Những ngày này, các chợ đầu mối, các siêu thị trên địa bàn Thành phố Nam Định đã bày bán khá phong phú các loại thực phẩm phục vụ Tết. Tại chợ Hoàng Ngân, một đầu mối tiêu thụ hàng thực phẩm tươi sống vào loại lớn của thành phố, các cơ sở, ki-ốt kinh doanh cua biển, ngao, tôm, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, các cơ sở sản xuất bánh chưng, giò chả, phụ gia thực phẩm đã bắt đầu nhộn nhịp. Tại chợ Mỹ Tho không khí mua bán cũng đã sôi động. Bên cạnh các mặt hàng sản xuất trong nước có bao bì, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng, vẫn còn nhiều loại bánh kẹo, mứt, ô mai không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng được bày bán công khai, trong đó chiếm phần lớn là ở các mặt hàng kẹo, hạt bí, hạt hướng dương có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại khu vực bán bánh kẹo, mứt, hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương, một chủ ki-ốt cho biết, phần lớn hạt hướng dương kinh doanh tại chợ có xuất xứ từ Trung Quốc, hầu hết trên bao bì không ghi hạn sử dụng. Tại Siêu thị Big C (TP Nam Định) đã trưng bày khá nhiều mặt hàng được người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, mứt, bia rượu, nước giải khát, các sản phẩm từ thịt... Địa điểm sản xuất, chế biến thực phẩm của siêu thị tương đối sạch sẽ, trang thiết bị sản xuất đầy đủ. Tuy nhiên, tại khu vực đóng đồ ăn ngay, một số nhân viên chưa thực hiện đúng quy định về trang thiết bị cá nhân trong quá trình bao gói sản phẩm… Tại Trung tâm Thương mại Micom Plaza (TP Nam Định), các mặt hàng Tết đã tương đối nhiều như bánh mứt kẹo, bia rượu, rau củ quả, các mặt hàng khô, đông lạnh... Tuy vậy, tại khu vực bán đồ ăn ngay cho khách, việc vệ sinh dụng cụ ăn uống chưa được tiệt trùng theo quy định… Một điểm chung tại các siêu thị cũng như các chợ đầu mối và các khu phố bán bánh kẹo như phố Bắc Ninh, phố Hoàng Văn Thụ… là có khá nhiều mặt hàng bánh kẹo bán theo cân, giá rẻ, nhưng trên bao bì không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng. Thời điểm gần Tết Nguyên đán hằng năm luôn là thời cơ thuận lợi để các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng tràn vào thị trường, đặc biệt là các loại thực phẩm dễ bị làm giả như rượu bia, các loại nước giải khát đóng chai, mì chính, bột ngọt, kẹo, bánh, mứt, nước mắm…, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng rượu nhập khẩu tại Siêu thị Big C (TP Nam Định). |
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tăng cường bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm ATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, quảng cáo tiêu dùng thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết, lựa chọn mua các sản phẩm thực phẩm an toàn, tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP. UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở Công thương, NN và PTNT và các ngành liên quan tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP, trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, các cơ sở sản xuất thực phẩm ở các làng nghề truyền thống, các cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP do Sở Y tế chủ trì đã phối hợp với các ngành liên quan thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện Ý Yên, Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và Nam Trực. Ngoài ra các sở: Y tế, Công thương, NN và PTNT cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo lĩnh vực được phân công. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các huyện, thành phố cũng thành lập các đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các đoàn của tỉnh theo yêu cầu. Đối tượng thanh tra, kiểm tra gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các nhóm sản phẩm: thịt, giò, chả, thủy hải sản, trái cây, rau, củ, quả; rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, dầu ăn, đường, sữa; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu... Các đoàn thanh tra của tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở thuộc tỉnh quản lý. Đoàn thanh tra của huyện, thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; trường hợp phát hiện vi phạm, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định, không để sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không có nhãn hoặc có nhãn sai quy định tiếp tục lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Ngoài việc trực tiếp xử lý, các đoàn thanh tra của tỉnh sẽ bàn giao hồ sơ vi phạm cho UBND các huyện, thành phố nơi có cơ sở được thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP. Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đang triển khai công tác giám sát, phòng, chống NĐTP trong dịp Tết. Hiện tại, Chi cục ATVSTP tỉnh đã thành lập các đội thường trực để phục vụ công tác điều tra xử lý khi xảy ra NĐTP. Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo hệ thống y tế tuyến huyện, đặc biệt là các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh thành lập các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống NĐTP xảy ra trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận