Năm 2013, huyện Ý Yên đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng dân số. Trong đó Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai ở cả 32 xã, thị trấn trong huyện. Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho đội ngũ CTV dân số, nhân viên y tế; tổ chức tuyên truyền định kỳ trên đài truyền thanh các xã, thị trấn; tổ chức nói chuyện chuyên đề, cung cấp tờ rơi về các vấn đề liên quan đến mất cân bằng giới tính khi sinh ở tất cả các xã, thị trấn. Thông qua các hoạt động của đề án, đã tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức của cộng đồng, nhất là những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái, người trong độ tuổi sinh đẻ và cả những người cao tuổi trong gia đình, thay đổi quan niệm cần có con trai để nối dõi, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên. Đề án tiền hôn nhân được triển khai ở 3 xã: Yên Trung, Yên Phong và Yên Cường với các hoạt động: tư vấn cho các cặp nam, nữ thanh niên sắp xây dựng gia đình về vấn đề SKSS vị thành niên, thanh niên; tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho học sinh Trường THPT Tống Văn Trân và học sinh lớp 9 ở 3 trường THCS thuộc 3 xã triển khai đề án; phát tờ rơi, sách cẩm nang sức khỏe sinh sản vị thành niên cho thanh, thiếu niên các xã triển khai đề án.
Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ tại xã Yên Nghĩa. |
Trong khuôn khổ đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh, ngành Y tế và Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã tập huấn cho đội ngũ nữ hộ sinh và cán bộ chuyên trách dân số ở cả 32 xã, thị trấn về quy trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho các bà mẹ mang thai hiểu biết tác dụng, sự cần thiết của việc sàng lọc và chẩn đoán các bệnh lý thai nhi trước sinh. Kết quả năm 2013, toàn huyện đã lấy 174 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh; đồng thời thực hiện kỹ thuật siêu âm về sàng lọc trước sinh, phát hiện kịp thời các dấu hiệu có nguy cơ bất thường về hình thái, cấu trúc thai nhi, chuyển tuyến trên để điều trị và tư vấn sàng lọc. Qua đó đã góp phần giảm thiểu số trẻ em bị dị tật bẩm sinh, nhất là ở các xã làng nghề, môi trường bị ô nhiễm nặng. Bên cạnh việc triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số, các xã, thị trấn đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ. Các đoàn thể tăng cường tuyên truyền thông qua các hội nghị, các CLB thôn, xóm. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã xây dựng mô hình CLB chi, tổ Hội không có người vi phạm chính sách dân số lồng ghép với các hoạt động thường xuyên của Hội. Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn vận động các khu dân cư, các hộ dân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, coi đây là một trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Đội ngũ CTV dân số thường xuyên nắm bắt tình hình biến động về nhân khẩu ở thôn, xóm; rà soát đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa thực hiện các biện pháp tránh thai để có kế hoạch tuyên truyền, vận động. Nhiều xã như Yên Minh, Yên Nghĩa, Yên Lương... ngân sách còn khó khăn song vẫn quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác dân số - KHHGĐ, nhất là trong các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ.
Nhờ triển khai có hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng dân số; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác dân số nên chất lượng dân số của huyện những năm qua đã từng bước được nâng cao. Nhiều chỉ tiêu về dân số và thực hiện các dịch vụ KHHGĐ đã đạt và vượt so với kế hoạch được giao. Năm 2013, số trẻ em sinh ra của toàn huyện là 3.974 cháu, giảm 768 cháu; tỷ lệ sinh là 1,53%, giảm 0,32% so với cùng kỳ năm 2012. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%./.
Bài và ảnh: Lam Hồng