Hỗ trợ thanh niên nông thôn trong dạy nghề và giải quyết việc làm

07:04, 17/04/2014

Những năm qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm (GQVL) cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cụ thể hóa thông qua thực hiện phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Đến nay, toàn tỉnh có 105 trang trại do thanh niên làm chủ, thu hút 3.560 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia; có 203 cơ sở Đoàn xã thành lập được các mô hình thanh niên làm kinh tế, thu hút 2.350 ĐVTN tham gia.

Xác định đẩy mạnh công tác dạy nghề, GQVL cho thanh niên nông thôn là giải pháp tích cực để tập hợp ĐVTN, “giữ chân” lực lượng lao động trẻ tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tập trung vào các hoạt động: Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và giúp thanh niên khởi nghiệp, tạo việc làm. Hằng năm, Đoàn Thanh niên các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi, tư vấn các phương thức tiếp cận vốn vay…, giúp ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay qua kênh 120 của Trung ương Đoàn cũng được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh vận dụng linh hoạt, hỗ trợ thanh niên có vốn để triển khai các đề án phát triển sản xuất, GQVL. Năm 2013, có 15 chương trình, dự án của thanh niên được cấp vốn vay, trong đó chủ yếu là của thanh niên nông thôn. Thời điểm hiện tại, nguồn vốn vay của thanh niên qua kênh của Ngân hàng CSXH đạt gần 102 tỷ đồng; qua kênh 120, có 65 dự án vay của thanh niên với tổng vốn vay 550 triệu đồng với 62 người vay. Giải quyết được khó khăn về nguồn vốn, ĐVTN đã tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hoá các ngành nghề. Đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào chương trình xoá đói giảm nghèo, GQVL, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu như: mô hình sản xuất chậu cảnh, cây cảnh ở xã Điền Xá (Nam Trực), Hải Sơn (Hải Hậu); mô hình VAC ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy; nuôi chim cút ở Mỹ Xá (TP Nam Định); trồng nấm ở Xuân Kiên (Xuân Trường), Hải Chính (Hải Hậu); nuôi lợn ở Xuân Thành (Xuân Trường); thêu ren xuất khẩu ở Nam Trực; mộc, mỹ nghệ ở Yên Ninh (Ý Yên), Hải Minh, Hải Vân (Hải Hậu)…, mỗi mô hình cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tư vấn, hướng nghiệp, chuyển giao tiến bộ KHKT, tập huấn kiến thức quản lý, hạch toán kinh tế hộ gia đình…, tham gia dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên; tập trung vào các nhóm nghề trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại VAC… Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn còn mở các lớp “Khởi sự doanh nghiệp” cho thanh niên, tổ chức tập huấn cho đội ngũ bí thư Đoàn các xã, phường, thị trấn để đưa một số ngành nghề về nông thôn, giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho thanh niên; giới thiệu ngành nghề, mô hình hoạt động mới, hiệu quả cho lực lượng lao động trẻ. Năm 2013, toàn tỉnh có 15.810 lượt ĐVTN được tư vấn, hướng nghiệp, có 500 ĐVTN nông thôn được học các nghề trồng trọt, chăn nuôi. Cũng trong năm 2013, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã giới thiệu việc làm cho 8.100 ĐVTN. Hằng năm, các cấp bộ Đoàn còn phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các chương trình tư vấn xuất khẩu lao động cho ĐVTN. Năm 2013, các cấp bộ Đoàn tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động cho 870 ĐVTN. Với mục đích hỗ trợ, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, ở nhiều cơ sở Đoàn nông thôn, thanh niên còn thành lập các nhóm, CLB giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức, mở rộng thị trường tiêu thụ… Đến nay, đã có 6 Huyện Đoàn thành lập được 6 CLB thanh niên giúp nhau lập nghiệp gồm các CLB: Thanh niên với kỹ thuật nghề nông, Thanh niên giúp nhau làm kinh tế, Trang trại trẻ, Thanh niên làm kinh tế giỏi… thu hút 320 ĐVTN tham gia.

Trong công tác hỗ trợ thanh niên nông thôn học nghề và GQVL, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn quan tâm đến các thanh niên xuất ngũ, hỗ trợ nhiều mặt, tạo nguồn cán bộ, tư vấn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm ổn định để lập thân, lập nghiệp. Năm 2013, các cấp bộ Đoàn đã giới thiệu 215 ĐVTN là bộ đội, công an xuất ngũ tìm được việc làm ổn định. Những kết quả đạt được từ công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN, đã góp phần nâng cao trình độ, tay nghề cho lực lượng lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; qua đó đã tập hợp, đoàn kết được đông đảo lực lượng thanh niên nông thôn tham gia các hoạt động do tổ chức Đoàn, Hội ở địa phương tổ chức

Để tiếp tục hỗ trợ thanh niên nông thôn trong hoạt động dạy nghề, GQVL, thời gian tới Tỉnh Đoàn tập trung vào các nhiệm vụ: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm, nhất là các đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ học nghề, GQVL, kỹ năng xây dựng các chương trình, dự án vay vốn cho ĐVTN trong sinh hoạt chi đoàn, chi hội và trong các lớp tập huấn cán bộ Đoàn, Hội các cấp, nhằm giúp thanh niên tiếp cận được nguồn vốn hiệu quả hơn. Tiếp tục duy trì các chương trình tập huấn, chuyển giao KHKT, mô hình làm kinh tế giỏi…, mở thêm các lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là những nghề truyền thống có nhiều thế mạnh như: may mặc, thêu ren xuất khẩu, mộc mỹ nghệ, cây cảnh./.

Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com