ còn được 1 triệu đồng/tháng. Trái lại, ở xã Giao Xuân (Giao Thuỷ), người dân đã tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương và học thêm một số kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thuỷ có hệ sinh thái phong phú, là "sân ga của các loài chim di trú quốc tế" với trên 200 loài chim bản địa và chim di cư, trong đó có nhiều loài được ghi tên trong sách đỏ quốc tế như: cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, giang sen, giẽ mỏ thìa, choắt mỏ vàng… Với mục đích giúp đỡ người dân xã Giao Xuân xây dựng tour du lịch sinh thái, qua đó vừa đạt mục tiêu tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời góp phần bảo vệ VQG, từ năm 2006 Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) đã triển khai Dự án “Cộng đồng tham gia phát triển du lịch sinh thái tại xã Giao Xuân, vùng đệm VQG Xuân Thuỷ”. Để giúp những người nông dân có thể làm du lịch, MCD đã lựa chọn một số gia đình có nhà ở sạch sẽ, thoáng mát để xây dựng mô hình du lịch homestay (khách du lịch ăn, nghỉ, sinh hoạt cùng người dân). Người dân được các giáo viên của Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa (Hà Nội) về hướng dẫn một số nghiệp vụ cơ bản như phục vụ phòng, nấu ăn, học tiếng Anh để giao tiếp với du khách. Sau khi được học, người dân còn được tham quan một số mô hình làm du lịch sinh thái ở Sa Pa (Lào Cai), Bản Lát (Hoà Bình), được hỗ trợ vay vốn cải tạo nhà ở, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đến nay, xã đã thành lập được HTX dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân với 29 thành viên từ 30-75 tuổi tham gia, trong đó có 5 người làm hướng dẫn viên du lịch và một tổ văn nghệ với 15 người. Du khách đến đây sẽ được bố trí tại 9 “nhà nghỉ” của các gia đình bà Phạm Thị Xuân, Trần Thị Len, ông Trịnh Văn Hậu, Nguyễn Văn Bằng, Phạm Quốc An… ở các xóm Xuân Minh, Xuân Hoành… Các “nhà nghỉ” đều có nội quy, quy chế, niêm yết bảng giá dịch vụ chung; các vật dụng dành cho khách như chăn, màn, ga trải giường luôn đảm bảo sạch sẽ. Nhà nghỉ của gia đình bà Phùng Thị Thìn, Chủ nhiệm HTX là một nhà nghỉ homestay được nhiều du khách yêu thích với cổng, sân lát gạch đỏ, 4 giường nghỉ, có tủ đựng quần áo, có nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ khả năng phục vụ cho 10 du khách. Chi phí đối với du khách nghỉ tại nhà nghỉ homestay cũng khá “dễ chịu”. Với khách du lịch nước ngoài là 70 nghìn đồng/ngày đêm, còn đối với các tình nguyện viên sinh thái, mức thu từ 45-50 nghìn đồng, nếu ở dài ngày còn được giảm giá. Đã có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến đây theo tour du lịch này và số lượng ngày một tăng. Năm 2012 có 300 du khách, năm 2013 là 400 du khách, 4 tháng đầu năm 2014 đón gần 70  khách du lịch nước ngoài, các nhà khoa học, học sinh, sinh viên về xem chim di trú, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Các thành viên trong HTX đều có thu nhập tương đối ổn định, bình quân trên 1 triệu đồng/tháng. Mặc dù thu nhập từ làm du lịch bằng một phần rất nhỏ nuôi trồng thuỷ, hải sản nhưng theo đồng chí Trần Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Xuân, hiệu quả lớn nhất đối với người dân khi làm du lịch sinh thái là đã thay đổi cách nghĩ, tích cực tham gia bảo vệ môi trường VQG Xuân Thuỷ. Nhiều người dân trước đây chuyên săn bắt chim đã bỏ nghề, trở thành thành viên HTX và tham gia CLB bảo vệ chim trời VQG; có người trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu với du khách về tiềm năng, vẻ đẹp VQG, giáo dục du khách ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài khu vực các xã vùng đệm VQG Xuân Thuỷ, trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu, điểm du lịch tiềm năng đang được khai mở như Khu du lịch nghỉ dưỡng Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Khu du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong (Giao Thuỷ), Khu du lịch nghỉ dưỡng Thịnh Long (Hải Hậu)… Đây là những khu du lịch có điều kiện thiên nhiên đẹp, người dân thân thiện nên hấp dẫn du khách. Để làm được điều đó, các ngành, các địa phương có khu, điểm du lịch trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ vốn, chính sách cho người dân làm du lịch; phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, người dân cần thay đổi cách nghĩ trong việc tham gia làm du lịch để đạt hiệu quả lâu dài, thay đổi tư duy “chộp giật” tranh thủ kiếm tiền trong các mùa lễ hội, du lịch, “chặt chém”, chèn áp khách, ứng xử thiếu văn hoá với du khách và huỷ hoại môi trường thiên nhiên ở các khu, điểm du lịch./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com