Những năm qua, Hội Người mù Thành phố Nam Định đã có nhiều hoạt động thiết thực như: tạo điều kiện về vốn, dạy nghề, tạo việc làm giúp hội viên khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Tĩnh, Chủ tịch Hội Người mù thành phố cho biết: Những năm qua, Hội Người mù thành phố đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm, giúp đỡ mọi mặt để người mù có được công việc ổn định, tự chăm lo cho bản thân, không phụ thuộc vào gia đình. Năm 2001, ông Trần Văn Hỗ ở thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong được vay 1 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội cộng với vốn của gia đình để phát triển chăn nuôi và trồng quất trên 1 sào vườn của gia đình. Từ chăn nuôi và trồng quất đã cho gia đình ông thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Hiện tại, gia đình ông đang trồng hơn 200 gốc quất trên diện tích 3 sào vườn. Ông đã thoát diện hộ nghèo trong xã, từng bước đảm bảo thu nhập cho gia đình và bản thân. Anh Nguyễn Văn Ánh sinh năm 1991, bị khiếm thị bẩm sinh đã theo học lớp xoa bóp bấm huyệt ở một trung tâm xoa bóp bấm huyệt tại Hà Nội. Sau hơn 1 năm chịu khó học hỏi, anh đã hoàn thành khóa huấn luyện và được vào làm việc tại cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Hội Người mù Thành phố Nam Định. Được đào tạo bài bản cộng với sự nhiệt tình, anh đã làm việc thành thạo và được khách hàng đánh giá cao. Hằng tháng thu nhập của anh đạt từ 2,5-3,5 triệu đồng.
Ông Trần Văn Hỗ, thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong chăm sóc vườn quất của gia đình. |
Được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, trang thiết bị văn phòng của Hội được đầu tư đồng bộ với tủ tài liệu, bàn làm việc, tủ sách với hàng trăm đầu sách và tạp chí hằng kỳ của Hội bằng chữ nổi để cho cán bộ, hội viên đọc, tìm hiểu về các chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp người mù nhận thức được đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống văn hóa, tinh thần của người mù được nâng lên. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Tỉnh Hội, Sở LĐ-TB và XH và các ngành chức năng của tỉnh, thành phố, Trung tâm Hữu nghị cộng đồng đã mở 2 lớp học nghề xoa bóp bấm huyệt cho 40 học viên là những người mù, người tàn tật, đối tượng chính sách và lao động nữ thành thị theo Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Hội Người mù thành phố đều duy trì hoạt động đều đặn, tạo việc làm, thu nhập cho các hội viên. Đến nay, Hội có 3 phòng xoa bóp bấm huyệt, được trang bị máy điều hòa không khí, ti vi và hệ thống âm thanh hiện đại, cùng với đội ngũ kỹ thuật viên có kỹ năng chuyên môn, phục vụ tận tình, được khách hàng ghi nhận là cơ sở xoa bóp bấm huyệt đạt chuẩn về chuyên môn. Cơ sở luôn luôn duy trì nghiêm quy chế và thời gian làm việc tạo thu nhập cho người lao động với số tiền 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hội Người mù thành phố còn phát triển thêm nghề sản xuất tăm phục vụ người tiêu dùng. Hội đã liên kết với Hội Người mù Giao Thủy sản xuất tăm giang (tăm VIP) chất lượng cao phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Sản phẩm tăm Vip đã được các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố và các phường, xã vận động nhân dân tiêu thụ, tạo thu nhập 700 nghìn đồng/người/tháng. Từ nguồn thu dịch vụ xoa bóp bấm huyệt và sản xuất tăm tre để tiêu thụ, đã đảm bảo ổn định cuộc sống cho hội viên. Hội Người mù thành phố cũng chủ động đề nghị với Ngân hàng CSXH tỉnh cho hội viên nghèo vay vốn theo quy định để hội viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Hằng năm, vào các ngày lễ, tết Hội đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các gia đình hội viên, mỗi suất quà trị giá từ 200-400 nghìn đồng.
Với nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, Hội Người mù Thành phố Nam Định đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người khiếm thị trên địa bàn. Nhờ sự giúp đỡ của Hội, nhiều hội viên đã từng bước vươn lên thoát nghèo, hòa nhập với cộng đồng./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh