Giao Thủy đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật

08:04, 14/04/2014

Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân, hằng năm Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện Giao Thủy đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL theo chuyên đề gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện theo từng thời điểm cụ thể. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của nhân dân và hướng dẫn nhân dân thực hiện nhằm đưa chính sách pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Cán bộ HND huyện Giao Thủy chuẩn bị nội dung tuyên truyền pháp luật về đất đai cho nhân dân.
Cán bộ HND huyện Giao Thủy chuẩn bị nội dung tuyên truyền pháp luật về đất đai cho nhân dân.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các ngành, đoàn thể của huyện đã tăng cường phối hợp, đa dạng các hình thức tuyên truyền, PBGDPL. Từ năm 2013 đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với HND huyện tổ chức 15 buổi tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân và gia đình, dân sự, bình đẳng giới, nghĩa vụ quân sự… cho trên 2.000 lượt hội viên nông dân; in trên 20 nghìn tờ gấp tuyên truyền pháp luật phát cho hội viên tại 164 cơ sở Hội. Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với HND huyện tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, như: thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật… Qua đó, 100% hội viên được tiếp cận, tìm hiểu những quy định mới của pháp luật để điều chỉnh hành vi, giáo dục con em sống, làm việc theo pháp luật. Thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg của Chính phủ về việc tạo điều kiện cho HND các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phòng Tư pháp và HND huyện đã tích cực phối hợp, tổ chức TGPL cho hội viên nông dân. Với phương châm hướng về cơ sở, hoạt động TGPL được tiến hành trực tiếp tại thôn, xóm, khu phố và giải đáp các thắc mắc của hội viên và những vấn đề đang diễn ra ở địa phương. Thông qua các hoạt động TGPL đã khắc phục tâm lý e dè, né tránh việc tìm hiểu pháp luật của người dân, thu hút đông số người yêu cầu TGPL. Đặc biệt, nhóm đối tượng hộ nghèo, người tàn tật, gia đình chính sách đã mạnh dạn nêu những vấn đề khó khăn đang gặp phải và đề xuất tư vấn cách giải quyết. Nhiều vấn đề về chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi mà họ được thụ hưởng như: Thủ tục vay vốn ưu đãi hộ nghèo, chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam, chế độ với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, chế độ bảo trợ xã hội, thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản… được trao đổi, giải quyết thông qua các đợt TGPL lưu động. Ông Hoàng Công Trịnh, Chủ tịch HND huyện, cho biết: Từ năm 2013 đến nay, Phòng Tư pháp, HND huyện đã phối hợp tổ chức 4 buổi TGPL lưu động, thu hút 500 lượt hội viên nông dân tham dự, thực hiện tư vấn pháp luật cho 187 hội viên. Qua đó đã tác động tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Đặc biệt, tỷ lệ vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết của nông dân trong lĩnh vực đất đai, giao thông, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên giảm mạnh… Cũng trong năm 2013, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức 3 buổi tuyên truyền, PBGDPL cho 1.900 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) các xã, thị trấn và học sinh các trường THPT trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên, Luật Biển Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ và Luật Phòng, chống ma túy. Nét mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh niên là thay vì hình thức tuyên truyền thụ động, ĐVTN, học sinh chủ động đề xuất tình huống thực tế, rồi đưa phương án xử lý và các căn cứ pháp lý cụ thể, trả lời câu hỏi về pháp luật do ban tổ chức đưa ra. Cách làm này giúp các ĐVTN và học sinh tìm hiểu, nắm chắc các quy định của pháp luật cũng như cách vận dụng linh hoạt vào thực tế cuộc sống, đồng thời, nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong việc phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và hạn chế vi phạm pháp luật tại địa phương. Trong phối hợp tuyên truyền, PBGDPL với Hội Phụ nữ huyện, Phòng Tư pháp huyện hỗ trợ các cấp Hội Phụ nữ phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”, làm đầu mối tư vấn pháp luật cho hội viên. Trong đó, Phòng Tư pháp huyện cử cán bộ trực tiếp tham gia các buổi sinh hoạt để tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn, giải đáp những vướng mắc về pháp luật cho hội viên phụ nữ; tổ chức tập huấn, cấp phát tài liệu pháp luật cho thành viên các CLB. Tại các buổi sinh hoạt, cùng với việc phổ biến các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, Phòng Tư pháp và Hội Phụ nữ huyện còn đặc biệt quan tâm tuyên truyền Luật Biển Việt Nam; về biển đảo, Biển Đông và những vấn đề thời sự liên quan theo quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; Luật Biên giới quốc gia, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc…, nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên và nhân dân các xã ven biển trong việc khai thác, phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Từ năm 2013 đến nay, Phòng Tư pháp và Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền pháp luật cho hội viên phụ nữ các xã ven biển như: Giao Thịnh, Giao Phong, Giao Long, Giao Hà, Giao Xuân, Giao An và Thị trấn Quất Lâm. Bên cạnh công tác phối hợp tuyên truyền, PBGDPL với các đoàn thể, trong 3 năm qua, Phòng Tư pháp huyện còn phối hợp với các xã, thị trấn duy trì mỗi quý tổ chức 1 buổi tuyên truyền PBGDPL tại địa bàn các xã, thị trấn cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn và đội ngũ hòa giải viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở; cấp phát kịp thời tài liệu, đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật mới cho các xã, thị trấn để làm tài liệu phổ biến tới nhân dân; duy trì kiểm tra, hướng dẫn việc khai thác, luân chuyển và bổ sung các đầu sách pháp luật vào tủ sách pháp luật của các xã, thị trấn. Trong năm 2013, với sự hỗ trợ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện đã cấp bổ sung 1.540 đầu sách pháp luật cho 22 xã, thị trấn trong huyện...

Với những nỗ lực trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, PBGDPL, đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đoàn viên, hội viên và nhân dân, qua đó giảm thiểu các tranh chấp, vi phạm pháp luật và đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com