Sinh viên làm thêm dịp Tết

09:01, 17/01/2014

Những năm gần đây, ngày càng nhiều sinh viên làm thêm ngoài giờ học để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt, học tập khi nguồn “bao cấp” của gia đình hạn hẹp. Đặc biệt dịp Tết, không khí làm thêm để có tiền tiêu Tết càng sôi động.

Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Nga Tuấn, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) thu hút nhiều sinh viên làm thêm dịp Tết.
Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Nga Tuấn, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) thu hút nhiều sinh viên làm thêm dịp Tết.

Vào dịp cuối năm, hoạt động kinh doanh buôn bán vào lúc cao điểm cũng là dịp thị trường việc làm thêm cho sinh viên trở nên nhộn nhịp. Làm thêm dịp cuối năm vừa là cơ hội để kiếm tiền tiêu Tết vừa giúp nhiều sinh viên trải nghiệm cuộc sống để hiểu được giá trị của những đồng tiền do chính mình làm ra. 5 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Nga Tuấn ở phường Lộc Hạ (TP Nam Định). 4 sinh viên các trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Điều dưỡng Nam Định đang đóng mứt vào hộp. Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nghỉ 2 tiếng buổi trưa. Đào Thị Thu Hường quê Thái Bình là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Nhà có hai chị em đi học, bố mẹ lại làm ruộng. Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vào dịp Tết. Để giúp bố mẹ sắm một cái Tết đầy đủ, em tranh thủ kiếm việc làm thêm dịp Tết. Được một người bạn xóm trọ rủ đi đóng mứt, thấy công việc có thể vừa làm vừa ôn thi, thu nhập tạm ổn 60 nghìn đồng/ngày nên Hường đến xin làm. Dự kiến một tháng Tết (đến 28 Tết), Hường sẽ thu nhập gần 2 triệu đồng, tạm đủ để mua sắm ít hàng Tết cho bố mẹ, đặc biệt là mua tặng bố cái áo “phao” vì bố rất muốn nhưng mãi vẫn chưa có tiền mua được. Bùi Văn Duy, quê ở Ý Yên là sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định nhận làm phục vụ bàn cho một nhà hàng tại Thành phố Nam Định. Dịp cuối năm, lượng khách hàng đặt tiệc tại nhà hàng tiệc cưới đông. Công việc phục vụ bàn của Duy theo đó cũng bận rộn, tất bật và mệt hơn, nhưng bù lại tiền lương theo đó cũng tăng lên. Đi làm theo ca, mỗi ca Duy được chủ nhà hàng trả từ 50 đến 60 nghìn đồng. Học sáng, chiều đi làm thêm tại nhà hàng, tối đi gia sư 2 tiếng với lương 70 nghìn đồng/buổi. Như vậy cuối năm Duy cũng tranh thủ kiếm được khoảng 100 đến 130 nghìn đồng/ngày vừa để giúp bố mẹ một phần sắm Tết và trang trải chi phí sinh hoạt sau Tết khi lên trường đầu năm không phải xin bố mẹ. Hay như bạn Bùi Thị Lan ở Hà Nam, đang trọ tại miền Đông Mạc, phường Lộc Hạ (TP Nam Định). Thấy Lan hiền lành, ngoan ngoãn, cô chủ nhà trọ đã giới thiệu làm nhặt chỉ tại một Cty may trên địa bàn thành phố. Lan cho biết: “Thu nhập không nhiều, do năm nay kinh tế khó khăn nhưng Lan vẫn cố gắng làm để có thêm ít thu nhập mua quà cho bố mẹ và mấy đứa em ở quê”.

Trong những tháng cận Tết, có nhiều công việc phù hợp cho sinh viên như: bán hàng, phục vụ cửa hàng ăn uống, làm bánh kẹo, mứt… ngoài việc gia sư dạy thêm. Thu nhập dao động từ 40-70 nghìn đồng/ngày. Nhờ việc làm thêm, sinh viên có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt và chi phí học tập; chia sẻ gánh nặng cùng gia đình và mua sắm quà Tết, đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tích lũy kinh nghiệm cho khi ra trường tìm việc làm. Lan cho biết: Chương trình giáo dục trong nhà trường còn nặng về kiến thức sách vở, ít thực hành thì đi làm thêm là cách tốt nhất để mỗi sinh viên tự trang bị vốn thực tế cho mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc sinh viên đi làm thêm cũng nảy sinh nhiều hệ lụy, rủi ro. Dịp cuối năm là thời điểm ôn thi học kỳ, nhiều bạn vì mải đi làm thêm lơ là việc ôn thi dẫn đến kết quả không tốt, ảnh hưởng đến cả một quá trình phấn đấu. Các chủ cơ sở sản xuất cũng lợi dụng việc sinh viên đi làm thêm “ép lương” trả không tương xứng với sức lao động. Với cùng công việc, người lao động thường xuyên được trả 100 nghìn đồng/ngày, nhưng nếu là sinh viên thường chỉ được trả 50-60 nghìn đồng/ngày chưa kể do mới đi làm nên việc mắc lỗi là không tránh khỏi dẫn đến thu nhập cả tháng còn bị “trừ đầu, trừ đuôi”. Nhiều sinh viên, không có người giới thiệu thì tự tìm đến trung tâm giới thiệu việc làm hoặc tìm việc theo những tờ quảng cáo dán tường nên dễ gặp rủi ro, bị lừa, “tiền mất tật mang”. Để tránh gặp phải những rủi ro, hệ lụy cho sinh viên đi làm thêm, thiết nghĩ các Hội sinh viên các trường cần nắm bắt thực tiễn nhu cầu này, có kế hoạch hỗ trợ bằng việc định hướng rõ cho sinh viên cân nhắc, sắp xếp hợp lý việc làm thêm với mục đích chính là học tập; tìm hiểu thị trường việc làm để tư vấn cho sinh viên. Cũng theo kinh nghiệm của những bạn dày dạn kinh nghiệm đi làm thêm, sinh viên cần trực tiếp vào các cửa hàng, Cty liên hệ xin việc tìm hiểu kỹ công việc, chế độ lương và thời gian làm việc để tránh bị “hớ”. Nguyện vọng của nhiều sinh viên mong muốn có một tổ chức hay trung tâm giới thiệu việc làm đáng tin cậy để sinh viên liên hệ tìm việc làm và bảo vệ quyền lợi của sinh viên khi đi làm thêm. Đây là vấn đề ngày càng trở nên bức thiết./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com