Kết quả bước đầu thực hiện mô hình quản lý ATVSLĐ ở làng nghề Bình Yên

08:04, 15/04/2014

Làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) hiện có 225 hộ tham gia sản xuất các mặt hàng nhôm gia dụng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho số lượng lớn lao động địa phương. Năm 2013, thu nhập từ nghề cơ khí nhôm của làng đạt 115 tỷ đồng, đóng góp 65% tổng giá trị thu nhập từ công nghiệp - dịch vụ của xã. Tuy nhiên, do làng nghề phát triển tự phát, công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu, thiếu đồng bộ và ý thức của người lao động (NLĐ) còn hạn chế nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe NLĐ và nhân dân. Theo thống kê của ngành Y tế, trong 5 năm gần đây, xã Nam Thanh có khoảng 212 người chết vì mắc bệnh ung thư, một số ca tử vong, bị thương nặng vì tai nạn trong quá trình lao động, đa số họ có tuổi đời còn khá trẻ, từ 40 đến 60 tuổi. Để khắc phục tình trạng này, từ tháng 9-2013, Viện Khoa học và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) phối hợp với Sở LĐ-TB và XH triển khai dự án xây dựng điểm mô hình quản lý ATVSLĐ trong làng nghề tại làng nghề Bình Yên.

Người lao động ở làng nghề Bình Yên đã có ý thức sử dụng bảo hộ lao động khi sản xuất.
Người lao động ở làng nghề Bình Yên đã có ý thức sử dụng bảo hộ lao động khi sản xuất.

Xác  định phát triển làng nghề phải gắn với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho NLĐ, xã Nam Thanh đã tích cực triển khai thực hiện dự án. Trong khuôn khổ dự án, Viện Khoa học và Xã hội đã tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng làng nghề, phân loại các cơ sở sản xuất theo mức độ ảnh hưởng đến môi trường; tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các Sở: LĐ-TB và XH, Công thương, TN và MT, NN và PTNT, TT và TT, Hiệp hội làng nghề tỉnh; lãnh đạo xã và đại diện 35 cơ sở sản xuất trong làng nghề. Xã đã thành lập Ban quản lý ATVSLĐ làng nghề gồm 8 thành viên, chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức thực hiện ATVSLĐ của người sử dụng lao động và NLĐ. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ; lựa chọn 10 cơ sở tự nguyện tham gia mô hình. Anh Trần Văn Tính, chủ một cơ sở cơ khí nhôm tham gia mô hình cho biết, cơ sở của anh hiện có 4 lao động. Tham gia mô hình, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của Ban quản lý ATVSLĐ, anh đã nhận thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của cơ sở và cá nhân anh đối với  công tác ATVSLĐ. Cơ sở đã từng bước thực hiện các quy định về ATVSLĐ như: xây dựng nội quy lao động, các quy tắc làm việc an toàn đối với máy và thiết bị điện; phân công người chịu trách nhiệm về ATVSLĐ của cơ sở; hướng dẫn NLĐ thực hiện các biện pháp ATVSLĐ; trang bị và yêu cầu NLĐ sử dụng bảo hộ lao động, phương tiện bảo hộ cá nhân khi làm việc, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở NLĐ làm việc an toàn.

Qua hơn nửa năm triển khai thực hiện, mô hình quản lý ATVSLĐ tại làng nghề Bình Yên đã làm thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương, đặc biệt là người sử dụng lao động và NLĐ trong làng nghề về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sức khỏe NLĐ và sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Mô hình đã mang đến phương thức quản lý ATVSLĐ làng nghề chặt chẽ, đồng bộ, những giải pháp hay, thiết thực và khả thi, đảm bảo ATVSLĐ, đạt được sự đồng thuận và hưởng ứng của người sử dụng lao động và NLĐ. Tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia mô hình, công tác ATVSLĐ được thực hiện nghiêm túc hơn, môi trường làm việc, điều kiện lao động được quan tâm, cải thiện. Từ khi áp dụng mô hình, các hoạt động sản xuất trong làng nghề đã ổn định hơn, không xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu trong công tác ATVSLĐ, góp phần khắc phục phát sinh ô nhiễm môi trường ở làng nghề Bình Yên. Để mô hình đạt được mục tiêu đặt ra, xã Nam Thanh và các doanh nghiệp, cơ sở cần nỗ lực duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình, khắc phục những điểm hạn chế và mở rộng phạm vi áp dụng. Trong đó, cần thúc đẩy, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động, NLĐ thực hiện tốt công tác ATVSLĐ; tổ chức các lớp huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ; huy động các nguồn lực xã hội để duy trì hoạt động của Ban quản lý ATVSLĐ./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com