Năm 2013, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp, đơn vị thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về lao động.
Sản xuất tại Nhà máy Sợi, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định. |
Trong năm, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh, Ban quản lý các KCN và Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, nhất là chế độ, chính sách BHXH tại 29 doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trọng điểm sử dụng nhiều lao động. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động như: Việc ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), thỏa ước lao động tập thể, chế độ tiền lương, tiền công, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, xây dựng và thực hiện nội quy lao động, công tác ATLĐ-PCCN, việc thực hiện Luật BHXH, thành lập tổ chức công đoàn… trong các doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH đối với người lao động. Tại thời điểm kiểm tra, các doanh nghiệp có 15.014 lao động, trong đó có 10.890 lao động nữ. Số người lao động được ký kết HĐLĐ là 14.609 người, đạt 98,8% số người thuộc diện phải ký kết HĐLĐ; 12 doanh nghiệp đã tiến hành thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể. Hầu hết các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước và thực hiện chế độ bồi dưỡng cho người lao động làm tăng ca, thêm giờ đầy đủ, kịp thời. Gần 70% số doanh nghiệp được kiểm tra đã xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương; xây dựng định mức lao động, đơn giá tiền lương, quy chế trả lương, tiền thưởng và đăng ký với cơ quan chức năng. 100% doanh nghiệp đảm bảo thời gian làm việc tiêu chuẩn 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần; 20/25 doanh nghiệp được kiểm tra bố trí đủ ngày nghỉ hằng tuần cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước và thực hiện chế độ bồi dưỡng cho người lao động làm tăng ca, thêm giờ đầy đủ, kịp thời. 11/25 doanh nghiệp (chiếm 44%) đã ban hành nội quy lao động đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền), 4/25 doanh nghiệp (chiếm 16%) đã ban hành nội quy lao động nhưng chưa đăng ký. Hơn 60% số doanh nghiệp được kiểm tra thực hiện tương đối tốt về công tác ATVSLĐ như: có cán bộ được phân công thực hiện công tác ATVSLĐ, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên, ban hành kế hoạch bảo hộ lao động, lập sổ theo dõi cấp phương tiện bảo hộ cá nhân, đầu tư, lắp đặt hệ thống chống nóng cho xưởng sản xuất, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho người lao động, niêm yết nội quy vận hành ATLĐ, định kỳ kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, thực hiện đo kiểm môi trường lao động, che chắn thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, thực hiện tốt việc khám sức khoẻ định kỳ đối với người lao động, có chế độ phụ cấp cho lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại... Tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm tra, đã có 12.500 người trong tổng số 13.826 lao động thuộc diện bắt buộc được tham gia BHXH, đạt 90,4%. Người lao động được hưởng tương đối đầy đủ, kịp thời các chế độ khi bị ốm đau, thai sản. Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động. Đoàn kiểm tra liên ngành đã đưa ra 390 yêu cầu, kiến nghị các doanh nghiệp, đơn vị khắc phục, sửa chữa những vi phạm, hạn chế, thiếu sót. Các vi phạm, hạn chế chủ yếu là: Chưa thực hiện ký kết HĐLĐ hoặc đã ký kết nhưng nội dung HĐLĐ chưa thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ lao động, có thỏa thuận trái với quy định của pháp luật, ký liên tiếp các HĐLĐ ngắn hạn dưới 3 tháng, bỏ trống nhiều nội dung bắt buộc trong HĐLĐ, ghi chung chung không theo quy định của Nhà nước, chế độ BHXH người lao động tự chi trả, áp dụng biện pháp “giữ chân” người lao động trái quy định của pháp luật bằng cách giữ khoản tiền lưu quỹ của người lao động (25 kiến nghị). Chưa xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân, chức danh tiêu chuẩn viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, quy chế trả lương, tiền thưởng; xây dựng và gửi định mức lao động, thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện, thành phố (20 kiến nghị). Chưa xây dựng và đăng ký nội quy lao động với Sở LĐ-TB và XH. Chưa đóng BHXH đầy đủ cho số lao động thuộc diện bắt buộc, không tính tiền BHXH vào lương cho người lao động không thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, chưa chi trả đầy đủ chế độ BHXH ngắn hạn cho người lao động; chưa trả lương làm thêm giờ, lương ngừng việc, trả thêm tiền lương khi làm việc vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ hằng năm; chưa tổ chức huấn luyện và cấp thẻ ATLĐ cho người lao động (15 kiến nghị). Chưa kiểm định và đăng ký thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (14 kiến nghị). Có 7 doanh nghiệp còn nợ đọng về BHXH với tổng số tiền là 503 triệu đồng…
Để đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đề nghị UBND các huyện, Thành phố Nam Định, Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở GD và ĐT thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động; kiên quyết xử lý những đơn vị cố tình vi phạm các quy định pháp luật về lao động. Đề nghị các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ công đoàn cơ sở về chính sách pháp luật, kỹ năng tham gia xây dựng thoả ước lao động tập thể, nội quy, định mức lao động, thang lương, bảng lương; triển khai thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc theo quy định và tăng cường phổ biến, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động tại đơn vị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định./.
Bài và ảnh: Minh Tân